Hội nhập là một xu thế tất yếu của thế giới. Hội nhập quốc tế mang lại rất nhiều cơ hội. Hội nhập cũng tạo cơ hội để các cá nhân được thụ hưởng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đa dạng về chủng loại, mẫu mã và chất lượng với giá cạnh tranh; được tiếp cận và giao lưu nhiều hơn với thế giới bên ngoài. Song hội nhập quốc tế cũng đặt ra không ít thách thức khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường; rất dễ làm gia tăng khoảng cách giàu - nghèo, tăng nguy cơ xói mòn bản sắc dân tộc và văn hóa truyền thống trước sự “xâm lăng” của văn hóa ngoại lai. Khoan hãy bàn đến những vấn đề lớn lao, chỉ nhìn vào góc nội trợ về tiêu dùng thường xuyên hàng ngày trong mỗi gia đình đã thấy nhiều nỗi lo.
Từ trước tới nay, nước ta vẫn là nước có lợi thế về nông nghiệp. Chúng ta vẫn luôn tự hào là một nước có ưu thế, sản lượng lúa gạo xuất khẩu đứng nhất nhì thế giới nhưng giá trị xuất khẩu lại chưa cao. Trước đây vài chục năm, làm sao để mua được gạo hàng tháng theo sổ đầy đủ, đúng hạn và một số thực phẩm theo tem phiếu, chút rau củ quả tự tăng gia, tích trữ đủ mắm, muối, chút tóp mỡ là mấy bà nội trợ đã cảm thấy rất yên tâm. Hoa quả không thành vấn đề vì hầu như người dân chưa đủ tiền để ăn trái cây. Tâm linh là chuyện lớn nhưng nghi lễ cũng rất giản đơn. Giờ đây, khi GDP đã tăng gấp nhiều lần thì các chuyện lớn, chuyện trong gia đình đều trở thành ... chuyện nhỏ?! Vậy nhưng rất có thể lại làm cho các bà nội trợ đêm nằm mất ngủ vì không biết ngày mai sẽ mua loại gạo gì, rau củ quả gì cho bữa ăn của gia đình. Trước đây, không có khái niệm thực phẩm sạch. Còn bây giờ người nội trợ không khỏi băn khoăn, lo lắng để phân biệt thực phẩm "sạch" với thực phẩm "bẩn" khi đi chợ.
Chúng ta có truyền thống về chăn nuôi gia súc, gia cầm từ ngàn đời nay. Nhưng mới đây dư luận không khỏi băn khoăn khi thịt bò Australia đang được doanh nghiệp nhập ồ ạt vào Việt Nam và lại được người tiêu dùng lựa chọn, đơn giản vì “thịt bò ngoại” rẻ hơn thịt bò chăn nuôi trong nước. Không chỉ riêng thịt bò mà rất nhiều nông sản khác của nước ta luôn bị lép vế ngay trên sân nhà, ví dụ như: gà Trung Quốc có giá thành luôn rẻ hơn gà trong nước; nhiều loại trái cây ngoại từ Thái Lan, Trung Quốc có giá rẻ hơn do năng suất cao và giá thành khá thấp. Trong khi hàng nông sản Việt Nam thì đối diện với dịch bệnh, chi phí sản xuất cao, chất lượng không tương xứng...
Chuyện mặc trước đây thường rất đơn giản khi mỗi năm một người được mua từ 4 đến 5 mét vải phân phối theo tem phiếu, may mặc cũng đủ dùng, không ai biết thời trang là gì. Giờ đây thì người tiêu dùng không khỏi đau đầu khi đi mua sắm. Họ không biết mua đồ sơ sinh thế nào cho an toàn, rồi trang phục công sở, trang phục hè thu, thời trang cho từng lứa tuổi. Chỉ tiếp cận với vài chiêu quảng cáo chuyên nghiệp đã "choáng", không biết lựa chọn loại nào, tây hay ta, bởi loại nào cũng tốt.
Rồi còn chuyện học của con cái xem ra cũng không đơn giản. Trước đây chỉ vài quyển sách, quyển vở, thước kẻ, bút chì, bút máy là đủ. Các em vẫn trải qua các bậc học phổ thông, trung cấp, tốt nghiệp đại học và tìm được việc làm, có khi đi làm theo phân công của tổ chức chứ không phải đi tìm việc vất vả như bây giờ. Nay thì đồ dùng học tập cũng đủ loại, trong nước, nước ngoài; sách tham khảo "bạt ngàn" khiến các bậc phụ huynh cũng như học sinh không biết lựa chọn ra sao. Hàng ngàn cử nhân thất nghiệp, thậm chí nhiều cử nhân phải tạm gác bằng tốt nghiệp đại học để đi làm công nhân, làm thuê đủ nghề để kiếm sống qua ngày... Rồi đến cắt tóc, gội đầu cũng không khỏi phiền toái, cũng đủ loại dành cho đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ. Toàn thân đều phải được chăm sóc một cách chuyên nghiệp. Càng chỗ kín đáo càng phải chăm sóc chuyên nghiệp vì nhạy cảm, khó lường?! Thậm chí, có gói dịch vụ chăm sóc 100% cơ thể từ vài triệu đến vài chục triệu đồng một tháng.
Nếu chỉ tính đơn giản về quyền lợi của người tiêu dùng thì thật vui bởi họ được tha hồ lựa chọn phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh. Nhưng chúng ta lại không khỏi lo xa nếu suy nghĩ kỹ về tương lai của một đất nước khi rất nhiều thứ ta có thể sản xuất được và đáp ứng nhu cầu nhưng lại phải sống dựa vào nhập khẩu, không tự chủ được.
Gần đây, trong đề án tái cơ cấu, ngành Nông nghiệp đã xác định để gia tăng giá trị cho nền nông nghiệp, không chỉ đẩy mạnh xuất khẩu, mà cần mạnh dạn đầu tư cho những sản phẩm và lĩnh vực chủ lực, trong đó ngành chăn nuôi được chọn là một trong những đòn bẩy để tạo cú hích tăng trưởng nông nghiệp, tạo “cần câu” cho nông dân làm giàu. Với xu thế hội nhập, các sản phẩm nông sản xuất khẩu khi gia nhập thị trường chung nếu không đổi mới sản xuất, nông sản nước ta sẽ khó có đủ sức cạnh tranh với nông sản ngoại. Tương tự như vậy, với những mặt hàng tiêu dùng khác, các nhà sản xuất cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, chú trọng xây dựng thương hiệu, quan tâm đến nhu cầu của người tiêu dùng cũng như chất lượng sản phẩm. Với người nội trợ cũng cần nâng cao nhận thức về hội nhập kinh tế, hưởng ứng tích cực cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam để chúng ta có thể yên tâm từ câu chuyện nhỏ, vặt vãnh nhất của đời thường đến những hoạt động lớn mang tầm quốc gia, quốc tế, góp phần cùng cả nước phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập./.