Tách chi bộ sinh hoạt ghép, chuyện không thể nóng vội

10:05, 15/09/2014

Tách chi bộ sinh hoạt ghép, thành lập chi bộ độc lập nhằm tập trung lãnh đạo sát sao, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ số lượng đảng viên (ĐV) để thành lập mới (3 ĐV trở lên) mà không chuẩn bị kỹ về chất lượng nhân sự, hoạt động của các chi bộ mới sẽ gặp nhiều khó khăn. Đó là khẳng định của đồng chí Dương Hồng Vượng, Bí thư Đảng ủy xã Bình Sơn (T.X Sông Công) về tình trạng “hậu” tách chi bộ sinh hoạt ghép ở Đảng bộ Bình Sơn thời gian qua.

Đảng bộ xã Bình Sơn hiện có 361 đảng viên, sinh hoạt ở 28 chi bộ. Đây là Đảng bộ duy nhất của T.X Sông Công còn 2 chi bộ đang sinh hoạt ghép là: Chi bộ Đông Hưng (gồm xóm Đông Hưng, Na Vùng); Chi bộ Tân Sơn (Tân Sơn, Tiền Tiến). Đảng bộ phấn đấu đến hết nhiệm kỳ 2010-2015 sẽ xóa được các chi bộ sinh hoạt ghép.

 

Chi bộ… yếu đi khi tách

 

Cuối năm 2012, Đảng bộ xã Bình Sơn thành lập mới được Chi bộ Cây Lá tách từ Chi bộ Đông Hưng (trước sinh hoạt ghép 3 xóm Đông Hưng, Cây Lá, Na Vùng). Khi tách, Chi bộ có 7 ĐV nhưng chỉ có 4 ĐV hoạt động (3 người được miễn sinh hoạt). Sau khi tách, các ĐV không phát huy được vai trò nên hoạt động của Chi bộ Cây Lá mờ nhạt, bị động. Chi bộ ra nghị quyết nhưng không lãnh đạo được người dân làm theo.

 

Cụ thể, Đảng bộ triển khai tới Chi bộ Cây Lá việc sửa chữa, nâng cấp Nhà văn hóa xóm để đạt tiêu chuẩn nông thôn mới trong năm 2013. Chi bộ ra nghị quyết về nội dung này nhưng không chỉ đạo được xóm tổ chức họp dân thống nhất nên đến tận quý II-2014, sau khi có sự chỉ đạo kiên quyết của lãnh đạo xã, công trình mới hoàn thành. Năm 2014, xã Bình Sơn triển khai xây dựng các tuyến đường bê tông theo tiêu chuẩn nông thôn mới, xóm Cây Lá đăng ký 500m. Theo đúng lộ trình và quy hoạch là phải làm những tuyến trung tâm trước (đoạn từ xóm Đông Hưng vào đầu xóm Cây Lá). Nghị quyết đã được Chi bộ đề ra, nhưng khi Chi bộ chỉ đạo xóm tổ chức họp dân thì 1/3 số hộ (xóm có 76 hộ dân) lại muốn làm đoạn đường phía cuối xóm trước. Có hộ ý kiến nên làm cả hai nơi, mỗi đoạn 250m. Các ĐV cũng như cán bộ xóm, trưởng, phó các đoàn thể lúng túng không biết giải quyết thế nào trước ý kiến của người dân nên cuối cùng phải chuyển công trình sang xóm khác.

 

Nói về việc Chi bộ yếu đi sau khi tách, đồng chí Chu Quang Thái, Bí thư Chi bộ Cây Lá cũng thừa nhận rằng các ĐV chấp hành chưa nghiêm túc nề nếp sinh hoạt, Chi bộ hoạt động chưa hiệu quả, nhiều chỉ tiêu trong năm không đạt, các ĐV thiếu nhiệt tình và chưa gương mẫu để bà con làm theo.

 

ĐV Đinh Văn Căn, Trưởng xóm Cây Lá cho biết: Tôi làm Trưởng xóm là bất đắc dĩ. Năm 2010, xóm có bầu một trưởng xóm mới nhưng anh ta nhất quyết không nhận, vậy là chỉ đạo của cấp trên đề nghị tôi đảm nhiệm trọng trách này. Tôi cũng thấy mối đoàn kết trong đội ngũ cán bộ ở xóm còn hạn chế. Các cán bộ đoàn thể chưa nhiệt tình và phát huy được vai trò lãnh đạo.

 

Không riêng gì Cây Lá, nhiệm kỳ trước, Chi bộ Linh Sơn 1 cũng lâm vào tình trạng… yếu đi sau khi tách ra từ Chi bộ Linh Sơn (sinh hoạt ghép 2 xóm Linh Sơn 1, 2).  Lúc tách, Chi bộ có 7 ĐV (2 ĐV cao tuổi). Bí thư Chi bộ mải làm kinh tế, chưa quan tâm đến công việc. Trong các nội dung cần triển khai, Chi bộ ra nghị quyết không sát thực tế nên không chỉ đạo cũng như lôi cuốn được nhân dân làm theo. Kết quả là hoạt động của Chi bộ, các đoàn thể đạt xóm chỉ ở mức trung bình.

 

Ngoài Chi bộ Linh Sơn 1, Chi bộ Xuân Đãng 3 khi mới tách ra từ chi bộ sinh hoạt ghép trong nhiệm kỳ trước đó cũng hoạt động không nổi bật, thậm chí “yếu” đi so với khi chưa tách do người đứng đầu chi bộ còn thiếu nghiệp vụ công tác Đảng.

 

Số lượng phải đi đôi với chất lượng

 

Theo Điều lệ Đảng, một tổ chức có từ 3 ĐV chính thức trở lên thì đủ điều kiện để thành lập chi bộ. Điều này cũng là mong muốn của rất nhiều chi bộ nông thôn đang phải sinh hoạt ghép, bởi sinh hoạt ghép, chi bộ gặp nhiều khó khăn trong xây dựng nghị quyết, triển khai công việc phù hợp với từng xóm. Thế nhưng, thực tế tách chi bộ ở Bình Sơn cho thấy, nếu cứ đủ số lượng ĐV là tách, thành lập chi bộ mới sẽ dẫn tới hoạt động của chi bộ sau tách chưa hiệu quả, phần nào làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Một số trường hợp bí thư chi bộ gặp khó khăn do nghiệp vụ công tác Đảng còn yếu. Đồng chí Chu Quang Thái, Bí thư Chi bộ Cây Lá bày tỏ: Kinh nghiệm từ những năm là Phó Bí thư Chi bộ Đông Hưng, tôi cũng đã cố gắng để vận dụng vào lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động Chi bộ Cây Lá. Nhưng điều tôi cảm thấy lúng túng là mọi công việc mặc dù được họp bàn, thống nhất trong Chi bộ, nhưng lúc đưa ra dân bàn lại bị mắc.

 

Còn đồng chí Nguyễn Văn Thức, Bí thư Chi bộ Xuân Đãng 3 cho biết: Khi mới tách từ Chi bộ Xuân Đãng (sinh hoạt 3 xóm Xuân Đãng 1, 2, 3), Chi bộ Xuân Đãng 3 có đến 11 ĐV. Nhưng do năng lực của Bí thư Chi bộ hạn chế nên Chi bộ xây dựng nghị quyết chưa sát, nội dung sinh hoạt chung chung, hoạt động chưa hiệu quả.

 

Về điều này, ông Dương Hồng Vượng trăn trở: Tôi cũng nghĩ việc thành lập chi bộ mới, xóa chi bộ sinh hoạt ghép là việc phải phấn đấu. Tuy nhiên cấp trên nên để cơ sở thật sự thấy rằng có đủ điều kiện mới tách chứ không “ép” vào nghị quyết cứng và chạy theo thành tích mà tách sớm, cố tách.

 

Từ thực tế ở Đảng bộ xã Bình Sơn, chúng tôi thấy nếu các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện “xóa” các chi bộ sinh hoạt ghép nên tập trung bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ lãnh đạo ở chi bộ. Đồng thời tăng cường đội ngũ cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm về lĩnh vực xây dựng Đảng phụ trách, giúp đỡ các chi bộ yếu kém. Cấp trên cũng cần tổ chức nhiều lớp tập huấn về nghiệp vụ công tác Đảng để các bí thư chi bộ thực hiện việc lãnh đạo, chỉ đạo chi bộ chuyên nghiệp hơn...