Phú Lương là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất do ảnh huởng của cơn bão số 3 vừa qua ở tỉnh ta. Với phương châm không để xảy ra dịch bệnh sau mưa bão, Trung tâm Y tế huyện Phú Lương đã chủ động tăng cường các biện pháp phòng và giám sát dịch, bệnh ngay sau khi cơn bão đi qua.
Sau khi nước lũ vừa rút hết, chúng tôi đến xã Sơn Cẩm, một trong những địa phương bị ngập úng nặng nhất trong đợt mưa bão vừa qua. Tại đây, các bác sĩ của Trung tâm Da liễu và chống Phong Thái Nguyên đang phối hợp với Trạm Y tế xã Sơn Cẩm tổ chức khám và điều trị các bệnh da liễu cho người dân ở xóm Cao Sơn 3 và Cao Sơn 4.
Bác sĩ Đinh Văn Thủy, cán bộ Trung tâm Da liễu và chống Phong cho biết: Do phải tiếp xúc với nguồn nước bẩn nên đa số người dân đã bị sẩn nước, sẩn ngứa và một số bệnh viêm da khác. Chúng tôi đã khám, tư vấn và cấp miễn phí các loại thuốc bôi ngoài da như: Mỡ Salycylic 5%, Kem kẽm Oxyd 10%. Niciomex… cho bà con để điều trị bệnh. Còn theo y sĩ Nguyễn Thị Hồng, Phó trưởng Trạm Y tế Sơn Cẩm: Ngay sau khi nhận được tin nước lũ dâng cao, chúng tôi đã phân chia các cán bộ của Trạm có mặt tại các vùng bị ảnh hưởng để làm công tác sơ, cấp cứu ban đầu cho những người bị nạn. Đối với những bệnh nhân ở mức nhẹ chúng tôi đã tiến hành chăm sóc tại chỗ và hướng dẫn bệnh nhân nghỉ ngơi tại nhà. Thông qua đội ngũ y tế thôn bản và hệ thống loa truyền thanh của từng xóm, chúng tôi đã thông tin đến người dân những bệnh dễ gặp và các biện pháp chăm sóc sức khỏe sau bão lũ...
Còn chị Hoàng Thị Hiền, xóm Làng Phan, xã Cổ Lũng, chủ trang trại lợn có trên 300 con lợn bị chết do đợt mưa bão vừa qua chia sẻ: Sau khi cơn bão qua đi, người dân trong xóm và các tình nguyện viên đã nhanh chóng giúp gia đình tôi dọn dẹp chuồng trại. Cán bộ Trạm Y tế xã đã hướng dẫn gia đình tôi chôn xác súc vật cách xa nguồn nước và rắc vôi bột hoặc phun Chloramine B nồng độ cao để khử trùng.
Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão huyện Phú Lương, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, toàn huyện có 12/16 xã bị ngập lụt với trên 4.500 hộ dân trong diện ảnh hưởng.
Ngay sau khi nước rút, Trung tâm Y tế huyện Phú Lương đã cấp 210kg Chloramine B cho tất cả các hộ dân có giếng nước bị ảnh hưởng. Trung tâm đã phối hợp với các xã, thị trấn hướng dẫn người dân thau rửa giếng, dùng phèn chua làm trong nước và khử trùng nước trong giếng bằng Chloramine B. Các cán bộ của Trung tâm và Trạm Y tế xã, thị trấn cũng đã hướng dẫn các hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng nhanh chóng tiến hành vệ sinh môi trường sau bão lụt để hạn chế các mầm bệnh phát sinh. Theo đó, nước rút đến đâu các xã cần huy động cộng đồng làm vệ sinh môi trường đến đó. Sau khi nước rút hết, bà con cần khơi thông cống rãnh, lấp vũng nước đọng, chôn xác súc vật cách xa nguồn nước và rắc vôi bột hoặc phun Chloramine B nồng độ cao… Bên cạnh đó, người dân cần nhanh chóng dọn dẹp nhà cửa, phơi khô quần áo, không treo, mắc quần áo ẩm ướt vào cùng một chỗ để tránh tạo nơi trú ẩn cho muỗi.
Bác sĩ Nguyễn Công Trực, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Lương cho hay: Ngay sau khi nước rút, chúng tôi đã nhanh chóng tiến hành các biện pháp phòng dịch, bệnh sau bão lũ. Các cán bộ của Trung tâm và các Trạm y tế đã phun tiêu độc, khử trùng, rắc vôi bột tại các chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng như các công trình công cộng như chợ, trường học bị ngập lụt. Thông qua đội ngũ y tế thôn bản và hệ thống loa truyền thanh, chúng tôi đã khuyến cáo nhân dân nên ăn chín, uống sôi, không ăn rau sống; mắc màn khi đi ngủ, kể cả vào ban ngày; sử dụng các biện pháp để diệt ruồi, muỗi, vệ sinh đường làng ngõ xóm và khơi thông cống rãnh để đảm bảo vệ sinh môi trường… Cùng với các biện pháp phòng dịch, hiện nay, chúng tôi đã tăng cường giám sát bệnh, dịch ở tuyến cơ sở để kịp thời có phương án xử lý. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Phú Lương chưa xảy ra dịch bệnh.