Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ

14:37, 13/09/2014

Phong trào cựu chiến binh (CCB) gương mẫu học tập và làm theo lời Bác được các hội viên Hội CCB  xã Khe Mo (Đồng Hỷ) tích cực hưởng ứng. Từ đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương CCB phát huy tinh thần gương mẫu của Bộ đội Cụ Hô, tích cực phát triển kinh tế gia đình, giúp đỡ cộng đồng và tham gia tích cực các phong trào ở địa phương.

Năm 1985, ông Đinh Công Sức, xóm Khe Mo 1, tròn 20 tuổi đã xung phong lên đường nhập ngũ để bảo vệ Tổ quốc. Ông tham gia quân đội đến năm 1988 thì được xuất ngũ về địa phương. Ông cho biết: Là một cựu chiến binh, bản thân tôi luôn học tập và làm theo Bác bằng những việc làm thiết thực, cụ thể đó là: nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái. Sau đó, giúp đỡ đồng đội, bà con xung quanh làm ăn kinh tế, đồng thời đóng góp công sức, tiền của xây dựng quê hương.

 

Khi mới xuất ngũ, gia đình ông Sức rất khó khăn. Hai vợ chồng chỉ có vài sào ruộng với ít đất đồi cằn cỗi. Với sự quyết tâm của mình, vợ chồng ông đã thuê máy xúc phá bỏ hết cây guột và cỏ dại, đào hố để trồng cây ăn quả. Khi thấy hiệu quả từ chiếc máy xúc, ông ước ao mua được chiếc máy xúc để vừa phục vụ nhu cầu của gia đình và kinh doanh phục vụ bà con. Nung nấu ý định đó, vợ chồng ông chăm chỉ làm ăn, dành dụm. Đến năm 2005, ông mạnh dạn dùng số tiền của gia đình và vay mượn thêm người thân, bạn bè đủ số tiền trên 400 triệu đồng để mua được 1 chiếc máy xúc, phục vụ gia đình và làm thuê cho bà con tại địa phương. Đối với các hộ khó khăn, ông tạo điều kiện bằng cách cho trả góp hoặc lấy tiền công thấp…

 

Tích lũy tiền đến năm 2009, ông không những trả hết nợ mà còn mua thêm được 1 máy xúc, 1 máy ủi. Có máy móc trong tay, ông Sức thành lập Doanh nghiệp san ủi mặt bằng và thuê 3 lao động, đồng thời mua thêm đât đai và xây dựng cơ ngơi rộng rãi với diện tích trên 15ha. Khi kinh tế đã khá hơn, ông Sức đóng góp cho địa phương bằng nhiều việc làm thiết thực với giá trị kinh tế lên tới gần 500 triệu đồng như: giúp xã san đồi để tạo mặt bằng xây dựng trường tiểu học, trường mầm non; san ủi, tạo mặt bằng và vận động bà con đổ bê tông tuyến đường dài gần 2km đi qua xóm Khe Mo 1 nối với 3 xóm thuộc 2 xã Văn Hán và Khe Mo… Từ gia cảnh còn nghèo khó, ruộng đất ít, đến nay, gia đình ông Sức đã tạo dựng được gia sản trị giá gần 5 tỷ đồng, mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

 

Một tấm gương sáng trong học tập và làm theo Bác ở xã Khe Mo là ông Phạm Văn Thịnh, Chủ tịch Hội CCB xã. Để việc học tập và làm theo Bác có sức lan tỏa, đi vào chiều sâu, thu hút được mọi hội viên tham gia, ông Thịnh đã dày công tìm tòi, sưu tầm những mẩu chuyện, bài thơ về lịch sử Việt Nam của Bác Hồ cũng như những câu chuyện về đạo đức, cuộc đời Bác để tuyên truyền, giáo dục cho hội viên, đoàn viên và người dân trong xã…, qua đó khơi dậy tinh thần yêu nước, nỗ lực lao động sáng tạo, đưa việc học tập và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Ông cũng tích cực vận động hội viên xây dựng Quỹ hội CCB sử dụng để thăm hỏi hội viên tứ thân phụ mẫu lúc ốm đau, hiếu, hỷ… tạo tình thân mật tình đồng chí, đồng đội. Nhiều năm qua, Hội CCB xã Khe Mo luôn đi đầu trong các phong trào thi đua, không có hội viên CCB nào có con em mắc tai, tệ nạn xã hội; nhiều năm liền Hội đạt danh hiệu Hội tiên tiến, xuất sắc, được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp.

 

Về phát triển kinh tế gia đình, năm 1991, rời quân ngũ trở về cuộc sống đời thường, gia cảnh còn nhiều khó khăn, ông Thịnh đã vượt lên làm giàu chính đáng từ cây chè, lúa và chăn nuôi, hằng năm, gia đình ông thu về trên 100 triệu đồng, trở thành gương sáng về lao động sản xuất của xã. Ông Thịnh chia sẻ: “Là người lính Cụ Hồ, tôi luôn khắc ghi lời Bác dạy. Tôi khắc phục khó khăn, cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; phát triển kinh tế gia đình và động viên, giúp đỡ các hội viên khác vươn lên xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế”.

 

Còn CCB Phạm Văn Thọ, y sĩ, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Khe Mo thì luôn tâm niệm, học và làm theo tấm gương Bác Hồ chính là tận tâm với đồng đội; với nhân dân, lấy tâm, đức để cống hiến cho xã hội. Ông Thọ nhập ngũ từ năm 1977, và được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba và Huân chương Chiến sĩ vẻ vang. Trong một trận chiến đấu năm 1981, ông bị thương mất 35% sức khỏe và phải xuất ngũ về địa phương. Sau đó, ông được nhận làm y sĩ của Trạm Y tế xã Khe Mo và được bổ nhiệm làm Trạm trưởng Trạm Y tế vào năm 1986.

 

Là y sĩ ở một xã nghèo, thưa dân, ông không nề hà xuống từng nhà dân khám, tư vấn, chữa bệnh; vận động người dân đưa con đi tiêm chủng; thực hiện tốt công tác tuyên truyền để nâng cao hiểu biết của người dân trong chăm sóc sức khỏe... Trên cương vị là một Trạm trưởng Trạm Y tế, ông đã xây dựng Trạm phát triển từ một Trạm Y tế khó khăn nhất của huyện trở thành trạm liên tục đạt loại A. Đặc biệt, năm 2013, Trạm đã được công nhận Trạm đạt chuẩn Quốc gia đầu tiên của tỉnh giai đoạn 2011-2020. Ông chia sẻ: Món quà quý giá nhất mà tôi nhận được chính là sức khỏe của bệnh nhân được hồi phục và tình cảm yêu mến của người dân dành cho tôi.

 

Ngoài những tấm gương tiêu biểu trên, ông Phạm Văn Thịnh, Chủ tịch Hội CCB xã cũng cho biết: Ở xã Khe Mo còn nhiều tấm gương sáng của CCB trong học tập và làm theo Bác Hồ như: CCB Nguyễn Ngọc Bắc, chủ doanh nghiệp kinh doanh chè là tấm gương sáng phát triển kinh tế và giúp đỡ hội viên, nông dân; CCB Trương Văn Nhất, xóm Dọc Hèo, CCB Nguyễn Văn Sỹ, xóm Ao Đậu hăng hái hiến gần 3 nghìn m2 đất để làm đường và các công trình công ích… Những tấm gương này đã phát huy tốt phẩm chất của người lính Cụ Hồ trong cả thời chiến và thời bình có nhiều đóng góp tích cực cho địa phương và trở thành những tấm gương sáng cho người dân noi theo.