Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế

15:26, 12/10/2014

Với một tỉnh có trên 70% dân số hoạt động trong ngành nông nghiệp như Thái Nguyên, việc hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất là một trong những nhiệm vụ được các cấp, ngành của tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã tăng cường thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Chúng tôi đến làng nghề miến Việt Cường, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) vào một ngày đầu tháng 10. Dưới ánh nắng vàng như mật, trên các nẻo đường vào, người dân đang hối hả chuyển những phên miến đã khô vào xưởng để đóng gói mang đi tiêu thụ. Ông Đào Trung Việt, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hóa Thượng cho biết: Người dân xóm Việt Cường đã sản xuất miến dong từ nhiều năm nay, sản phẩm của làng nghề rất được thị trường ưa chuộng. Để giúp các hộ dân phát triển kinh tế, chúng tôi đã đứng ra tín chấp giúp hội viên vay vốn để mở rộng sản xuất. Hiện, xóm có 10 hộ đang vay vốn của Ngân hàng chính sách với mức lãi suất 0,65%/tháng. Tháng 3-2014, nằm trong dự án “Sản xuất và chế biến miến dong” 20 hộ ở xóm Việt Cường đã được vay 20 triệu đồng/hộ trong vòng 2 năm với lãi suất 0,7%/tháng từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân.

 

Chị Vũ Thị Thành, chủ một hộ dân được vay vốn cho biết: Gia đình tôi đã sản xuất miến dong từ gần 20 năm nay. Trung bình mỗi năm bán ra thị trường khoảng 60 tấn miến các loại. Tôi đã có ý định mở rộng sản xuất từ lâu nhưng không có vốn. Tháng 3-2014, thông qua Hội Nông dân xã, tôi đã được vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân, số tiền tuy không lớn nhưng đã giúp tôi mua máy ép miến thủy lực thay cho máy sử dụng hệ thống truyền động cơ khí dây cu-roa và bánh răng đã cũ. Nhờ vậy, gia đình tôi đã tiết kiệm được thời gian và công sức sản xuất, thêm vào đó, nhiều khách hàng đã có phản hồi tốt về chất lượng sợi miến được cải thiện nhỏ, đều và đẹp hơn.

 

Bên cạnh việc làm tốt công tác tín chấp, vay vốn, trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án giúp đỡ hội viên nông dân phát triển sản xuất. Trong số đó, “Đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp” là một trong những dự án đã đem lại hiệu quả cao. Mỗi hộ dân tham gia Dự án sẽ được vay 20 triệu đồng trong vòng 3 năm với lãi suất 0,65%/tháng để mua máy nông nghiệp phục vụ sản xuất. Anh Nguyễn Tiến Triệu ở xóm Mai Sơn, xã Kha Sơn (Phú Bình) cho biết: Gia đình tôi có 2 mẫu ruộng, trước kia, mỗi vụ tôi thường phải thuê máy cày mất trên 2 triệu đồng. Sau khi tham gia dự án vào đầu năm 2014 và được vay tiền mua máy cày, tôi đã tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức và tiền để làm đất. Không những vậy, tôi còn nhận cày, bừa thuê cho các hộ khác. Mỗi vụ tôi thu được từ 8 - 10 triệu đồng từ việc cày, bừa thuê.

 

Ông Nguyễn Hải Khê, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có trên 151 nghìn hội viên Hội Nông dân các cấp. Với vai trò là đoàn thể chính trị - xã hội của giai cấp nông dân, chúng tôi đã vận động hội viên tích cực tham gia đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, công tác hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế luôn được hội đặc biệt chú trọng. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2014, Hội Nông dân tỉnh đã giải ngân gần 4 tỷ đồng nguồn vốn vay Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương cho 11 dự án, giải ngân 1,1 tỷ đồng nguồn vốn vay Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh  cho 6 dự án; giải ngân hơn 600 triệu đồng nguồn vốn vay giải quyết việc làm cho nông dân. Hội Nông dân các cấp đã phối hợp với Trạm Khuyến nông và Phòng Nông nghiệp cấp huyện tổ chức trên 1.900 buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật với hơn 100 nghìn lượt hội viên nông dân tham dự. Hội Nông dân các cấp cũng đã phối hợp với các đơn vị dạy nghề mở 40 lớp đào tạo nghề cho gần 1.000 lao động nông thôn…

 

Có thể nói, với những hoạt động tích cực, ý nghĩa, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh đã kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ hội viên nông dân vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Các chương trình hỗ trợ hội viên của Hội nông dân cũng đã góp phần tích cực vào phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh.

 

Theo thống kê, đến năm 2014, toàn tỉnh có trên 91 nghìn hộ gia đình hội viên Hội Nông dân đăng ký tham gia thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”. Hội viên nông dân các cấp đã tự nguyện hiến hơn 220 nghìn m2 đất, đóng góp gần 40.000 ngày công lao động và hơn 9,1 tỷ đồng làm đường bê tông, sửa chữa hệ thống kênh mương thủy lợi, đồng thời tích cực thực hiện phong trào thi đua “Nông dân Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”.