Sự kỳ thị với người nhiễm HIV được xác định là nguyên nhân chính cản trở các hoạt động chăm sóc và tiếp cận với các dịch vụ cần thiết đối với người bệnh.
Theo báo cáo của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), hiện nay 100% số tỉnh, thành; 98% số quận, huyện và 78% số xã, phường đã phát hiện có người nhiễm HIV. Hiện tại, HIV vẫn đang tiếp tục lan rộng ra các địa bàn trên cả nước và có đến 80% số người nhiễm HIV/AIDS tập trung ở nhóm từ 20-39 tuổi.
Thống kê của Ủy ban Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm cho thấy, hiện nay số lượng người nhiễm HIV mới phát hiện tại 46 địa phương trong cả nước được xét nghiệm đã giảm, chỉ còn 17 địa phương có số lượng người nhiễm HIV mới phát hiện tăng so với cùng kỳ năm 2012.
Tỷ lệ bị nhiễm HIV trong nhóm tiêm chích ma túy qua theo dõi trong năm 2012 là 11,6%, giảm so với 13,4% ở năm 2011. Tỷ lệ nhiễm HIV ở phụ nữ bán dâm năm 2012 là 2,7% so với 2,9% năm 2011. Với tỷ lệ này, Việt Nam đã trở thành nước có tỷ lệ nhiễm HIV thấp nhất trong khu vực.
Tại diễn đàn giao lưu “Chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV” do Ủy ban Phòng chống AIDS T.P Hồ Chí Minh và Ban quản lý dự án quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, tổ chức ngày 24/12, bác sĩ Trần Thịnh, Phó chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban Phòng chống AIDS T.P Hồ Chí Minh cho biết, để tiến tới đẩy lùi đại dịch vào năm 2030 như mục tiêu đề ra của thành phố, phải thực hiện đồng bộ và sát sao tất cả các kế hoạch đề ra về phòng chống AIDS. Trong đó, chống kỳ thị đối xử với người nhiễm HIV là một trong những nhiệm vụ hàng đầu.
Theo ThS. Nguyễn Thị Huệ, Trưởng phòng Can thiệp giảm hại, Ủy ban Phòng chống AIDS T.P Hồ Chí Minh, giải pháp quan trọng và hữu hiệu nhất để chống kỳ thị chính là vận động truyền thông. Theo đó, hướng dẫn dư luận xóa bỏ những nhận thức sai, gây nên nỗi sợ hãi vô căn cứ về HIV/AIDS; tăng cường truyền thông những hoạt động đóng góp tích cực cho xã hội của người nhiễm HIV.
Bên cạnh đó, phải phát huy vai trò gia đình và cộng đồng trong chăm sóc người nhiễm HIV, tạo điều kiện cho gia đình và người nhiễm HIV biết thông tin và tiếp cận với các dịch vụ y tế, giúp họ giảm bớt mặc cảm, không che giấu tình trạng nhiễm HIV và cùng tham gia vào hoạt động phòng ngừa lây lan HIV trong cộng đồng.