Cắm mốc giới sau khi Đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới (NTM) được phê duyệt là công việc hết sức cần thiết nhằm quản lý xây dựng được trật tự, nền nếp, tuân thủ đúng quy hoạch. Thế nhưng, đến nay, nhiều xã trên địa bàn tỉnh vẫn chưa triển khai được việc cắm mốc giới...
Theo quy định tại Điều 4 của Thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTNMT ngày 28/10/2011 của Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Tài nguyên - Môi trường quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới thì: sau khi Đồ án quy hoạch xây dựng xã NTM được phê duyệt, UBND cấp xã có trách nhiệm công bố công khai và cung cấp thông tin quy hoạch, tổ chức cắm mốc giới, chỉ giới các công trình hạ tầng kỹ thuật và ranh giới phân khu chức năng, xác định cụ thể diện tích ranh giới đất lúa nước, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ ngoài thực địa và lưu trữ hồ sơ quy hoạch. Để công tác cắm mốc quy hoạch NTM được triển khai theo đúng quy định, tháng 9- 2013, Sở Xây dựng đã có hướng dẫn các nội dung đối với công tác cắm mốc giới như: Trình tự thực hiện, các loại mốc cần cắm, hồ sơ cắm mốc, quy định về mốc và thậm chí cả nguồn kinh phí để thực hiện. Theo hướng dẫn, các loại mốc cần cắm là: Mốc lộ giới các tuyến đường liên thôn liên xã; mốc ranh giới các khu chức năng (như: Khu công cộng, khu sản xuất tập trung, khu nghĩa trang, khu xử lý rác thải, khu cấm xây dựng). Có thể nói, các nội dung hướng dẫn của Sở Xây dựng về việc cắm mốc giới khá chi tiết, cụ thể. Từ hướng dẫn của Sở Xây dựng, các huyện đã có các hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn cho các xã trong việc triển khai cắm các loại mốc giới...
Hiện nay, mặc dù tất cả các xã trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt Đồ án Quy hoạch NTM, đã thực hiện công bố quy hoạch theo hình thức niêm yết tại trụ sở UBND các xã và thông tin cho nhân dân biết thông qua các buổi họp thôn, xóm… Thế nhưng, việc cắm mốc giới quy hoạch ở nhiều xã chưa được triển khai. Theo tìm hiểu của chúng tôi, số lượng các xã ở các huyện thực hiện được việc cắm mốc giới là khá ít. Cụ thể, Đồng Hỷ có 1 xã duy nhất (xã Huống Thượng); Võ Nhai có 5/14 xã; Phú Bình có 19/21 xã; Phú Lương có 2/14 xã... Ông Lèo Đức Dung, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Định Hóa cho biết: Tính đến nay, Định Hóa có 23/23 xã trên địa bàn đã được phê duyệt Đồ án Quy hoạch NTM, song chưa có xã nào thực hiện được việc cắm mốc giới. Trong năm 2015, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện tăng cường hơn nữa công tác cắm mốc giới sau quy hoạch cũng như dành một phần kinh phí hỗ trợ các xã thực hiện...
Qua tìm hiểu, nguyên nhân, khó khăn chủ yếu mà các địa phương đưa ra trong việc chưa thực hiện được cắm mốc giới theo quy hoạch là: thiếu nguồn kinh phí và đòi hỏi phải có đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, có đủ năng lực về trắc địa bản đồ, trong khi đó việc mời gọi các đơn vị tư vấn lập quy hoạch trước đây giúp xã là điều rất khó khăn. Ông Lường Huy Bắc, Chủ tịch UBND xã Dân Tiến (Võ Nhai) chia sẻ: Công tác cắm mốc giới sau quy hoạch NTM ở cấp xã đã được UBND huyện rất quan tâm. Điều này được thể hiện ở chỗ huyện đã có hướng dẫn cụ thể, chi tiết và dành nguồn kinh phí 50 triệu đồng/xã để tiến hành cắm mốc giới. Nhưng đến nay, xã cũng chưa cắm được mốc giới theo quy định. Cái khó khăn lớn nhất của xã là không có cán bộ chuyên môn để lập hồ sơ cắm mốc cũng như thực hiện việc định vị cắm mốc ngoài thực địa. Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với đơn vị tư vấn lập quy hoạch NTM trước đây, song chưa nhận được thông tin phản hồi về việc quay trở lại giúp đỡ xã cắm mốc giới theo quy hoạch.
Vì chưa cắm được mốc giới theo quy hoạch nên các xã hiện cũng đang rất khó khăn và lúng túng trong việc quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng trên địa bàn. Tình trạng người dân trồng cây, xây dựng các công trình nhà ở và kiến trúc khác trên đất đã được quy hoạch đang diễn ra… Ông Ma Văn Tâm, cán bộ phụ trách Giao thông - Thủy lợi xã Bảo Cường (Định Hóa) cho biết: Theo Đồ án Quy hoạch NTM của xã, Khu trung tâm hành chính xã được quy hoạch trên diện tích là 1,2ha. Hiện tại, một số hộ dân đã lại xây dựng thêm nhà ở và một số công trình khác trên diện tích đất đã được quy hoạch này. Song, xã đang rất lúng túng và chưa biết xử lý ra sao. Bởi lẽ, chưa cắm được mốc giới quy hoạch, xã chưa thể có căn cứ gì để làm việc với các hộ dân có đất nằm trong quy hoạch về việc cam kết không được xây dựng thêm hay trồng cây mới trên diện tích đất đó hoặc thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng. Sau này, khi triển khai xây dựng các công trình, chắc chắn công tác đền bù giải phóng mặt bằng sẽ thêm phức tạp và tốn kém.
Khi tìm hiểu viết bài này, có một vấn đề chúng tôi rất băn khoăn là hầu hết các xã chưa thực hiện được việc cắm mốc giới sau quy hoạch nhưng lại đánh giá đã đạt tiêu chí số 1 (Quy hoạch). Phải chăng khi rà soát, đánh giá, các xã này đã không tính đến vấn đề phải hoàn thành việc cắm mốc giới? Và từ thực tế trên cho thấy, nếu không có giải pháp hữu hiệu để đẩy nhanh tiến độ cắm mốc giới thì công tác quản lý quy hoạch cũng như trật tự xây dựng tại các xã NTM cũng khó có thể đi vào trật tự, nền nếp và tuân thủ theo đúng quy hoạch.