Tạo sự đồng thuận xã hội - Còn đó những lo toan

13:54, 30/12/2014

Đã kết thúc một năm khó khăn về kinh tế và nhiều phức tạp xảy ra trong đời sống xã hội. Công tác dân vận cũng vừa trải qua một năm bộn bề công việc. Nhìn lại, kết quả đã nhiều, nhưng vẫn còn vô số điều cần suy nghĩ.

Những tác động đến tâm tư, nguyện vọng của nhân dân

 

Nói đến dân vận là nói đến việc vận động, tuyên truyền, thuyết phục, tạo nên sự đồng thuận, nhất trí, đoàn kết, thúc đẩy tính tích cực của nhân dân. Năm qua, công việc này nặng nề hơn bởi so với các năm trước, có nhiều vấn đề tác động đến tâm tư, tình cảm của nhân dân.

 

Trước hết, đó là sự suy giảm của nền kinh tế. Nói to tát là vậy, nhưng lại hiện hữu, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của từng người. Nhiều doanh nghiệp hàng hóa tồn kho, tiêu thụ chậm, phải thu hẹp sản xuất, phá sản dẫn đến nợ bảo hiểm, chậm trả lương khiến đời sống người lao động lao đao. Đã có vụ việc công nhân tụ tập đông người để yêu cầu giải quyết chế độ tại Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng (T.P Thái Nguyên), Công ty May Banpo Phú Lương. Tình hình dân tộc, tôn giáo cũng có nhiều diễn biến phức tạp: một số xóm, xã vùng dân tộc, miền núi, đặc biệt là 10 xóm, bản của 7 xã thuộc 3 huyện là Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Lương đã có những hoạt động không phù hợp với phong tục, tập quán dân tộc. Bà con còn tin và nghe theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, gây ảnh hưởng không tốt đến an ninh trật tự. Một số đạo lạ, tà đạo như Long hoa Di lặc, đạo Chân không… ngấm ngầm tuyên truyền vào một bộ phận nhân dân, gây mất trật tự an ninh chính trị.

 

Trong tỉnh là vậy, ở trong nước, một số án tham nhũng lớn, án oan sai, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giết người…đã tác động đến tâm tư tình cảm, làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo.

 

Sức mạnh tổng hợp tạo nên kết quả

 

Mỗi tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị đều là một “mắt xích” quan trọng của công tác dân vận. Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ truyền tải, giải thích làm rõ nội dung các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước… qua giám sát và tiếp xúc cử tri để cho dân hiểu, tin và thực hiện. 2 đơn vị trên đã tiếp xúc cử tri tại nơi cư trú, nơi công tác, tại xóm, bản, tổ dân phố; phối hợp tiếp dân cùng lãnh đạo UBND tỉnh để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của công dân, từ đó lựa chọn những vấn đề người dân quan tâm để giám sát.

 

Trong năm, HĐND tỉnh đã tổ chức được 103 cuộc tiếp xúc với gần 10 nghìn lượt cử tri, tiếp nhận gần 1.200 lượt ý kiến, kiến nghị. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã nhận 90 đơn, thư khiếu nại, chỉ đạo, đôn đốc, chuyển xử lý 34 đơn. Từ thực tiễn, Đoàn Đại biểu quốc hội và HĐND tỉnh đã nghiên cứu, tham mưu, xem xét, quyết định nhiều cơ chế hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo, xây dựng nông thôn mới, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

 

Công tác cải cách hành chính cũng được đẩy mạnh: Tỉnh đã ban hành 155 thủ tục hành chính thuộc 16 lĩnh vực; đơn giản hóa 47 thủ tục, hủy bỏ 50 thủ tục. 14/19 sở, ngành thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông để người dân khi đến giải quyết công việc với cơ quan hành chính được gọn nhẹ, giảm chi phí hơn trước.

 

Công tác dân vận cũng là hoạt động nổi bật của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Tặng quà, hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách, hộ đồng bào vùng núi cao là công việc thường xuyên của Liên đoàn Lao động các cấp, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, các hội quần chúng. Mỗi đơn vị một mảng việc để tạo nên phong trào cách mạng trong nhân dân.

 

Sự kết hợp chưa kịp thời, bài bản

 

Đó là điểm yếu lớn nhất của công tác dân vận năm qua. Đại tá Vũ Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh đồng tình với ông Nguyễn Văn Mậu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khi nhận xét rằng nhiều vụ việc đã âm ỉ ở cơ sở lâu rồi nhưng do nắm bắt, dự báo tình hình, thông tin hạn chế nên khi cơ quan chức năng biết thì sự việc đã lớn, khó giải quyết được ngay. Ông Mậu còn cho rằng, ở một số vụ khiếu kiện đông người, tổ chức Hội Nông dân bị “lôi” vào một cách bị động, chứ chưa được nắm bắt tình hình trước khi vào cuộc.

 

Bà Đỗ Thị Tuyết Ngân, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng rất trăn trở về việc phối hợp này. Bà chứng minh bằng việc thành lập các mô  hình “địa chỉ tin cậy” phòng chống bạo lực gia đình ở cộng đồng. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, với vai trò là cơ quan đại diện cho lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trong năm 2013 Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã xây dựng được 79 “địa chỉ tin cậy” ở các xóm và được UBND cấp xã ra quyết định công nhận. Theo lý thuyết, những “địa chỉ tin cậy” này được trang bị về vật chất, có người hiểu biết, đáng tin, có thời gian đón tiếp, tâm sự, tư vấn để chị em bị bạo hành, bị kỳ thị hay có ẩn ức gia đình đến giãi bày, tìm hướng tháo gỡ. Năm qua, đã có một số vụ việc thương tâm do mẫu thuẫn gia đình xảy ra. Nếu như “ngòi nổ” được tháo sớm sẽ tránh được những kết cục bi đát ấy. Tuy nhiên, Hội LHPN chỉ có trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ trở thành địa chỉ tin cậy, còn việc vận hành nó được hay không lại nằm ở chức năng, nhiệm vụ của ngành Văn hóa, Mặt trận Tổ quốc và chính quyền. Bởi thế, mô hình thì đã có, nhưng mô hình hoạt động được hay không lại nằm ngoài “tầm tay” của Hội Phụ nữ.

 

Bà Ngân cũng cho rằng việc phối hợp giải quyết các “điểm nóng” cũng gặp khó khăn. Vì nhiều khi đi vận động, thuyết phục hội viên của mình nhưng không nắm được vấn đề thì không thể thuyết phục đúng, trúng vấn được. Vì thế, có khi nhiều đoàn thể tham gia giải quyết một vụ việc nhưng sức mạnh lại chưa nhiều.

 

Nhìn lại công tác dân vận, đồng chí Nguyễn Văn Kim, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng cho rằng sự phối hợp chưa bài bản là hạn chế lớn nhất. Cần có “bài” phối hợp nhịp nhàng khi giải quyết sự vụ là một trong những việc cần làm để công tác dân vận tốt hơn trong năm tới, đồng chí khẳng định như vậy.