“Điểm tựa” xóm núi

14:56, 07/01/2015

Đến xóm Làng Bầng, xã Đồng Thịnh (Định Hóa), nơi có 60 hộ dân với 256 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Cao Lan, Sán Chí, Tày, Nùng, Kinh sinh sống, chúng tôi được bà con ở đây kể về ông Triệu Văn Quản – một con người luôn sống đức độ, quan tâm giúp đỡ mọi người, việc gì ông khuyên bảo bà con đều nghe theo.

Mặc dù đã hẹn trước, nhưng khi tôi đến, ông Triệu Văn Quản lại  vắng nhà. Bà Phan Thị Điền, vợ ông bảo: Ông nhà tôi xuống thành phố Thái Nguyên tham gia lớp Nâng cao năng lực quản lý hợp tác xã do Liên minh hợp tác xã tỉnh tổ chức vừa về tối qua. Nghe tin bà con trong xóm làm đoạn đường ra cánh đồng Co Bát, 6 giờ sáng nay ông ấy đã vội vã ra đấy để động viên họ. Ông Quản là người dân tộc Nùng, sinh ra ngay trên chính mảnh đất này. Từng là giáo viên dạy ở trường Tiểu học xã Trung Hội (Định Hóa), năm 1983 ông chuyển về dạy học tại xã Đồng Thịnh rồi nghỉ hưu (năm 1992).

 

Nhiều người, khi về nghỉ chế độ, họ hưởng thụ sự an nhàn của tuổi già, nhưng ông Quản lại không một ngày nghỉ ngơi vì ông “ôm” quá nhiều công việc xã hội: Tham gia Ban Chấp hành Hội người cao tuổi xã, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi xóm Làng Bầng; Giám đốc Hợp tác xã dệt mành cọ xã Đồng Thịnh; người có uy tín xóm Làng Bầng.

 

Đến nơi xóm đang làm đường, được chứng kiến cảnh bà con làm việc khẩn trương, ông Quản cũng đang cùng mọi người san gạt mặt bằng. Giây lát nghỉ ngơi, ông tâm sự với chúng tôi về cuộc sống của bà con xóm Làng Bầng: Trước đây xóm tôi nghèo lắm! Ở vùng đất này, bà con chỉ biết làm nông nghiệp, canh tác lại lạc hậu nên năng suất cây trồng không cao, đến ngày giáp hạt hầu hết các hộ đều phải bán lúa non để lấy tiền đong gạo… Nhưng may sao quê tôi là xứ sở của cây cọ, cọ mọc ở khắp mọi nơi. Sớm nhận thấy giá trị của loại cây này tôi đã mày mò học nghề dệt mành cọ, ngày đó tôi phải về Phổ Yên để học nghề của người dân ở đó.

 

Thấy ông Quản làm nghề dệt mành cọ có thu nhập ổn định, người dân quanh vùng đến học và làm theo. Ai đến học, ông cũng sẵn lòng giúp đỡ, chỉ bảo tận tình, làm ra sản phẩm ông lại liên hệ lo nơi bán giúp… Giờ thì ai ai trong xóm Làng Bầng đều cũng thạo nghề, người có điều kiện thì mua khung về dệt mành, nếu không thì đi dệt thuê. Ngoài truyền thụ kinh nghiệm nghề dệt mành cọ cho bà con, ông còn được biết đến là người sáng chế ra chiếc khung dệt mành cọ tiện ích. Mới đầu, chiếc khung cấu tạo có 1 chiếc bàn đạp ở giữa, nếu dệt phải có 2 người làm, một người ngồi bên cạnh để xỏ nan, một người ngồi đạp. Thấy bất tiện, ông Quản tự mày mò sáng tạo ra chiếc khung dệt cấu tạo bàn đạp bên cạnh, do đó chỉ cần một người vừa xỏ nan, vừa đạp bàn đạp cũng vận hành được khung dệt, hiệu quả lại cao hơn. Nếu như trước kia, 2 người dệt cả ngày mới được 30 chiếc chiếu đôi thì khung dệt cải tiến mỗi người một ngày dệt được 20 chiếc chiếu đôi.

 

Năm 2013 huyện Định Hóa thành lập Hợp tác xã mành cọ Đồng Thịnh, các thành viên Hợp tác xã đã bầu ông Quản làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Trò chuyện cùng ông, tôi thấy ông liên tục nhận điện thoại từ mọi nơi gọi đến hỏi giá mành cọ. Ông chia sẻ: Do không có nhà để khung dệt, nên tạm thời các khung dệt của hợp tác xã để ở nhà dân, nhưng khi có sản phẩm chúng tôi đều gom lại để xuất đi, nguyên liệu nhập vào, hàng hóa xuất ra đều do Ban Giám đốc bàn bạc quyết định.

 

Không chỉ giúp đỡ bà con có nghề dệt mành cọ, ông còn đến từng nhà chia sẻ cách làm ăn. Những gia đình khó khăn thì được ông giúp đỡ. Đơn cử như gia đình chị Nguyễn Thị Kim do túng thiếu, đã mấy lần định cho 2 con của mình nghỉ học, ông Quản đến động viên các cháu tiếp tục đi học, đồng thời tạo điều kiện cho chị Kim làm nghề dệt mành cọ. Mỗi ngày, chị cũng kiếm được trên 100 nghìn đồng để lo liệu cuộc sống.

 

Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, ông Quản đã có nhiều việc làm có ý nghĩa thiết thực. Năm 2012, khi xóm làm tuyến đường nội xóm đầu tiên dài 290 mét đi qua đất của gia đình, ông Quản đã tiên phong hiến trên 100 m2 đất, ngoài ra ông còn ủng hộ 10m3 đá, trị giá hàng chục triệu đồng. Anh Bàng Tiến Thế, một người dân trong xóm nói: Gia đình tôi trước đây nghèo lắm! 10 năm trước được ông Quản truyền nghề làm mành cọ, nay tôi đã trở thành gia đình khá giả của xóm.

 

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, không chỉ gia đình anh Thế, mà cả Hợp tác xã dệt mành cọ Đồng Thịnh gồm các xóm: Làng Bầng, Khau Quân, Ru Nghệ đã phát triển được 86 khung dệt. Nhờ vào nghề này mà các hộ dân đều có cuộc sống ổn định. Riêng xóm Làng Bầng không còn hộ nghèo. Có được kết quả này cũng là nhờ một phần đóng góp không nhỏ của ông Quản. Với những đóng góp đó, ông được Chủ tịch UBND huyện Định Hóa tặng Giấy khen “Đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện chính sách dân tộc 5 năm giai đoạn 2009-2014”.