Sau tiếng ẳng, tiếng ga xe máy rồ lên phóng vụt đi mang theo con chó xấu số,sự việc xảy ra trong nháy mắt khiến người dân không kịp phản ứng. Nếu có cũng rất dễ gặp nguy hiểm bởi sự manh động của bọn “cẩu tặc” khi chúng sẵn sàng tấn công lại để thoát thân. Sự lộng hành của bọn trộm chó thời gian qua là nỗi lo lắng, bức xúc đối với người dân T.P Thái Nguyên.
Người dân trút giận lên kẻ trộm
Trò chuyện với chúng tôi, ông Trịnh Văn Hùng, trú tại tổ 24, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) bức xúc kể lại: Hôm đó, gia đình tôi đang ăn cơm chiều thì nghe tiếng chó kêu ngoài cổng, nghi có chuyện chẳng lành, tôi chạy ra thấy con chó của tôi bị 2 thanh niên lôi lên xe máy rồi rồ ga phóng đi khiến tôi không kịp trở tay. Con chó nhà tôi vừa đẻ, con chưa kịp cứng cáp, cả nhà tôi ai cũng tiếc. Ông Nguyễn Tiến Phượng và một số người khác cùng khu phố với ông Hùng cũng bày tỏ sự tiếc nuối, bức xúc khi gia đình bị mất trộm chó.
Tuy không phải là người bị mất trộm chó nhưng được mục sở thị sự liều lĩnh, chuyên nghiệp của bọn trộm chó nhiều người cũng cảm thấy e ngại. Một người dân (xin giấu tên) ở tổ 11, phường Đồng Quang kể lại: Cách đây vài hôm, khi tôi vừa ra khỏi nhà để đi làm thì gặp ngay hai thanh niên áp sát và dùng cái gì đó gí vào một con chó đang đi ven đường. Con chó ngã xuống chẳng kịp kêu, kẻ ngồi sau nhảy xuống ôm con chó lên xe. Mọi việc diễn ra rất nhanh, tôi định chạy lại để ngăn cản thì chúng chỉ thẳng cái súng điện hướng về phía tôi như thách thức và điềm nhiên phóng xe chạy mất hút.
Quả thực, thời gian qua, nạn trộm chó diễn ra ở hầu khắp các địa phương và ngày càng trở nên phức tạp đặc biệt là trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Nếu như trước đây, bọn trộm chó chỉ dám hoạt động lén lút, lựa lúc chủ nhà đi vắng hay chỗ vắng vẻ mới dám ra tay thì nay, ngay cả khi có mặt chủ nhà, chúng vẫn ra tay trộm cướp. Có người, vì đuổi theo hay ngăn cản bọn trộm chó liền bị chúng tấn công, mang thương tích. Một trong những công cụ hành nghề của bọn cẩu tặc hiện nay là súng bắn điện tự chế. Bọn chúng thường đi xe máy lang thang qua các xóm, khi phát hiện thấy con mồi, chúng dùng súng bắn vào làm chó gục xuống rồi mang lên xe chạy với tốc độ rất cao. Thậm chí, chúng còn mang theo những vũ khí nguy hiểm như dao, kiếm… để sẵn sàng chống trả những khi bị người dân phát hiện. Bởi vậy, một khi đã bắt được kẻ trộm chó, người dân thường trút hết nỗi bức xúc vốn bị dồn nén bấy lâu bằng những đòn đánh, hành hạ lên người đến thân tàn ma dại, thậm chí mất mạng.
Vụ việc xảy ra vào ngày 7-4-2014, tại xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên) là một điển hình. Theo đó, vào khoảng 6 giờ, Nguyễn Mạnh Tuấn (sinh năm 1989, trú tại tổ 2, phường Phan Đình Phùng) và Ngô Sương Thành (sinh năm 1992, trú tại tổ 18, phường Cam Giá) khi đang dùng súng điện tự chế để trộm chó thì bị người dân phát hiện, truy đuổi. Hai đối tượng chạy từ địa phận xã Tân Cương đến cổng trường Tiểu học xã Thịnh Đức thì bị người dân dùng rào tre chặn lại. Hai đối tượng bị người dân đánh tập thể. Thành bị thương nặng và tử vong tại bệnh viện, Tuấn cũng bị thương đồng thời bị khởi tố vì tội trộm cắp tài sản.
Tương tự, vào khoảng 12 giờ ngày 23-3-2014, Nguyễn Quang Trung (sinh năm 1989, trú tại xóm Đông, xã Đồng Bẩm, T.P Thái Nguyên) cùng Nguyễn Thanh Tú (sinh năm 1993, trú tại xóm Xuân Đãng 1, xã Bình Sơn, T.X Sông Công) đi xe máy mang theo 1 khẩu súng điện tự chế đi trộm chó. Sau khi bắt được 2 con chó tại các phường Phú Xá, Tích Lương đến khu vực tổ 16, phường Thịnh Đán thì bị người dân phát hiện khi ra tay với con chó thứ 3. Trung chạy thoát thân còn Tú bị người dân bắt và đánh tập thể dẫn đến bị thương. Theo một số người dân ở đây thì kẻ trộm chó bị thương ở nhiều chỗ, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu sau khi có sự can thiệp của lực lượng công an.
Còn nhức nhối vì nhiều lý do
Một trong những lý do để bọn “cẩu tặc” hoạt động ngày càng liều lĩnh, manh động là chế tài xử lý đối với loại tội phạm này vẫn chưa đủ mạnh. Thiếu tá Phạm Ngọc Long, Đội phó Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an T.P Thái Nguyên) cho biết: Súng bắn điện tự chế mà đối tượng dùng để trộm chó vẫn được coi là vũ khí thô sơ, chưa đủ chế tài xử lý về tội tàng trữ, sử dụng vũ khí. Trong khi đó, loại súng này rất nguy hiểm có thể gây chết người. Mặt khác, theo Điều 138 của Bộ luật hình sự năm 1999, mức tài sản từ 2 triệu đồng trở lên mới đủ điều kiện truy tố trách nhiệm hình sự. Nhưng trong trường hợp tài sản bị trộm cắp là chó thì rất khó để truy tố, vì giá trị tài sản thường dưới 2 triệu đồng, nên đối tượng chỉ bị xử phạt hành chính, trừ các đối tượng đã có tiền án tiền sự, tái phạm nhiều lần. Nhiều người dân do chưa hiểu biết pháp luật, cho rằng cơ quan chức năng dung túng kẻ trộm chó nên mỗi khi bắt được thường không báo lực lượng công an mà trút nỗi bức xúc lên “cẩu tặc”. Quá trình điều tra đối tượng đánh chết người cũng gặp rất nhiều khó khăn vì kẻ trộm bị người dân đánh hội đồng nên rất khó xác định đối tượng ra tay.
Bên cạnh chế tài chưa đủ mạnh còn có nguyên nhân từ xã hội, nhận thức của người dân. Đó là nhu cầu của xã hội đối với món thịt chó là rất lớn. Có thể thấy, trên địa bàn T.P Thái Nguyên hiện nay có hàng chục quán thịt chó luôn tấp nập thực khách, nhất là khi thời tiết chuyển lạnh, chưa kể lượng “cầy tơ” được giết mổ bày bán ở ngoài chợ. Để có nguồn cung dồi dào như vậy thì việc mua lại của bọn trộm chó là khó tránh khỏi, trong khi đó, bọn “cẩu tặc” chỉ cần chạy xe lòng vòng, có cơ hội ra tay thì chỉ trong phút chốc chúng đã kiếm được vài trăm nghìn đồng.
Thiết nghĩ, để hạn chế được vấn nạn này, có lẽ cần có một chế tài đủ mạnh để răn đe những kẻ trộm chó. Cùng với đó, người dân cũng nên có sự thay đổi về nhận thức, nhu cầu hưởng thụ thịt chó. Ngoài ra, người dân cũng cần có nhận thức đầy đủ về pháp luật, không nên vì quá bức xúc hành động nông nổi mỗi khi bắt được đối tượng trộm chó mà nên để pháp luật giải quyết. Bởi trên thực tế, đã có người bị hại lại trở thành kẻ phạm tội sau khi đánh bị thương, đánh chết đối tượng trộm chó.