Vừa xuống xe buýt, 4 sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên nhanh chóng di chuyển lên Trung tâm Huyết học Truyền máu Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên đã làm các xét nghiệm để hiến tiểu cầu.
Nguyễn Minh Tiến, Chủ nhiệm câu lạc bộ tiểu cầu vừa đưa các bạn trong nhóm vào phòng xét nghiệm vừa nói với chúng tôi: “Em nhận điện thoại của Bác sĩ Nguyễn Quang Hảo, Phó Giám đốc Trung tâm Huyết học Truyền máu là có trường hợp bệnh nhân bị ung thư máu đang trong giai đoạn nguy kịch cần truyền tiểu cầu, em đã liên lạc với các bạn có cùng nhóm máu trong câu lạc bộ nhanh chóng tập hợp để lên viện ngay.
Sau khi làm các xét nghiệm theo quy trình, 3 sinh viên được đưa sang phòng thu gom tiểu cầu. Tại đây chúng tôi gặp anh Hoàng Đình Luận, chồng bệnh nhân Dương Thị Tươi, ở xóm Phúc Hòa, xã Thịnh Đức T.P Thái Nguyên đang đứng ngồi không yên. Nhìn thấy các sinh viên đến, anh Luận vui mừng bảo: “Vợ tôi phát hiện mắc phải căn bệnh ung thư máu quái ác cách đây 4 tháng. Sau khi điều trị ở Viện Huyết học Truyền máu TW gần 2 tháng sức khỏe của vợ tôi hồi phục dần. Sau khi ra xuất viện được khoảng hơn 10 ngày thì vợ tôi lại bị sốt cao, từ hôm nhập viện Đa khoa TW Thái Nguyên đến nay gần 20 ngày đã phải truyền 3 lần tiểu cầu. Trong khi đó lượng tiểu cầu dự trữ của viện đã hết. Các bác sĩ bảo có nhóm sinh viên chuyên hiến tiểu cầu tình nguyện và liên hệ.
Trao đổi cùng chúng tôi, Bác sĩ Nguyễn Quang Hảo, Phó Giám đốc Trung tâm Huyết học Truyền máu cho biết thêm: Tiểu cầu là tế bào nhỏ nhất trong máu làm nhiệm vụ đông cầm máu. Vì tiểu cầu có đời sống ngắn trung bình từ 3-5 ngày, nên rất khó khăn cho các bệnh nhân cấp cứu. Nếu không được truyền kịp thời dễ gây ra biến chứng xuất huyết, đặc biệt là xuất huyết não dẫn đến tử vong. Theo thống kê của chúng tôi 1 năm có khoảng 300-400 bệnh nhân mắc các bệnh lý về máu phải chuyển về Viện Huyết học và Truyền máu TW điều trị. Riêng năm 2014 ở Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên có khoảng 300 bệnh nhân điều trị phải truyền tiểu cầu. Xuất phát từ tình hình thực tiễn trên, tôi đã vận động một số sinh viên nòng cốt trong câu lạc bộ hiến máu tình nguyện Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp thành lập câu lạc bộ hiến tiểu cầu vào đúng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2014 với 24 thành viên. Các thành viên trong câu lạc bộ chính là những ngân hàng tiểu cầu sống khi các bệnh viện gọi sẵn sàng có mặt để giúp đỡ những bệnh nhân qua cơn nguy kịch…
Đúng như lời bác sĩ Nguyễn Quang Hảo khẳng định, trò chuyện cùng chúng tôi các sinh viên đã nhớ lại rất nhiều kỷ niệm ý nghĩa trong những lần hiến tiểu cầu cho các trường hợp cấp cứu. Trần Văn Thành, K47 khoa Cơ khí kể: “Em thuộc nhóm máu O+. Ngay từ năm thứ nhất đại học em đã đăng ký tham gia câu lạc bộ hiến máu tình nguyện. Đến nay em đã tham gia 8 lần hiến máu và hiến tiểu cầu thì đây là lần thứ 7. Hôm nay nhận được điện thoại từ bạn Nguyễn Minh Tiến, Chủ nhiệm câu lạc bộ là có trường hợp bệnh nhân cấp cứu cần truyền tiểu cầu gấp, em đã nhanh chóng có mặt để cùng các bạn đi xe buýt lên viện. Em rất vui vì lần này lên hiến tiểu cầu được bác sĩ thông báo nhờ có tiểu cầu của em hiến lần trước đã cứu sống 1 cụ bà ngoài 70 tuổi. Trong lúc ngồi chờ lọc tiểu cầu, Đỗ Văn Đăng, sinh viên K48, khoa Điện góp chuyện: “Em đã tham gia hiến máu 9 lần và tiểu cầu 3 lần. Trong mùa tuyển sinh đại học năm 2014, khi em đang đưa người nhà đi thi đại học tại trường em đang học thì nhận được điện thoại của bác sĩ ở Bệnh viện A Thái Nguyên thông tin về 1 sản phụ do sinh đôi thiếu máu đang cần truyền máu cấp cứu. Em đi ngay lên viện và được biết 1 trong 2 cháu đã mất, gia đình đang đưa về quê mai táng, còn sản phụ thì rất yếu. Sau khi hiến máu cấp cứu cho sản phụ qua cơn nguy kịch, em thấy rất vui và tiếp tục về trường tham gia cùng đội thanh niên tình nguyện tiếp sức mùa thi”. Nguyễn Minh Tiến, Chủ nhiệm câu lạc bộ hiến tiểu cầu kể với chúng tôi rằng: “Em thuộc nhóm máu AB. Cách đây không lâu, khoảng gần 1h sáng nhận được thông tin Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên đang cấp cứu một trường hợp ở huyện Đại Từ bị rắn độc cắn, em vội đạp xe từ trường lên Bệnh viện hiến 2 đơn vị tiểu cầu để cấp cứu bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Sau khi hiến tiểu cầu về đến nhà trời cũng đã sáng, em lại ăn vội chiếc bánh mỳ rồi lên giảng đường học. Hầu hết các trường hợp các bệnh viện gọi cho em để thông tin cho các thành viên có cùng nhóm máu đi hiến tiểu cầu đến đều trong tình trạng bệnh nhân trong cơn nguy kịch. Có những lúc nếu đạp xe đạp trong đêm vừa nguy hiểm vừa sợ không kịp lấy tiểu cầu truyền cho bệnh nhân, các bạn phải gọi taxi đến viện.
"Trong lúc bệnh nhân thiếu đơn vị tiểu cầu thì việc huy động tập thể, cá nhân tình nguyện hoặc người thân đảm bảo sức khỏe, trùng khớp nhóm máu đến bệnh viện hiến kịp thời có ý nghĩa rất lớn cho sự sống của họ", bác sĩ Nguyễn Quang Hảo nói. Dù mới ra đời hơn 2 tháng nhưng các thành viên câu lạc bộ đã tham gia trên 30 lần hiến tiểu cầu cho các trường hợp cấp cứu. Mỗi tuần họ thay nhau hiến máu và tiểu cầu để cứu người. Nhiều bạn sinh viên không nhớ đã hiến được bao nhiêu tiểu cầu nhưng giờ đây các bệnh viện luôn nhớ số điện thoại của họ để khi cần máu, tiểu cầu là… a lô.