Vươn lên từ sự đùm bọc, sẻ chia

16:06, 04/02/2015

Năm 2014, huyện Phú Bình có 180 gia đình hội viên Hội Phụ nữ đã vươn lên thoát nghèo.

Kết quả này là sự đền đáp cho những nỗ lực lao động của các chị em phụ nữ và gia đình, cũng như sự giúp đỡ không nhỏ của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp. Trong đó phải kể đến sự giúp đỡ của các cấp hội phụ nữ trong huyện.

 

Trong cuộc họp cuối năm 2014 của xóm Thượng Mới, xã Bảo Lý (Phú Bình), tất cả những người có mặt đều hết sức ngạc nhiên khi chị Ngọ Thị Hạnh tình nguyện xin rút ra khỏi danh sách hộ nghèo. Nói về quyết định này, chị Hạnh chia sẻ: Từ khi thuộc diện hộ nghèo vào năm 2009 đến nay, gia đình tôi luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ về cả vật chất và tinh thần của chính quyền, các đoàn thể địa phương để ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế. Thông qua Chi hội Phụ nữ xóm và Hội Phụ nữ xã, vào năm 2009 và 2013, tôi đã được vay vốn của Ngân hàng Chính sách - Xã hội để đầu tư phát triển kinh tế. Đến nay, kinh tế của gia đình tôi đã khá giả hơn trước nên tôi tình nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo để những người ở vào hoàn cảnh khó khăn hơn, đặc biệt là các chị em phụ nữ có cơ hội nhận được sự giúp đỡ.

 

Ở cùng xóm với gia đình chị Hạnh, chị Dương Thị Thu Hương cũng là một trong những hộ thoát nghèo vào năm 2014 của xóm Thượng Mới. Một chân bị tàn tật từ nhỏ, phải một mình bươn trải nuôi con nhỏ nên từ nhiều năm nay, gia đình chị Hương vẫn quanh quẩn với cái nghèo. Sau một thời gian tìm cách đi làm thuê, rồi buôn bán khắp nơi, chị trở về xóm Thượng Mới với mong muốn phát triển kinh tế tại quê nhà. Năm 2013, thông qua Hội Phụ nữ xã chị đã được vay 30 triệu đồng trong vòng 3 năm với lãi suất 0,65%/tháng để làm vốn phát triển kinh tế. Nghe theo lời khuyên của một số chị em phụ nữ trong xóm, số vốn còn lại chị Hương đã đầu tư mở một hàng may và bán hàng tạp hóa để kiếm thêm thu nhập. Nhờ chăm chỉ làm việc và nhận được sự động viên, chia sẻ thường xuyên của các hội viên Hội Phụ nữ xã Bảo Lý, chị Hương đã từng bước phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

 

Còn chị Dương Thị Kim Khánh, ở tổ 4, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) cho hay: Nếu không nhờ có sự giúp đỡ của Hội Phụ nữ thị trấn, tôi không nghĩ mình có thể trụ vững và nuôi 2 con nhỏ ăn học được như ngày hôm nay. Năm 2007, sau khi chồng qua đời, gia đình chị rơi vào cảnh nghèo túng. Nắm bắt được khó khăn của chị Khánh, nhiều năm liền, Hội Phụ nữ thị trấn Hương Sơn đã tạo điều kiện cho chị vay vốn phát triển kinh tế từ Quỹ tiết kiệm của Hội Phụ nữ, Quỹ tình thương TYM để mở cửa hàng kinh doanh và may đo quần áo. Nhờ vậy, chị đã từng bước ổn định kinh tế gia đình và vươn lên thoát nghèo vào năm 2014.

 

Bà Thân Thị Quyên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Bình cho biết: Giúp đỡ hội viên thoát nghèo luôn được coi là một trong những hoạt động trọng tâm của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Bình. Ngay từ đầu mỗi năm, chúng tôi đều chỉ đạo Hội Phụ nữ các xã, thị trấn thực hiện phong trào giúp phụ nữ thoát nghèo gắn với những địa chỉ cụ thể ở từng đơn vị. Hội chủ trương, mỗi đơn vị có thể đề ra những cách làm khác nhau phù hợp với điều kiện ở địa phương mình để giúp các hội viên phụ nữ có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.

 

Năm 2014, các cấp hội đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện và các đơn vị khác tổ chức 193 buổi tập huấn khoa học - kỹ thuật cho trên 13.000 lượt hội viên, mở 6 lớp dạy nghề chăn nuôi thú y, trồng nấm cho 180 học viên... Để công tác vận động hội viên làm kinh tế đạt hiệu quả cao, Hội đã chủ động triển khai các mô hình phát triển kinh tế: Mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi tại xã Tân Thành; mô hình điểm liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn tại xóm Náng, xã Nhà Lộng… Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ các xã, thị trấn đã phối hợp với các ngành tổ chức 14 buổi tư vấn, giới thiệu việc cho hội viên và đã có 383 người tìm được công việc ổn định tại các doanh nghiệp. Song song với đó, các hoạt động tín chấp vay vốn phát triển kinh tế cũng được Hội Phụ nữ huyện chú trọng triển khai. Đến nay, thông qua hội phụ nữ các cấp, đã có gần 3.500 hội viên được vay vốn Ngân hàng chính sách với tổng dư nợ đạt trên 86,6 tỷ đồng. Quỹ tình thương TYM hiện có 1.527 thành viên với vốn dư nợ đạt 13,2 tỷ đồng. Ngoài ra, thông qua các hoạt động tiết kiệm như thành lập tổ tiết kiệm, hũ gạo tình thương, nuôi heo đất...cán bộ, hội viên phụ nữ đã giúp nhau xoay vòng vốn, đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, mua sắm vật dụng sinh hoạt gia đình, thăm, giúp các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

 

Có thể khẳng định, những hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động nữ. Năm 2014, toàn huyện có có 180 gia đình hội viên Hội Phụ nữ đã vươn lên thoát nghèo (đạt 100% kế hoạch). Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện sẽ tiếp tục phát triển nguồn quỹ tiết kiệm tại chỗ và tổ chức các hoạt động vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tiến tới thực hiện mục tiêu giảm, nghèo một cách bền vững.