Xuân về liệu còn đào rừng?

08:41, 08/02/2015

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Ất Mùi. Trưng bày đào ngày Tết đã trở thành một nét văn hóa từ lâu nay. Song việc chơi đào ngày Tết hiện nay không chỉ là những cành đào như trước, mà người chơi, người bán còn đào cả gốc những cây đào cổ thụ. Điều này đã dần làm cho những cây đào rừng có nguy cơ tận diệt.

Những cây đào cổ thụ, rêu mốc cổ kính đã xuất hiện dọc tuyến phố bán hoa Xuân tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Những năm gần đây, nhiều người đã coi sưu tầm đào rừng, đào mốc trở thành “tiêu chí” để đánh giá sự sành chơi.

 

Những cành đào rừng, thậm chí là cả cây đào rừng bị trốc tận rễ đã rời núi rừng về thành phố để thỏa mãn thú chơi của nhiều người. Những chợ bán đào tự phát dọc quốc lộ 6 năm nào cũng tấp nập người mua, kẻ bán.

 

Đào rừng càng lâu năm, nhiều rêu mốc, càng có dáng lạ và cổ kính càng đắt giá. Có cành đào được mua với giá cả chục triệu đồng. Còn những cành đào thông thường có giá 500.000 đến 3 triệu đồng.

 

Anh Trần Công Đối, khách mua đào ở thành phố Sơn La nói: “Xu thế bây giờ con người ta thích những thứ tự nhiên, bởi nó bao giờ cũng đẹp hơn. Đối với loại đào này, thời gian hoa nở sẽ được lâu hơn, không phải mất công chăm sóc; trên thân cây của nó có rêu mốc nên ai cũng thích”.

 

Năm nay, những cành đào rừng, rêu mốc xù xì cổ kính càng hiếm so với các năm trước, nên giá cũng đắt hơn hẳn. Nhiều người mua để bày tại gia đình, mua để trưng ở cơ quan, cũng rất nhiều trong số đó mua để biếu.

 

Nghề bán đào đã giúp cho một số người dân có nguồn thu nhập đáng kể, song những cây đào rừng theo từng năm, rời núi xuống phố khiến núi rừng Tây Bắc ngày càng trở nên vắng bóng những cánh đào Xuân.

 

Anh Tòng Văn Dâm – người bán đào cho biết: “Năm nay so với mọi năm thì đào rừng hơi hiếm, bởi vì mỗi năm đào rừng càng ít đi, vì thế giá năm nay đương nhiên tăng hơn năm trước”.

 

Để trồng một cây đào rừng đến khi có hoa, phải mất từ 8 đến 10 năm, còn để cây có rêu mốc thì thời gian phải lên đến vài chục năm. Để đáp ứng nhu cầu sính chơi đào rừng của người mua, nhiều người bán đào đã chặt, thậm chí đào cả gốc rễ của cây.

 

Điều này càng làm cho những cây đào rừng có nguy cơ bị tận diệt./.