Thực hiện chủ trương của Đảng về mục tiêu công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, hiện nay, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất công nghiệp, nông - lâm nghiệp, cơ cấu lao động cũng như công nghệ, kỹ năng lao động đã có những đổi mới theo hướng công nghiệp hiện đại.
Chính vì vậy, vấn đề đảm bảo môi trường lao động lành mạnh, an toàn, ngăn ngừa và giảm nguy cơ gây tai nạn lao động, cháy nổ và bệnh nghề nghiệp luôn là một trong những yêu cầu trọng yếu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. An toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) là hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ và phát triển nguồn nhân lực để phục vụ chiến lược phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong những năm qua, thực hiện Bộ luật lao động, Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân, Luật Công đoàn, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy chữa cháy, Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18-9-2013 của Ban Chấp hành Trung ương về “Đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế”... công tác ATVSLĐ - PCCN có những chuyển biến tích cực trong việc cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn cho người lao động, góp phần quan trọng vào việc phát triển sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong xu thế toàn cầu hoá với sự xuất hiện của công nghệ mới, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu mới có ảnh hưởng nhiều mặt đến an toàn và sức khoẻ của người lao động: Môi trường sản xuất bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi nhiều yếu tố nguy hiểm, độc hại mà chúng ta chưa kiểm soát được; một số thiết bị, công nghệ chuyển giao chưa phù hợp với người Việt Nam; tập quán lao động và khả năng đáp ứng công nghệ mới của người người lao động cũng có nhiều hạn chế…
Sự ra đời của nhiều ngành công nghiệp, sự tăng nhanh về số lượng và đa dạng của nhiều loại hình doanh nghiệp, đồng thời với việc chuyển dịch cơ cấu công - nông nghiệp, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn đã thu hút, sử dụng lao động từ nông nghiệp chưa được đào tạo về an toàn, vệ sinh lao động chuyển sang sản xuất công nghiệp, họ làm việc trong môi trường lao động mới, những công việc nguy hiểm, độc hại không quen thuộc với họ... Các doanh nghiệp tư nhân và các hộ sản xuất kinh doanh cá thể tiểu thủ công nghiệp phần lớn hình thành và phát triển trong thời kỳ đổi mới kinh tế, vốn đầu tư ban đầu ít, cơ sở vật chất, trình độ kỹ thuật, công nghệ và thiết bị lạc hậu, có nhiều nguy cơ không đảm bảo ATVSLĐ.
Trong khi đó Nhà nước chưa đủ sức thanh tra, kiểm tra toàn diện các vấn đề liên quan đến đảm bảo an toàn và vệ sinh cho người lao động. Vì vậy, ở khu vực sản xuất này có chứa đựng nhiều yếu tố nguy hiểm, gây mất an toàn, đe doạ tính mạng, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người lao động. Theo Cục An toàn lao động - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2014 toàn quốc để xảy ra 6.709 vụ tai nạn lao động, làm 6.941 người bị nạn với 630 người chết. Tuy nhiên số vụ tai nạn lao động xảy ra trên thực tế cao gấp nhiều lần so với số báo cáo. Tai nạn lao động không chỉ cướp đi tính mạng và gây thương tích cho nhiều người mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Về bệnh nghề nghiệp trong những năm qua cũng có xu hướng gia tăng cả về số người mắc bệnh và loại bệnh, mỗi năm có thêm từ 1.000 đến 1.500 người mắc mới được phát hiện.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có nhiều, song chủ yếu là do nhận thức chưa đầy đủ của các cấp, các ngành, của người sử dụng lao động và người lao động, ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm kỹ thuật an toàn trong xây dựng, sử dụng điện, công nghiệp sản xuất, khai thác khoáng sản, trong vận hành các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động còn nhiều hạn chế.
Tình trạng sử dụng các loại hoá chất, sử dụng điện trong sản xuất nông nghiệp và nông thôn, trong các làng nghề chưa được huấn luyện, hướng dẫn về an toàn lao động, vệ sinh lao động dẫn đến hậu quả gây tai nạn lao động, gây nhiễm độc cho người và vật nuôi, gây ô nhiễm môi trường. Trước tình hình này, ngày 10-1-2010 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 2281/QĐ-TTg phê duyệt chương trình Quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu tổng quát là: Cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động; ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; chăm sóc sức khoẻ người lao động; nâng cao nhận thức, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật về an toàn - vệ sinh lao động, bảo đảm an toàn thân thể và tính mạng cho người lao động, tài sản của Nhà nước, tài sản của doanh nghiệp của tổ chức, góp phần vào sự phát triển bền vững của Quốc gia.
Đối với tỉnh Thái Nguyên, qua nắm bắt tình hình báo cáo của 55 đơn vị, doanh nghiệp trong năm 2014, toàn tỉnh xảy ra 101 vụ tai nạn lao động, với 103 người bị nạn, làm chết 17 người, bị thương 86 người. Mặc dù số vụ việc không tăng so với các năm trước, song mức độ thiệt hại lớn, nhất là số người chết tăng. Thực tế này cho thấy, vấn đề phòng ngừa và kiểm soát, cải thiện chất lượng ATVSLĐ-PCCN tại các cơ sở sản xuất, bản thân người lao động vẫn còn hạn chế và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Về góc độ quản lý Nhà nước, các cấp, ngành cũng đã triển khai và thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật, chính sách về ATVSLĐ-PCCN, đặc biệt các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ kiểm tra sức khỏe định kỳ, huấn luyện, tập huấn về bảo đảm ATVSLĐ-PCCN cho người lao động và đơn vị sử dụng lao động.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các quy định, chế độ, chính sách về ATVSLĐ-PCCN còn gặp nhiều khó khăn, chưa đồng bộ hệ thống quản lý, cũng như chất lượng công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra điều kiện lao động, ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ của các cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế. Để thực hiện tốt hơn công tác ATVSLĐ-PCCN trong thời gian tới, chúng ta cần có các giải pháp tích cực và kịp thời trong thời gian tới, đó là: Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về ATVSLĐ, nâng cao năng lực hệ thống thanh kiểm tra, giám sát an toàn lao động, xây dựng mô hình quản lý ATVSLĐ trong doanh nghiệp. Xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với các hành vi vi phạm pháp luật lao động. Đẩy mạnh các hoạt động cải thiện điều kiện lao động trong doanh nghiệp, chú trọng trong các lĩnh vực như khai khoáng, luyện kim, xây dựng, sử dụng điện... khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất nông nghiệp và nông thôn. Tăng cường giám sát môi trường lao động, đảm bảo kiểm soát hiệu quả các yếu tố, nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân thông qua tăng cường và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền huấn luyện và các hoạt động phong trào quần chúng tham gia công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá...