Góp phần củng cố niềm tin với khách

08:13, 14/03/2015

3,5 tỷ đồng là số tiền thừa mà các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã trả lại cho hàng trăm khách hàng trong năm 2014.

Việc làm đầy trách nhiệm và giàu tính nhân văn này đã góp phần không nhỏ vào việc củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với ngân hàng, qua đó giúp các ngân hàng tạo dựng và giữ vững được thương hiệu, uy tín…

 

Chị Nguyễn Thị Thanh H,  Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng ở phường Tân Thành (T.P Thái Nguyên) đang cùng gia đình chuẩn bị ăn bữa tối thì chuông điện thoại reo vang. Hiện lên màn hình là tên của cán bộ Phòng Giao dịch Gang thép Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên. Chị H không khỏi ngạc nhiên, vì vào thời gian này, rất ít khi cán bộ ngân hàng gọi đến. Với giọng nói quen thuộc, nhẹ nhàng, chị H được thông báo, số tiền mà kế toán doanh nghiệp mang nộp tại ngân hàng lúc đầu giờ chiều thừa 50 triệu đồng nên mời lãnh đạo doanh nghiệp sáng mai qua nhận lại. Không khỏi bất ngờ trước thông tin đó, chị H liền gọi điện yêu cầu bộ phận kế toán của doanh nghiệp kiểm tra và đúng là số tồn quỹ hụt khớp với số mà ngân hàng thông báo. Trao đổi với chúng tôi, chị H nói: Đây không phải lần đầu kế toán của DN nộp thừa tiền được ngân hàng trả lại. Tuy nhiên, số tiền lần này là nhiều hơn cả. Và nếu cán bộ ngân hàng không thông báo, thì có lẽ, kế toán doanh nghiệp sẽ không biết số tiền đó nằm ở đâu. Chị H bảo: Chính sự trung thực, liêm khiết cũng như thái độ phục vụ tận tình, chu đáo của cán bộ BIDV mà hàng chục năm qua, DN nghiệp luôn gắn bó với ngân hàng.

 

Là một trong những cán bộ đã có hàng chục năm làm giao dịch viên, chị Nguyễn Thị Vân Nam, Phòng Giao dịch Đồng Quang của Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) Chi nhánh Thái Nguyên lâu nay vẫn được những người trong ngành biết đến là một trong những người có số lần trả lại tiền thừa nhiều. Chỉ tính riêng trong năm 2014, tổng số tiền thừa chị Vân Nam trả lại cho khách lên tới 120 triệu đồng, trong đó có món nhiều nhất 75 triệu đồng. Khi chúng tôi hỏi chị về kỷ niệm của lần trả lại tiền thừa nhiều đó, chị Vân Nam cười bảo: Đó là việc hết sức bình thường, bởi bất cứ cán bộ ngân hàng nào cũng sẽ làm như thế. Rồi chị lật lại quyển sổ ghi chép để đọc cho chúng tôi một số nội dung theo yêu cầu: Đó là vào ngày  18-8-2014, của khách hàng có tên là Nông Thị Nhuận đến nộp số tiền 144 triệu đồng nhưng lại đưa cho chị hơn 200 triệu đồng. Chị nhớ lại, khi đưa lại số tiền thừa, khách hàng vô cùng ngạc nhiên và hỏi đi hỏi lại: “Chị nói thật hay đùa? Số tiền làm sao thừa nhiều thế được”. Và cho đến khi, cầm lại trong tay số tiền đó, chị Nhuận mới tin đó là sự thật. Chị Vân Nam chia sẻ: Khi mới giao dịch với cán bộ ngân hàng, hầu hết khách hàng đều tỏ ra cẩn thận, để ý và quan sát sợ nhầm lẫn. Tuy nhiên, khi đã quen, nhiều người thậm chí còn giao phó cả túi tiền hàng trăm triệu đồng nhờ cán bộ ngân hàng kiểm giúp để đi giải quyết công việc rồi lúc sau chỉ việc quay lại ký xác nhận. Thừa thiếu thế nào chỉ cần thông báo lại là được. Sự tin tưởng đó khiến chúng tôi vừa thấy vui,  cũng vừa thấy áp lực, vì thế càng phải nâng cao tinh thần trách nhiệm để không phụ lại lòng tin tưởng của khách hàng.

 

Nói như anh Lã Hùng Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Thái Nguyên thì với cán bộ ngân hàng, trung thực luôn là yếu tố hàng đầu. Hằng năm, Chi nhánh đều phát động phong trào nâng cao đạo đức nghề nghiệp đến toàn thể cán bộ, người lao động và cuối năm có tổng kết, then thưởng kịp thời cho những cán bộ làm tốt. Qua phong trào, ngoài yếu tố trung thực, chúng tôi còn đặc biệt coi trọng đến thái độ ứng xử cũng như hiệu quả giải quyết công việc của cán bộ. Anh Lã Hùng Cường cho rằng, ngành, nghề nào cũng cần sự trung thực, với cán bộ ngân hàng càng trở nên cần thiết, bởi nếu thiếu yếu tố này thì hậu quả mà 1 cán bộ có thể gây ra đối với toàn ngành sẽ là rất lớn.

 

Nhìn vào danh sách thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, chúng tôi không khỏi cảm phục trước những tấm gương về sự liêm khiết của nhiều cán bộ ở các ngân hàng. Đó là anh Nguyễn Tất Thắng, BIDV Chi nhánh Nam Thái Nguyên trong năm 2014 đã trả lại cho khách gần 40 món, với tổng số tiền 359 triệu đồng, trong đó món trả lớn nhất 100 triệu đồng; chị Trần Thị Yến, VietinBank Chi nhánh Sông Công trả 100 món, với tổng số tiền 167 triệu đồng; chị Quang Hồng Hạnh và chị Lục Thị Thu Hiền, cán bộ Agribank trả lại khách món tiền thừa cao nhất lần lượt là 100 triệu đồng và 80 triệu đồng; chị Bùi Thị Tuyết và chị Dương Thị Tuyết Lệ, cán bộ VietinBank Chi nhánh Thái Nguyên đều trả trên 30 triệu đồng/người cho khách… Tổng số tiền thừa trả lại cho khách trong năm 2014 của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh là 3,5 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý có một số ngân hàng có số tiền thừa trả lại cho khách lớn, như: Chi nhánh Agribank trả 914 triệu đồng; Chi nhánh BIDV Thái Nguyên trả 907 triệu đồng; Chi nhánh BIDV Nam Thái Nguyên trả 359 triệu đồng; Chi nhánh VietinBank Thái Nguyên trả 854 triệu đồng; Chi nhánh VietinBank Sông Công trả 332 triệu đồng; Chi nhánh VietinBank Lưu Xá trả 106 triệu đồng…

 

Tấm gương về sự trung thực, liêm khiết của các cán bộ ngân hàng không chỉ góp phần tạo nên niềm tin, tình yêu của người dân, doanh nghiệp đối với ngành ngân hàng mà còn là tấm gương để nhiều ngành, nghề khác noi theo. Họ cũng chính là những bông hoa đẹp, đang hàng ngày khoe sắc, tỏa hương để góp phần gìn giữ phẩm chất trung thực, trách nhiệm cao quý của con người Việt Nam.