Nâng cao đời sống người dân là mục tiêu cao nhất

16:23, 10/03/2015

Mục tiêu cao nhất của xây dựng nông thôn mới (NTM) là nâng cao đời sống mọi mặt của người dân. Trong đó, vấn đề cốt lõi là phát triển sản xuất hàng hóa, tăng giá trị và giảm giá thành của sản phẩm để nâng cao thu nhập.

Đạt được điều này thì NTM sẽ phát triển một cách bền vững. Phát triển sản xuất hàng hóa, tăng giá trị và giảm giá thành của sản phẩm nâng cao thu nhập người nông dân vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Tác động của kinh tế thị trường vào nền kinh tế ở trình độ xuất phát thấp đang là trở ngại đối với phát triển sản xuất hàng hoá  ở khu vực nông thôn. Việc phát triển nông nghiệp còn thiếu quy hoạch và thiếu đầu tư thoả đáng dẫn đến nông sản lúc thiếu, lúc thừa, chất lượng không cao.

 

Thị trường nông sản bấp bênh, năng suất lao động thấp, không có kế hoạch sản xuất cụ thể nên tư thương ép giá, chủ yếu bán sản phẩm thô nên giá trị thấp. Cùng với đó ruộng đất manh mún, không phù hợp với sản xuất hàng hoá tập trung, việc liên kết các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm.

 

Cơ sở hạ tầng nông thôn mặc dù được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất hàng hoá. Hoạt động quản lý ngành nghề nông thôn còn nhiều bất cập. Mối liên kết giữa các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn với các nhà khoa học, nhà đầu tư và thị trường còn lỏng lẻo. Việc áp dụng và đổi mới công nghệ còn chậm, hiệu quả từ các nguồn vốn hỗ trợ chưa được phát huy, việc tiếp cận vốn tín dụng trong sản xuất còn hạn chế do cơ chế, chính sách chưa phù hợp.

 

Để tháo gỡ những khó khăn trên, bên cạnh nỗ lực của người dân, Nhà nước và chính quyền các cấp cần chủ động triển khai, tổ chức thực hiện những việc người dân “không thể tự làm được” trong giải quyết các vấn đề như: Sản xuất cho ai? Sản xuất cái gì? Sản xuất như thế nào? của kinh tế thị trường, kế hoạch sản xuất và đầu ra cho sản phẩm, xác định các sản phẩm thế mạnh của từng địa phương, việc nhận thức và vận hành đối với mối “liên kết bốn nhà” (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông), trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt đối với quá trình phát triển sản xuất.

 

Cần tập trung nguồn lực vào một số lĩnh vực mang tính đột phá, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn, rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định về đất đai, thuế, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, tín dụng, thương mại, thị trường… cho phù hợp với thực tế, đảm bảo môi trường pháp lý ổn định, môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, hình thành đồng bộ các loại thị trường ở nông thôn. Cải cách thể chế kinh tế mạnh mẽ, cơ chế thông thoáng, chính sách phù hợp, cùng với sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của hệ thống chính trị các cấp, sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân sẽ tạo điều kiện cho sản xuất hàng hóa nông nghiệp phát triển, nâng cao thu nhập và hoàn thành mục tiêu Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM một cách bền vững.