Quyết tâm không còn trường hợp tử vong do chó dại cắn

16:31, 10/03/2015

Từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn huyện Phú Lương đã xảy ra 3 vụ chết người do bị chó dại cắn, vụ gần đây nhất là vào cuối năm 2014.

Huyện đang tập trung cho công tác tiêm phòng dại đợt 1 của năm 2015, quyết tâm không để có thêm trường hợp nào tử vong do chó dại cắn.

 

Trường hợp gần đây nhất là vào cuối năm 2014, tại xã Cổ Lũng, cháu Hoàng Văn Khánh, sinh năm 2001, tại xóm Làng Phan đã bị chó của gia đình cắn vào cẳng chân nhưng Khánh không được đưa đi tiêm phòng dại mà chỉ thực hiện các động tác sơ cứu tại nhà như: Rửa bằng xà phòng và nước sạch. Sau đó khoảng gần 2 tháng, Khánh có biểu hiện lạ như: Ngứa rát ở đùi, đau cơ, đau bụng, đau tức ngực, khó thở, khó uống nước, tăng tiết nhiều đờm rãi, sợ tiếng động, gia đình đã đưa Khánh đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên và được chuẩn đoán dại lên cơn. Sau đó 1 ngày Khánh đã tử vong.

 

Với mục tiêu không để có thêm trường hợp nào tử vong do chó dại cắn, đặc biệt là thời điểm chuẩn bị tiêm phòng đợt 1 năm 2015, hiện nay, huyện Phú Lương đang tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc chủ động phòng, chống dịch bệnh xuất hiện trên đàn vật nuôi. Bà Nịnh Thị Thắng, Trạm Trưởng Trạm Thú y huyện cho biết: Chỉ tiêu kế hoạch tiêm phòng năm nay của huyện là 411.000 liều vắc xin, trong đó có 20.000 liều vắc xin dại chó. Để đạt chỉ tiêu này, ngay từ đầu năm, huyện đã thông báo kế hoạch tiêm phòng đến các địa phương đồng thời có công văn đôn đốc các phòng, ban chuyên môn; chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền tới người dân.

 

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao ý thức của bà con, Trạm Thú y cũng đã phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin tổ chức tuyên truyền lưu động, phối hợp với Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện thông tin trên hệ thống loa truyền thanh về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Hiện nay, bên cạnh việc chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát số lượng vật nuôi tại các gia đình, Trạm Thú y huyện còn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật tiêm phòng trên đàn vật nuôi cho các thú y viên cơ sở. Theo kế hoạch, đến ngày 22-3 tới, huyện sẽ tổ chức tiêm phòng dại đồng loạt cho đàn gia súc, gia cầm.

 

Sơn Cẩm là một trong những địa phương hàng năm có tỷ lệ tiêm phòng gia súc, gia cầm đạt cao nhất huyện Phú Lương. Riêng năm 2014, tỷ lệ tiêm phòng trên đàn vật nuôi đạt 100% kế hoạch giao, trong đó, tiêm phòng dại trên đàn chó vượt 7% kế hoạch. Hiện nay, chính quyền địa phương đang tập trung lực lượng chuẩn bị chu đáo cho đợt tiêm phòng sắp tới. Ông Nguyễn Sỹ Bình, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong các dịch bệnh trên đàn vật nuôi, bệnh dại ở chó là loại bệnh nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong ở người nếu chủ quan. Chính vì vậy, công tác tiêm phòng dại trên đàn chó luôn được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm.

 

Để tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó đạt cao, chúng tôi đã mặc định lấy ngày Chủ nhật (ngày mà hầu hết người dân từ công nhân viên chức đến người nông dân đều có thể đưa chó đi tiêm phòng) để tổ chức tiêm phòng dại. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật của xã cũng đã phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của xã; cán bộ các xóm đẩy mạnh tuyên truyền tới bà con về dịch bệnh có thể xuất hiện trên đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, để tránh tình trạng mỗi hộ dân có nhiều chó nhưng chỉ đưa 1 con đi tiêm, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của xã (với 20 thành viên) đã chia thành 4 tổ phối hợp với các cấp hội, đoàn thể của xã tiến hành kiểm tra, rà soát số lượng vật nuôi của từng gia đình trước, trong và sau khi tiêm phòng, nhằm không để dịch bệnh xuất hiện trên địa bàn. 

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nga, Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh HIV-AIDS, Trung tâm Y tế huyện Phú Lương cho biết: Bệnh dại là loại bệnh lây từ động vật sang người. Bệnh dại thường gặp nhất là do chó dại cắn. Ngay sau khi bị chó dại cắn, cần nhanh chóng rửa vết thương thật kỹ bằng xà phòng và rửa lại thật sạch bằng nước sạch, sát khuẩn bằng cồn, sau đó đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để kiểm tra. Tiêm phòng dại là để giảm tỷ lệ mắc bệnh dại trên đàn chó, vẫn có trường hợp chó được tiêm phòng nhưng vẫn bị mắc bệnh dại nhưng tỷ lệ này chiếm rất nhỏ. Do đó, trong bất kỳ trường hợp nào, nếu bị chó cắn dù chó đã được được tiêm phòng hay chưa tiêm phòng người dân cần phải đến các cơ sở y tế để kiểm tra và tiêm phòng kịp thời.