Vừa thấy tôi về quê chơi, bà thím đã bảo: Mai cháu cho thím đi nhờ lên tỉnh khám bệnh với nhé! Tôi nói: Thím đăng ký khám, chữa bệnh (KCB) ban đầu ở Trạm Y tế xã thì đến đó mà khám, sao phải lên tỉnh cho mất thời gian lại không được hưởng 100% chế độ Bảo hiểm y tế.
Thím tôi không đồng ý cứ phân bua: Ai chẳng biết thế, nhưng khám bệnh ở y tế xã họ chỉ cho vài viên thuốc nhì nhằng, chẳng ra bệnh cũng chẳng khỏi bệnh. Thôi đành mất tiền đi một lần cho nó “ra ngô ra khoai”. Thế là tôi đành nhượng bộ và hôm sau chở thím xuống một bệnh viện tuyến tỉnh để khám bệnh. Sau hai ngày đi khám và nằm điều trị tại bệnh viện, thím tôi tươi tỉnh lắm và khẳng định việc mình đi bệnh viện tuyến tỉnh là “sáng suốt”: Thím đi khám ở Trạm Y tế, rồi lên Trung tâm Y tế huyện, bác sĩ đều chẩn đoán thím bị viêm phổi, rồi cứ tiêm, uống thuốc mất hai đợt đã hàng tháng nay cũng chẳng khỏi, xuống đây, bác sĩ chỉ cho tiêm, uống thuốc mới có 3 ngày đã thấy giảm ho và tức ngực hẳn.
Lại chuyện con cô bạn tôi, cháu bị mọc một cái u lành rất to ở cạnh răng hàm số 8, do đăng ký KCB ban đầu ở một bệnh viện tuyến huyện, các y, bác sĩ ở đây cứ khẳng định là mổ được. Trong khi đó, anh, em họ hàng đều không nhất trí vì chưa tin tưởng vào tay nghề của các bác sĩ ở đó có thể mổ được cái u vừa đảm bảo an toàn, vừa có tính thẩm mỹ (vì phải mổ từ má vào, cháu lại là con gái). Thế là gia đình cứ đôn đáo đi nhờ vả hết người nọ đến người kia để xin chuyển viện, còn bệnh viện nọ thì nhất quyết không cho đi. Gia đình đành phải bỏ cuộc đưa cháu đi thẳng xuống Hà Nội để mổ, mặc dù phải chi phí viện phí 100% vì không có giấy giới thiệu chuyển viện.
Không riêng gì trường hợp thím và cô bạn tôi nêu trên mà nhiều người cũng có tâm lý không thích KCB đúng tuyến trong những trường hợp bệnh phức tạp (tuy các cơ sở y tế đó khẳng định có khả năng chữa trị được bệnh, song trên thực tế, nhiều cơ sở y tế tuyến dưới chưa tạo được niềm tin với người bệnh). Việc đi KCB vượt tuyến là chuyện “cực chẳng đã” với bất cứ bệnh nhân nào dù là người có đời sống khá giả, nhất là phải đi các bệnh viện lớn ở Hà Nội, bởi họ không những chỉ được chi trả một phần bảo hiểm y tế là: 30%, 50%, 70% tùy thuộc nơi KCB mà còn tốn kém nhiều thứ như tiền tàu xe đi lại; người thân còn phải chịu cảnh “ăn trực nằm chờ” rất vất vả để đợi người nhà điều trị khỏi bệnh.
Ai cũng biết nguyên nhân chủ yếu các bệnh nhân hay vượt tuyến chủ yếu vẫn là do đội ngũ cán bộ y tế ở tuyến dưới chuyên môn còn hạn chế; cơ sở y tế chưa có các trang thiết bị hiện đại hỗ trợ KCB. Vì vậy, mong mỏi của mọi người, nhất là với đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, tình trạng trên sớm được khắc phục không những giúp người bệnh đi KCB thuận tiện; giảm gánh nặng chi phí về y tế, thời gian khi vượt tuyến mà còn góp phần thực hiện tốt các quy định về KCB của ngành y tế.