Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"

14:58, 15/04/2015

Nhiều hộ dân sống tại khu chung cư (KCC) Phù Liễn và Trung Thành (T.P Thái Nguyên) bức xúc: "Có thể 2 năm hoặc 5 năm nữa các KCC chưa sập, nhưng cũng không ai biết rủi ngày mai khi mưa to, gió lớn, bỗng một khối trần nhà đổ ập xuống làm hại đến tính mạng người dân thì ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm? Tính mạng và tài sản của người dân không thể bị xem nhẹ..."

Từ năm 2007, nhận thấy tình trạng xuống cấp của các KCC trên địa bàn T.P Thái Nguyên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng rà soát và có báo cáo về thực trạng của các KCC cũ, đồng thời đề xuất các biện pháp, kế hoạch cải tạo, xử lý. Sở Xây dựng đã cho kiểm định chất lượng các KCC cũ và khẳng định: "Qua gần 40 năm sử dụng không được duy tu, sửa chữa nên chất lượng các KCC đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, tài sản của các hộ dân đang thuê để ở". Sở Xây dựng đề xuất tỉnh chấp thuận kêu gọi một số doanh nghiệp lập dự án đầu tư xây dựng các KCC mới thay thế.

 

Tuy nhiên, đến tháng 5-2012, các giải pháp trên vẫn không khả thi, buộc UBND tỉnh có văn bản yêu cầu UBND T.P Thái Nguyên thường xuyên kiểm tra, thu nhận thông tin phản ánh của người dân về diễn biến chất lượng các công trình KCC. Tháng 6-2012, UBND Thành phố đã có văn bản giao nhiệm vụ theo dõi diễn biến chất lượng nhà ở các KCC cũ cho UBND hai phường có KCC cũ trên địa bàn là Hoàng Văn Thụ và Trung Thành. Theo đó, nếu phường phát hiện những diễn biến bất thường thì báo ngay cho UBND Thành phố và Sở Xây dựng để kịp thời đề xuất phương án xử lý. Đến tháng 2-2013, UBND T.P Thái Nguyên tiếp tục có văn bản đề nghị Sở Xây dựng sớm tổ chức kiểm tra toàn diện các KCC cũ trên địa bàn, xác định chính xác mức độ an toàn của các công trình, đồng thời yêu cầu đơn vị trực tiếp quản lý các KCC cũ tiến hành sửa chữa, khắc phục ngay những vị trí mất an toàn. Trong hai năm gần đây, UBND Thành phố và Sở Xây dựng tiếp tục có những văn bản đôn đốc, kiểm tra tương tự.

 

Như vậy, các giải pháp mà Sở Xây dựng và UBND T.P Thái Nguyên đề ra trong thời gian qua vẫn chỉ là tăng cường kiểm tra chất lượng công trình mà chưa có phương án giải quyết thiết thực nào. Trước thực tế đó, tháng 5-2013, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản yêu cầu hai cơ quan, đơn vị trên phải "xác định rõ chủ sở hữu, đơn vị quản lý, vận hành các KCC cũ, đồng thời làm rõ cơ chế chịu trách nhiệm của các bên" và gần đây UBND tỉnh lại có văn bản yêu cầu hai đơn vị này "đề xuất ngay phương án cải tạo, di dời hai KCC cũ nói trên".

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó phòng Quản lý đô thị T.P Thái Nguyên cho rằng, thời gian qua thành phố đã nỗ lực và làm tròn trách nhiệm của địa phương về giải quyết những tồn tại ở hai KCC cũ. Ông Mai Anh Kiểm, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên cũng khẳng định, thành phố đã nhiều lần kiến nghị về chất lượng các công trình KCC cũ lên sở, ngành liên quan của tỉnh nhưng chưa được giải quyết. Thành phố không thể một mình đứng ra giải quyết vấn đề này nên tiếp tục đề nghị tỉnh và các ngành của tỉnh quan tâm sớm họp bàn để tìm phương án hợp lý.

 

Về phía Sở Xây dựng, ông Trần Dương Hợp, Giám đốc Sở cũng cho rằng, thời gian qua Sở đã nỗ lực để tham mưu cho tỉnh phương án giải quyết, nhưng thực tế chưa mang lại hiệu quả. Sở đã đề xuất để tỉnh chấp thuận đầu tư cho một số doanh nghiệp nhằm xây mới KCC thay thế các KCC cũ nhưng sau một thời gian khảo sát, tính toán họ đều ngãng ra. Đúng lẽ thì bây giờ phải có phương án sửa chữa hoặc di dời các hộ dân đang sống tại các KCC cũ rồi, nhưng vì chưa có địa điểm để tái định cư cho họ, nếu để người dân ở tạm thì không được...

 

Về phía Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (đơn vị xây dựng KCC Trung Thành để phục vụ nhu cầu nhà ở cho cán bộ, công nhân viên), ông Đặng Minh Tuấn, Phó phòng Đầu tư phát triển của Công ty khẳng định: Trước đây, Nhà nước đồng ý để Công ty xây dựng KCC cho cán bộ, công nhân viên mà không giao quản lý đất cũng như không thu tiền sử dụng đất ở khu vực này. Khoảng năm 1993, Công ty tiến hành thanh lý toàn bộ số căn hộ (tài sản trên đất) cho cán bộ, công nhân viên. Từ đó đến nay, Công ty không quản lý, không thu bất cứ loại phí nào của cán bộ, công nhân sống ở KCC. Năm 2009, Công ty tiến hành cổ phần hóa, trong tài sản cố định báo cáo cổ đông cũng không có KCC Trung Thành.

 

Có thể nhận thấy, trong khi các ngành, địa phương, đơn vị vẫn loay hoay để tìm hướng xử lý thì hàng trăm hộ dân ở các KCC cũ đang ngày đêm phải sống trong cảnh lo âu, thắc thỏm và mong ngóng được cải tạo nhà ở hoặc được chuyển ra nơi ở mới. Gần đây, tại cuộc họp bàn về vấn đề xây dựng nhà ở xã hội của tỉnh, đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã nhấn mạnh: Đây là các khu nhà ở nguy hiểm cần phải được giải quyết ngay. Thời gian qua, Sở Xây dựng và UBND T.P Thái Nguyên chưa tham mưu được phương án cụ thể và khả thi nào để giải quyết dứt điểm các KCC cũ nói trên.

 

Mong muốn và nguyện vọng của người dân tại các KCC cũ trên địa bàn T.P Thái Nguyên là chính đáng, cần được quan tâm giải quyết kịp thời. Đây không còn là vấn đề của riêng Thành phố hay sở, ngành nào mà là yêu cầu cấp bách của cả tỉnh. Và, bài học về việc phải giải quyết hậu quả khi “sự đã rồi” hay tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng" đã từng xảy ra ở tỉnh ta. Đơn cử, cứ lấy vụ việc sập bãi thải của Mỏ than Phấn Mễ ở xã Phục Linh (Đại Từ) cách đây mấy năm làm chết 6 người và tốn kém không biết bao nhiêu công sức, tiền của để làm bài học thì sẽ thấy nó đắt giá đến mức nào.