Ghi nhận từ công tác giảm nghèo ở Phú Bình

09:36, 10/04/2015

Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, những năm qua, huyện Phú Bình đã có nhiều giải pháp, việc làm thiết thực giúp người dân xóa đói, giảm nghèo.

Nếu như đầu năm 2011, tỉ lệ hộ nghèo của huyện là trên 24% thì đến nay con số này đã giảm xuống còn 10,3%. Huyện Phú Bình hiện có 21 xã, thị trấn với trên 36.000 hộ. Kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên đời sống của bà con nhân dân còn nhiều khó khăn. Để thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo giảm nghèo và giải quyết việc làm huyện. Tiến hành điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo một cách công khai, dân chủ, có sự tham gia của người dân. Với đặc thù chủ yếu diện tích là đất nông nghiệp, huyện Phú Bình xác định việc thúc đẩy nông nghiệp phát triển là trọng tâm trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương.

 

Hàng năm, huyện đã phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức sản xuất, xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học công nghệ giúp tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho hộ gia đình. Có thể kể đến một số mô hình, dự án đem lại hiệu quả cao như: Các mô hình trồng lúa lai, cánh đồng một giống; mô hình thâm canh cá tổng hợp với kinh phí hỗ trợ gần 180 triệu đồng; dự án xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu “Gà đồi Phú Bình” với kinh phí hỗ trợ trên 200 triệu đồng…

 

Để giúp các hộ nghèo có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, huyện Phú Bình đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tích cực phối hợp với các ngân hàng tín chấp để vay vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Năm vừa qua, toàn huyện đã có trên 1.000 hộ được vay vốn xóa đói giảm nghèo với tổng số tiền là hơn 25 tỷ đồng, hầu hết số hộ đã sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và đạt hiệu quả tích cực. Điển hình như gia đình chị Hoàng Thị Lý, ở xóm Mới, xã Hà Châu là hộ mới thoát nghèo trong năm vừa qua, trò chuyện với chúng tôi, chị cho biết:  Gia đình tôi có 7 người, thu nhập chủ yếu dựa vào nông nghiệp nhưng do nhà chỉ có 2 sào ruộng, lại không có vốn để phát triển chăn nuôi nên vẫn thường bị thiếu ăn. Để có tiền cho các con ăn học, vợ chồng tôi phải vay mượn bà con làng xóm và đi làm thuê đủ mọi việc. Nhờ được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền 50 triệu đồng, tôi đã đầu tư vào chăn nuôi lợn, bò và mở một cửa hàng sửa chữa xe đạp, xe máy để kiếm thêm thu nhập. Nhờ vậy, kinh tế gia đình tôi dần ổn định, không còn phải chịu cảnh đói ăn như trước, việc học của các cháu cũng được đầu tư hơn.

 

Bên cạnh những chính sách hỗ trợ kinh tế cho hộ nghèo, huyện Phú Bình còn quan tâm đến việc dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo bằng cách thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, ưu tiên lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật và người bị thu hồi đất thuộc các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện. Các nghề được đào tạo chủ yếu là may công nghiệp, chế biến lâm sản, chăn nuôi thú y…Tính từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã có gần 800 lao động được giải quyết việc làm. Ngoài ra, các chính sách xã hội khác như: Cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho người nghèo, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh thuộc hộ nghèo; hỗ trợ tiền điện cho các gia đình khó khăn… cũng được huyện Phú Bình thực hiện đầy đủ, kịp thời.

 

Những năm gần đây, nhờ được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo nguồn vốn từ các chương trình, dự án, cùng với đó là phong trào xây dựng nông thôn mới đã khiến cho bộ mặt nông thôn của huyện Phú Bình có sự đổi thay rõ rệt, nhất là đối với những xã còn khó khăn. Nhiều công trình thiết yếu như: Trường học, nhà văn hóa xóm, đường giao thông nông thôn… được cải tạo, nâng cấp, xây mới, góp phần phục vụ các nhu cầu thiết yếu của nhân dân trong huyện. Đến nay, hệ thống kênh mương, các công trình thủy lợi đã giúp cho các địa phương chủ động được nước tưới cho phần lớn diện tích canh tác lúa và hoa màu. Nhiều tuyến đường giao thông được đổ bê tông rộng rãi, khang trang giúp người dân đi lại dễ dàng, việc giao lưu, mua bán, trao đổi hàng hóa cũng thuận tiện hơn.

 

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo trên địa bàn nên tỷ lệ giảm nghèo của huyện Phú Bình những năm qua luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Trung bình mỗi năm, huyện đã giảm được hơn 1.000 hộ nghèo, tương đương với khoảng 3%. Bà Ngô Thị Hương, Phó phòng Lao động Thương binh-Xã hội huyện Phú Bình cho biết: Để công tác này tiếp tục đạt được kết quả cao, thời gian tới Ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo huyện sẽ tích cực kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên bám sát cơ sở để tìm hiểu nhu cầu của bà con, từ đó có phương thức hỗ trợ kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, động viên các hộ phát triển kinh tế, tập trung khai thác thế mạnh của địa phương để sản xuất hàng hoá; tích cực đưa giống mới vào gieo trồng để đạt năng suất cao…Cùng với đó, huyện Phú Bình cũng kiến nghị với Ban chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh một số đề xuất như: Cần triển khai công tác rà soát phát sinh hộ nghèo, cận nghèo trong năm đối với những hộ gia đình gặp rủi ro bất thường khiến kinh tế bị suy giảm; đối với các hộ nghèo được bình xét đầu năm nhưng trong năm có những thu nhập bất thường như đền bù giải phóng mặt bằng thì cần xem xét đưa vào diện thoát nghèo ngay sau khi được nhận tiền hỗ trợ đền bù…