Hiệu quả từ mô hình lò đốt rác thải gia đình

08:45, 07/04/2015

Với chi phí thấp, dễ thực hiện lại có tính ứng dụng cao, mô hình lò đốt rác thải sinh hoạt gia đình đang được triển khai tại xã Thanh Ninh (Phú Bình) đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo sức khỏe người dân.

Ông Nguyễn Văn Đĩnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Ninh cho biết: Trước đây, khi chưa xây dựng được các lò đốt rác thì người dân chủ yếu vẫn tự tiêu hủy bằng cách đào hố chôn lấp tại vườn nhà hoặc đổ ra lề đường, kênh mương gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và làm mất mỹ quan xóm làng. Trước thực trạng đó, năm 2014, xã đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tiến hành thiết kế và vận động mỗi gia đình hoặc nhóm gia đình xây dựng các lò đốt rác thải, phân loại và xử lý ngay tại nhà. Trong đó, chú trọng đến việc gương mẫu đi đầu thực hiện đối với các cán bộ, đảng viên của xã, để nhân dân thấy được việc thực hiện mô hình là có lợi cho sức khỏe, sạch đường làng ngõ xóm. Đến nay, toàn xã đã xây dựng được hơn 80 lò đốt rác thải sinh hoạt gia đình (chiếm gần 80% số hộ dân trong xã) đặt dọc các tuyến đường chính thuộc 14 xóm trên địa bàn.

 

Theo thiết kế, lò được xây dựng với chiều cao 1,2m, ngăn đốt rác rộng chừng 1m, từ đáy cách mặt đất khoảng 30cm xây gờ để gác tấm lưới bằng thép làm cửa lấy tro và phía trên có mái lợp bằng proximăng tránh mưa… Việc xây dựng lò đốt rác thải to hay nhỏ tùy thuộc vào lượng rác đốt của mỗi gia đình hoặc một cụm hộ gia đình. Khi có rác, người dân chỉ cần bỏ vào lò, dùng một ít củi hoặc lá khô dưới tấm lưới sắt, châm lửa rác sẽ tự cháy hết trong vòng 10-15 phút, rất tiện và đảm bảo môi trường sống của bà con. Trong khi đó, chi phí xây dựng một lò đốt rác không quá cao, từ 150-200 nghìn đồng và người già, trẻ em đều có thể tự làm sạch cho gia đình mình, hàng xóm mà không cần nhiều thời gian và công sức. Từ khi xây dựng các lò đốt rác thải ở hộ gia đình, lượng rác thải sinh hoạt trong xã cơ bản được giải quyết, người dân đã bắt đầu làm quen với việc phân loại rác hằng ngày và xử lý rác đúng nơi quy định.

 

Dọc đường đến xóm Quán, bên cạnh những tuyến đường làng được đổ bê tông sạch sẽ là những lò đốt rác được xây dựng ngăn nắp, rác tại khu vực được thu gom và xử lý đúng quy định. Theo anh Đỗ Anh Vũ, Trưởng xóm Quán thì trước kia dọc đường làng, ngõ xóm thường xuất hiện những bãi rác nhỏ tự phát, do người dân tự ý vứt rác ra đường. Thực hiện chủ trương xây dựng lò đốt rác gia đình, xóm đã giao cho Chi hội Phụ nữ xây dựng thí điểm và vận động bà con cùng thực hiện. Ban đầu chỉ có một vài hộ dân làm theo, tuy nhiên, sau khi thấy được hiệu quả thiết thực từ những lò đốt rác mang lại, cứ 2-3 hộ gia đình trong xóm lại cùng chung nhau xây dựng một lò tùy theo lượng rác thải và đưa vào sử dụng. Hiện nay, bà con trong xóm đã xây dựng được khoảng 20 lò, người dân đã có ý thức thu gom rác thải trong gia đình cho vào lò tiêu hủy, trả lại con đường làng xanh, sạch, đẹp. Thời gian tới, 30 hộ dân trong xóm sẽ tiến hành xây dựng thêm 20 lò đốt rác, vì vậy lượng rác thải sinh hoạt sẽ được giải quyết tốt hơn.

 

Tìm đến gia đình bà Nguyễn Thị Sáu ở xóm Đồng Trong, một hộ dân vừa mới hoàn thành việc xây dựng lò đốt rác, bà phấn khởi cho biết: Mỗi ngày đi chợ về, tôi tính có 4-5 túi bóng nilon đựng thức ăn, trước đây cứ tiện tay vứt ra vườn, vì thế chó mèo tha khắp từ nhà ra ngõ. Lâu nay, gia đình tôi vẫn loay hoay với biện pháp xử lý rác thải gia đình bằng việc tự đào hố chôn lấp trong vườn nhưng tôi thấy chưa thực sự hiệu quả. Bây giờ có lò đốt rác, một số loại rác thải sinh hoạt có thể cháy như: túi nilon, vỏ trứng, giấy vệ sinh... đã được phân loại tại nhà trước khi mang ra lò đốt. Do tận dụng được bao tải để đựng các loại phế thải có thể tái chế như: lon bia, chai lọ bằng nhựa... gom bán đồng nát nên chiếc lò của gia đình được xây dựng với quy mô nhỏ, chiều cao khoảng 1,2m, ngăn chứa rác rộng 1m. Sau khi đốt rác xong, tôi có thể chọn lọc và tận dụng lượng tro để ủ làm phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp. Với chiếc lò đốt này, gia đình tôi đã sử dụng 50kg xi măng, trên 150 viên gạch, một ít cát và 1 ngày công lao động để hoàn thành. Kể từ khi lò đốt rác được đưa vào sử dụng, việc xử lý rác thải sinh hoạt trong gia đình trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn, sân nhà gọn gàng, sạch sẽ”.

 

Đánh giá về hiệu quả của mô hình lò đốt rác thải gia đình trên địa bàn xã Thanh Ninh, ông Dương Ngọc Tuyên, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Bình cho biết: Theo kết quả kiểm định của cán bộ chuyên môn Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, sau gần một năm xã Thanh Ninh đưa mô hình lò đốt rác gia đình vào sử dụng đã bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Việc xây dựng những lò đốt rác này không chỉ nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ môi trường, mà còn góp phần giúp xã hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Với mục tiêu đến hết năm 2015 toàn xã có khoảng 600 lò đốt rác, Thanh Ninh đang tích cực vận động các ban, ngành, đoàn thể trong xã đóng góp kinh phí để hỗ trợ vật liệu xây dựng với mỗi lò là 100kg xi măng. Cùng với đó, xã cũng sẽ tuyên truyền, vận động bà con tiến hành xây dựng các bể chứa rác tại các cánh đồng ở 14 xóm trên địa bàn xã, hạn chế tối đa lượng rác thải trong sản xuất nông nghiệp ảnh hưởng đến đời sống của bà con.