Một gia đình hiếu học

16:35, 01/04/2015

Ở xã 135 Bộc Nhiêu (Định Hóa), chuyện gia đình anh Ma Đình Thủy, Trưởng xóm Bục 4 đang nuôi 4 con học cao đẳng khiến nhiều người không khỏi nể phục và lấy đó là tấm gương sáng trong học tập để giáo dục con cháu.

Ông Thủy chia sẻ: Bao đời nay, gia đình tôi đều gắn bó với đồng ruộng, vất vả quanh năm có lúc cũng chẳng đủ ăn. Qua thực tế được chứng kiến ở nhiều gia đình, tôi nhận thấy, muốn các con sau nay có cuộc sống khấm khá, không phải suốt ngày lấm lem bùn đất thì có lẽ cách tốt nhất là cho con cái chữ. Bởi thế, dù kinh tế gia đình có khó khăn thế nào thì vợ chồng tôi cũng vẫn động viên và tạo mọi điều kiện để các cháu học tập. Hiểu được mong mỏi đó của bố mẹ, các con anh Thủy đều chịu khó, khắc phục khó khăn, bảo ban lẫn nhau để vươn lên trong học tập. Sinh năm 1989, cháu đầu của vợ chồng anh là Ma Thị Ngân đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công Nghiệp Thái Nguyên. 2 chị em sinh đôi năm 1992 là Ma Thị Thanh học Trường Cao đẳng Y Thái Nguyên và Ma Thị Doanh, học Cao đẳng Sư Phạm Thái Nguyên. Em út là Ma Lâm Anh, sinh năm 1993, học Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên. Tuy cách nhau một tuổi nhưng ngay từ khi học tiểu học, cả 3 đều là sinh viên năm cuối.

 

Từ khi học THPT, các con anh đã phải ở nội trú vì trường cách nhà 18km. Nuôi các cháu ăn học tại nhà đã vất vả, đến khi đi học nội trú rồi cao đẳng càng khiến gia đình anh khó khăn hơn, đã có lúc tưởng chừng không thể cầm cự được. Cũng may, Nhà nước có chính sách cho học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để học tập nên vợ chồng tôi cũng đỡ đi phần nào, vì số tiền đó đủ để nộp tiền học phí cho các cháu - anh Thủy chia sẻ.

 

Thời gian trước, vợ chồng anh mở 1 cơ sở chế biến lâm sản nhỏ, nhưng do hoạt động không hiệu quả nên đã phải dừng hoạt động. Vì thế, toàn bộ chi phí trang trải cho các con, vợ chồng anh đều trông cả vào 1,2 mẫu ruộng. Vào thời gian nông nhàn, vợ anh lại tranh thủ về thành phố kiếm việc làm thêm. Vất vả là thế, nhưng nghĩ đến tương lai của các con với nhiều hy vọng tốt lành, vợ chồng anh lại có thêm nghị lực để phấn đấu.

 

Hiện, gia đình anh Thủy vay của Ngân hàng Chính sách xã hội 110 triệu đồng, trong đó có 95 triệu đồng vay theo chương trình học sinh sinh viên, 15 triệu đồng vay theo chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Đối với một hộ cận nghèo, thì đây là số tiền không hề nhỏ. Và chỉ vài tháng nữa thôi là bắt đầu đến kỳ trả nợ của người con đầu. Tuy nhiên, anh Thủy tỏ ra rất tự tin về khả năng trả nợ của gia đình trong thời gian tới, vì anh bảo, 4ha rừng keo mà gia đình anh vay vốn của NHCSXH để trồng đã sắp đến kỳ được thu hoạch, với diện tích này, gia đình anh sẽ có trên 100 triệu đồng. Cùng với đó, cô con gái đầu sau khi ra trường cũng đã xin được việc làm tại Nhà máy SamSung Thái Nguyên với mức lương trên dưới 5 triệu đồng/tháng nên ngoài việc tự lo được cho bản thân, còn có điều kiện hỗ trợ bố mẹ lo cho 3 em ăn học.

 

Nói về tương lai của các con, anh Thủy có rất nhiều dự tính, trong đó  mong ước lớn nhất của anh là sau này các cháu sẽ được về công tác tại địa phương. Đứa nào muốn học tiếp lên đại học, anh cũng đều đồng ý. Anh cũng đang hướng cho cô con gái thứ 2 học Y sau khi ra trường học thêm tiếng Nhật để có thể đi xuất khẩu lao động. Anh Thủy cũng bảo, cho dù không xin được việc ở cơ quan nhà nước hay công ty, nhà máy mà về nhà làm nông nghiệp thì với kiến thức đã được học, cộng thêm sự hiểu biết trong quá trình sinh sống ở chốn thành thị, tôi tin các cháu cũng sẽ biết tìm tòi, áp dụng khoa học kỹ thuật, biết phải trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Bộc Nhiêu nhận xét: Không chỉ chăm chỉ, mạnh dạn trong lao động sản xuất, vợ chồng anh Thủy còn được biết đến là những người có tư tưởng tiến bộ. Bản thân anh Thủy với tư cách là trưởng xóm gần 10 năm luôn nhiệt tình, trách nhiệm với các phong trào của địa phương, góp phần vào thành tích chung của xóm 8 năm liền đạt danh hiệu làng văn hóa. Những gì vợ chồng anh Thủy và các con đạt được khiến nhiều người không khỏi nể phục.