Nơm nớp nỗi lo sập nhà

14:49, 15/04/2015

Hiện nay, khi các khu chung cư (KCC) cũ ở T.X Sông Công còn chưa được giải quyết dứt điểm thì tại T.P Thái Nguyên, hai KCC "già cỗi" là Phù Liễn và Trung Thành với hàng trăm hộ dân sinh sống tại đây lại đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm bởi tính chất nguy hiểm của nó.

Mặc dù lâu nay chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã đưa vấn đề này ra bàn, nhưng đến nay phương án giải quyết hữu hiệu vẫn chưa được thống nhất.   

 

Từ nhiều năm nay, các hộ dân ở hai KCC Phù Liễn và Trung Thành phải sống trong cảnh nơm nớp nỗi lo sập nhà bất cứ lúc nào. Sau 30 - 40 năm đưa vào khai thác, sử dụng mà không được cải tạo lần nào, đến nay cả hai KCC này đều đã xuống cấp nghiêm trọng. Lại một mùa mưa bão đang đến gần, người dân sinh sống ở đây chỉ còn biết từng ngày ngóng chờ sự can thiệp của chính quyền địa phương.

 

Những ngày giữa tháng 4 này, chúng tôi tìm đến KCC Trung Thành (phường Trung Thành, T.P Thái Nguyên) để tìm hiểu thực tế cuộc sống của người dân theo phản ánh của dư luận. Hiện ra trước mắt chúng tôi là 3 tòa nhà 5 tầng cũ kỹ (A1, A2, A3), toàn bộ phần bên ngoài vôi vữa đã bị bong tróc loang lổ, trơ cả gạch ra ngoài. Trên tường, nhiều chỗ cây dương xỉ, cây thân gỗ mọc um tùm trông như những ngôi nhà hoang. Phải vào tận nơi mới biết nơi đây vẫn còn tới gần 200 căn hộ có chủ sinh sống, chỉ khoảng hơn 10 căn là bỏ trống. Bà Trần Thị Kim Loan, công nhân Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã nghỉ hưu, hiện đang sống ở tầng 1 của tòa nhà A2 cho biết: Tôi cùng gia đình sinh sống ở đây từ năm 1984. Từ đó đến nay, chưa bao giờ tôi thấy tòa nhà này được sửa chữa, nâng cấp. Tình trạng xuống cấp của tòa nhà này xuất hiện từ khoảng 10 năm nay. Mặc dù chưa xảy ra tai nạn đáng tiếc nào nhưng gia đình tôi luôn sống trong tình trạng lo lắng, thắc thỏm. Tôi mong muốn được Nhà nước quan tâm cải tạo KCC hoặc có kế hoạch chuyển gia đình đến nơi ở mới...

 

 

Bà Trần Thị Kim Loan, nhà A2, KCC phường Trung Thành: Thu nhập của gia đình tôi chỉ đủ để trang trải sinh hoạt hàng ngày nên có muốn di chuyển đi nơi khác cũng không được. Dù biết là nguy hiểm nhưng vẫn phải bám trụ để ở. Ông Trịnh Đình Uyển, Tổ trưởng tổ dân phố 19, nơi có KCC Phù Liễn: Trước thực trạng xuống cấp nghiêm trọng của KCC. chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm. Hầu hết người dân ở đây đều mong muốn các cơ quan chức năng sớm có biện pháp cải tạo, sửa chữa hoặc có phương án di chuyển hợp lý…

 

Sống tại tầng 3 của tòa A1, bà Nguyễn Thị Vân, 75 tuổi, cũng là công nhân Công ty CP Gang Thép TN đã nghỉ hưu, hiện đang ở một mình. Nhìn cảnh một mình bà Vân ngày ngày quanh quẩn bên trong khu nhà sập sệ, tường rêu mốc xanh, nhiều chỗ bong, nứt toang hoác mà thấy ái ngại. Sau khi dẫn chúng tôi đi thăm mấy dãy phòng cùng hoàn cảnh gần nơi mình ở, bà Vân trăn trở: Sống ở đây ngày nào thì không yên tâm ngày ấy, nhưng bảo đi nơi khác thì biết đi đâu. Đã nhiều lần chính quyền địa phương đến kiểm tra và có ý kiến là sẽ di dời tất cả hộ dân ở đây nhưng mãi không thấy làm gì.

 

Chúng tôi quan sát thấy không chỉ bên ngoài mà toàn bộ phần cầu thang lên xuống bên trong của cả 3 tòa nhà đều đã bị hư hỏng, nhiều đoạn mất cả tay vịn. Trần nhà và ban công xuất hiện từng mảng lớn bê tông bị vỡ, trơ cả khung sắt han gỉ. Những tấm panen gác ngang làm trần dường như đều lộ vết nứt dọc, có tấm cong võng xuống trông rất đáng sợ. Bà Tô Thị Tý, Tổ trưởng tổ dân phố số 8, phường Trung Thành,  nơi các hộ sinh sống trong tòa nhà A3 của KCC cho biết: Đây là KCC được Công ty Gang thép trước đây xây dựng để cho cán bộ, công nhân ở nhưng nay đã thanh lý hoàn toàn cho các hộ dân. Ở đây có khoảng 190 căn hộ, trong đó phần lớn là căn hộ do chủ nhà sử dụng, số còn lại là cho thuê. Số nhân khẩu hiện đang sinh sống tại đây khoảng trên 400 người, trong đó phần lớn là cán bộ, công nhân viên Công ty CP gang thép đang làm việc và đã nghỉ hưu. Mặc dù là chủ nhà nhưng các hộ dân ở đây đều chưa được cấp quyền sở hữu nhà, nhiều hộ đã chuyển nhượng cho nhau nên mất cả giấy thanh lý nhà.

 

Cũng được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước, KCC Phù Liễn tại tổ 19, phường Hoàng Văn Thụ đang xuống cấp rất nghiêm trọng. Tại đây có một tòa nhà 3 tầng và một tòa nhà 5 tầng. Được biết, cả hai tòa nhà có 110 căn hộ với trên 70 hộ sử dụng (khoảng 200 nhân khẩu), trong đó có hộ sử dụng 2 căn. Tòa nhà hiện trong tình trạng cũ nát, không đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu của người dân, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao. Theo quan sát của chúng tôi, bên ngoài cả hai tòa nhà, các bức tường đều bong tróc, từng mảng tường lớn hở trơ gạch bên trong. Rêu mốc, cây xanh mọc um tùm trên các bức tường. Bên trong tòa nhà khá chật chội, tối tăm và ẩm thấp. Nghiêm trọng nhất là toàn bộ đường ống nước thải đã bị tắc không thể sử dụng được nên người dân phải tự lắp đặt những đường ống nước thải mới khiến cho hệ thống ống nước bên ngoài tòa nhà trở nên chằng chịt, rối rắm, rất mất mỹ quan. 

 

Bà Lý Minh Thái, là giáo viên về hưu đang sinh sống tại tầng 4 tòa nhà 5 tầng cho biết: Thỉnh thoảng lại có những mảng bê tông bằng bàn tay người lớn rụng xuống ngoài hành lang, thậm chí có cả những mảng to bằng cái rổ. May mắn là chưa có người nào bị rơi trúng người. Mỗi lần trời mưa, muốn đi ra ngoài là chúng tôi bảo nhau đội mũ bảo hiểm cho an toàn. Mặc dù rất lo sợ nhất là vào mùa mưa, nhưng vợ chồng tôi ở đây đã gần 20 năm nay, giờ chẳng biết phải chuyển đi đâu. Còn chị Lê Thị Hà, hiện đang sinh sống tại tầng 3 tòa nhà thì cho hay: Gia đình tôi có 5 nhân khẩu, sinh sống ở đây hơn 20 năm rồi. Từ khoảng 10 năm trở lại đây, tòa nhà này xuống cấp ngày càng nghiêm trọng, tường xuất hiện một số vết nứt làm nước thấm qua trần chảy xuống nền nhà. Gia đình tôi có trẻ nhỏ nên cứ phải đóng cửa suốt ngày không dám cho lũ trẻ ra ngoài vì hành lang chỗ còn chỗ mất, rất nguy hiểm. Không chỉ riêng gia đình tôi mà các hộ ở KCC này đều sống trong cảnh nơm nớp lo âu vì nguy hiểm luôn rình rập.

 

Theo báo cáo của Sở Xây dựng thì "các công trình được đánh giá (gồm các tòa nhà thuộc hai KCC Phù Liễn và Trung Thành) có bộ phận nguy hiểm cấp C, khả năng chịu lực của một số bộ phận kết cấu không đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường. Nhà có bộ phận kết cấu nguy hiểm. Do vậy cần phải xử lý kết cấu chịu lực chính nhằm đảm bảo an toàn cho công trình cũng như người sử dụng". Tuy vậy, cho đến nay vẫn chưa có phương án xử lý nào đối với hai KCC nói trên.

     (Còn nữa)