Tiếp thêm niềm hy vọng cho người có H.

15:22, 07/04/2015

Gần 30 năm gắn bó với việc chữa trị cho bệnh nhân lao và bệnh phổi, hơn nửa thời gian trong số đó chị đã dành tâm huyết, trách nhiệm của một người thầy thuốc tham gia điều trị lao cho những bệnh nhân nhiễm HIV.

Không chỉ là bác sĩ, chị còn trở thành người bạn, người thân trong gia đình của những bệnh nhân này, tiếp thêm cho họ niềm hy vọng vào cuộc sống. Chị là Bác sĩ Chuyên khoa I - Bác sĩ chính Đinh Thị Phương, Trưởng Khoa Nội 2 (Bệnh viên Lao và Bệnh phổi tỉnh).

 

Khi chúng tôi cùng bác sĩ Phương đến Khoa Nội 2, các bệnh nhân đang trò chuyện tại cửa phòng vui vẻ cất tiếng chào hỏi. Một người khoe: Chị Phương ơi hôm nay em thở nhẹ nhàng hơn rồi, trưa nay còn ăn được 2 bát cơm đấy! Đáp lại họ là nụ cười hồn hậu, lời hỏi han nhẹ nhàng quen thuộc của vị bác sĩ vẫn ngày ngày điều trị cho những bệnh nhân đang mang trên mình “án tử”.

 

Năm 1987, bác sĩ Phương tốt nghiệp trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên và được làm việc tại Bệnh viên Lao và Bệnh phổi tỉnh. Chị bảo: Khi được phân công về Bệnh viện, tôi đã khá lo lắng. Vì trong suy nghĩ của nhiều người lúc đó, bệnh lao và bệnh viện lao là nơi rất đáng sợ, môi trường làm việc, cơ sở vật chất không thuận lợi, thêm vào đó, còn có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh cao. Vượt qua tất cả những khó khăn đó, chị đã quyết tâm gắn bó với công việc điều trị cho những bệnh nhân mắc lao. Năm 2000, bác sĩ Phương được Ban Giám đốc Bệnh viện điều chuyển từ Khoa Cấp cứu sang Khoa Nội 2 và được phân công phụ trách điều trị lao cho bệnh nhân HIV. Bằng kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn cùng sự trách nhiệm, tận tâm của người thầy thuốc, trong suốt 15 năm qua, bác sĩ Phương đã trở thành người bạn của bệnh nhân, giúp họ đẩy lùi bệnh tật cũng như xoa dịu nỗi đau tinh thần. Anh D.T.V, một bệnh nhân HIV đang điều trị tại Khoa Nội 2 cho biết: Những ngày đầu mới vào viện, tôi đã rất suy sụp. Nhưng nhờ sự tận tâm của các y bác sĩ trong khoa, đặc biệt là sự gần gũi, động viên thường xuyên của bác sĩ Phương đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh để tiếp tục điều trị, tiếp tục sống. Còn bệnh nhân H.T.H bộc bạch: Nếu không gặp được bác sĩ Phương và những y, bác sĩ trong Bệnh viện, có lẽ tôi đã buông thả bản thân, để mặc bệnh tật phát triển rồi trở thành nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng hoặc chết trong cô độc. Nhờ được các bác sĩ điều trị, động viên tinh thần, tôi đã có thêm hy vọng vào tương lai.

 

Đa số những bệnh nhân được chuyển đến Khoa Nội 2, đặc biệt là những người nhiễm HIV, bệnh tình của họ đã rất nặng. Không chỉ các bệnh về lao, phổi họ còn mang trong mình nhiều loại bệnh khác. Có nhiều bệnh nhân vẫn nghiện ma túy. Nhiều người trong số đó cứ ra viện rồi lại vào, lần sau bệnh nặng hơn lần trước. Một số người mang theo tâm lý tâm lý bất cần, chán sống, lại bị người thân bỏ mặc nên không tuân thủ phác đồ điều trị. Những lúc như vậy, ngoài việc điều trị bằng thuốc, bác sĩ Phương cùng với những cán bộ khác trong khoa phải thường xuyên trò chuyện, động viên bệnh nhân, dành thời gian ổn định tâm lý, hướng dẫn người bệnh tự chăm sóc bản thân và tránh lây nhiễm cho cộng đồng… Chị Phương chia sẻ: Đối với nhiều người, tiếp xúc với những bệnh nhân lao hoặc HIV là điều họ e ngại nhưng đối với chúng tôi, đó là công việc hết sức bình thường. Khi đã quen và hiểu được những gì bệnh nhân cũng như người nhà đã phải chịu đựng, chúng tôi thấy mình có trách nhiệm hơn trong việc điều trị, xoa dịu nỗi đau cho người bệnh.

 

Nhận xét về chị Phương, Thạc sĩ Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết: Bác sĩ Phương là một trong những bác sĩ dũng cảm, mẫn cán của bệnh viện. Không chỉ trực tiếp điều trị lao, bệnh phổi cho bệnh nhân HIV, chị Phương còn phụ trách điều trị cho bệnh nhân lao kháng thuốc và những bệnh nhân khác. Dù cùng lúc phải đảm đương nhiều nhiệm vụ nhưng chị luôn hoàn thành tốt công việc được giao, cả trong công tác chuyên môn, Đảng bộ hay tham gia các hoạt động phong trào của Bệnh viện. Chị là một trong những tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, gắn bó với bệnh nhân để cán bộ, y bác sĩ trong Bệnh viện học tập.