Tiếp tục tăng cường năng lực cho hệ thống bệnh viện vệ tinh

16:54, 07/04/2015

Đã có 39/46 bệnh viện vệ tinh được UBND các tỉnh phê duyệt dự án bệnh viện vệ tinh. 36/46 bệnh viện có cải thiện cơ sở vật chất hạ tầng; mua sắm bổ sung trang thiết bị phục vụ chuyển giao kỹ thuật. 32/46 bệnh viện đã bổ sung nhân lực để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật: tuyển thêm được 874 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên. 46/46 bệnh viện cử cán bộ đi học để chuẩn bị tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật. 46/46 bệnh viện chuẩn bị các điều kiện tiếp nhận đào tạo và chuyển giao kỹ thuật... Đây là những tín hiệu vui sau hai năm triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020 của ngành y tế.

* Xuất phát từ thực tiễn

 

Từ thực tiễn triển khai đề án thí điểm bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Việt-Đức và Bệnh viện Bạch Mai, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện, Bộ Y tế xây dựng Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020.

 

Đề án đề ra mục tiêu ”Nâng cao năng lực về khám bệnh, chữa bệnh cho các bệnh viện vệ tinh, thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế, giúp người dân được khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao tại các bệnh viện vệ tinh, không phải lên tuyến trên; trước mắt tập trung ưu tiên 5 chuyên khoa Ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản và nhi”.

 

​Đề án đã thiết lập mạng lưới bệnh viện hạt nhân-bệnh viện vệ tinh gồm 14 bệnh viện hạt nhân (Là bệnh viện tuyến trên có đủ năng lực) được giao nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật cho 48 bệnh viện vệ tinh (Là bệnh viện tuyến tỉnh tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật của bệnh viện hạt nhân thuộc 5 chuyên khoa: tim mạch, ngoại chấn thương, ung bướu, sản, nhi).

 

Việc chuyển giao kỹ thuật được triển khai thực hiện từng bước, bao gồm: Tổ chức đào tạo kíp kỹ thuật từ bệnh viện vệ tinh học tại các bệnh viện hạt nhân, chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu do các chuyên khoa của bệnh viện hạt nhân cho các bệnh viện vệ tinh, sau quá trình đào tạo, các kíp kỹ thuật của bệnh viện vệ tinh có thể làm chủ kỹ thuật và có thể tiến hành thực hiện kỹ thuật tại các bệnh viện vệ tinh, nhờ đó, người bệnh không phải chuyển lên tuyến trên.

 

Để việc chuyển giao đạt hiệu quả cao, Đề án còn có các hình thức hỗ trợ khác như: Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đào tạo, hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa; Hỗ trợ trang thiết bị phục vụ chuyển giao kỹ thuật cho cả bệnh viện vệ tinh và hạt nhân. Tổng kinh phí thực hiện Đề án trong giai đoạn 2013-2020 là 2.220 tỷ đồng, trong đó vốn trung ương là hơn 709 tỷ đồng, vốn đối ứng của các địa phương có bệnh viện vệ tinh là hơn 1.535 tỷ đồng...

 

* Những kết quả khả quan

 

​Mặc dù mới triển khai được 2 năm (2013-2014) nhưng những kết quả mà Đề án đã thực hiện được đã mang lại những tín hiệu vui cho ngành y tế, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm quá tải và đảm bảo quyền lợi cho người bệnh.

 

Bộ Y tế đã xây dựng được các tài liệu hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, các tài liệu kỹ thuật phục vụ hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh và tổ chức đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh. Theo báo cáo sơ bộ của các đơn vị đến hết tháng 12/2014: 14 bệnh viện hạt nhân đã tổ chức được 327 lớp đào tạo cho 3.891 lượt cán bộ bệnh viện vệ tinh; chuyển giao 293 lượt kỹ thuật cho 1745 cán bộ, tại thời điểm báo cáo đã chuyển giao hoàn thành 224 kỹ thuật.

 

Bên cạnh lập kế hoạch xây dựng, phát triển hệ thống Telemedicine của bệnh viện vệ tinh và bệnh viện hạt nhân, một số bệnh viện đã tiến hành tổ chức các loại hình đào tạo, hội chẩn từ xa, phản hồi công tác tuyến giúp nâng cao năng lực bệnh viện vệ tinh: Bạch Mai, Việt Đức,…

 

Thông qua việc thực hiện Đề án, các đơn vị đã kiện toàn tổ chức, hoạt động chỉ đạo tuyến của bệnh viện, tăng cường đầu tư trang thiết bị giảng dạy và phục vụ chuyển giao kỹ thuật. Đến nay, đã có 39/46 bệnh viện vệ tinh đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án bệnh viện vệ tinh. 36/46 bệnh viện có cải thiện cơ sở vật chất hạ tầng; mua sắm bổ sung trang thiết bị phục vụ chuyển giao kỹ thuật. Cả nước đã có 32/46 bệnh viện đã bổ sung nhân lực để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật: tuyển thêm được 874 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên. 46/46 bệnh viện cử cán bộ đi học để chuẩn bị tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật. 46/46 bệnh viện chuẩn bị các điều kiện tiếp nhận đào tạo và chuyển giao kỹ thuật...

 

Cũng theo báo cáo của các bệnh viện vệ tinh, tỷ lệ chuyển tuyến năm 2014 so với năm 2012 và 2013 đang có xu hướng giảm, đặc biệt giảm rõ ở những bệnh viện và chuyên khoa trong Đề án bệnh viện vệ tinh. Đã có 37,5% số bệnh viện trong Đề án bệnh viện vệ tinh đang có xu hướng giảm tỷ lệ chuyển tuyến, điển hình như: Bệnh viện A Thái Nguyên; Bệnh viện Bãi Cháy Quảng Ninh; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh; Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang; Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau, Bệnh viện Sản nhi Ninh Bình và Bệnh viện Ung bướu Nghệ An.

 

Kết quả trên đã góp phần làm giảm quá tải của các bệnh viện tuyến trên, ví dụ như Bệnh viện Việt-Đức, Bệnh viện Nhi Trung ương đến nay đã không còn tình trạng nằm ghép một phần là nhờ kết quả giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ các bệnh viện vệ tinh lên tuyến trên.

 

Đặc biệt, nhờ thực hiện Đề án, Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện can thiệp tim mạch, mổ tim hở thường quy, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã làm chủ kỹ thuật can thiệp tim mạch, nhờ đó, cứu chữa kịp thời nhiều ca bệnh cấp cứu, đặc biệt là nhồi máu cơ tim cấp.../.