Tiêu chuẩn vàng chẩn đoán bệnh ung bướu

20:38, 16/04/2015

Chẩn đoán giải phẫu bệnh giữ vai trò quan trọng trong việc điều trị và dự báo diễn biến của bệnh, đặc biệt là các bệnh ung bướu.

Những chẩn đoán này thường được coi là tiêu chuẩn vàng bởi nó xem xét kỹ các hình thái, bản chất của tế bào, từ đó cho kết quả có độ chính xác cao hơn rất nhiều so với các phương pháp lâm sàng hoặc chẩn đoán hình ảnh. Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên (ĐKTWTN) là đơn vị triển khai chuyên khoa giải phẫu bệnh đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Từ năm 1960, giải phẫu bệnh đã được triển khai tại Bệnh viện và đến nay, đơn vị đã thành lập riêng Khoa cận lâm sàng Giải phẫu bệnh với trên 10 cán bộ làm việc thường xuyên hoặc bán chuyên trách.

 

Không ồn ào, tấp nập bệnh nhân như các khoa khác, hơn 10 bác sĩ, kỹ thuật viên của Khoa Giải phẫu bệnh lặng lẽ làm việc trong hai căn phòng nhỏ tại tầng 1 của Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện ĐKTWTN. Xung quanh các bác sĩ là kính hiển vi, máy cắt siêu mỏng và các thiết bị chuyên dụng chứa hóa chất để bảo quản, tạo mẫu bệnh phẩm dùng cho chẩn đoán. Trao đổi với chúng tôi, kỹ thuật viên Đinh Thị Mai Hương cho biết, mỗi mẫu bệnh phẩm sẽ được chuyển tới các kỹ thuật viên để xử lý cố định bệnh phẩm bằng formol, phân tích bệnh phẩm, chuyển sang máy chuyển bệnh phẩm tự động sau đó đúc bệnh phẩm trong nến (paraffin). Từ mẫu bệnh phẩm đúc nến, kỹ thuật viên sẽ dùng máy cắt chuyên dụng cắt lắt bệnh phẩm trong nến thành những lát rất mỏng chỉ 3 đến 4 micromet sau đó cắt rồi dán trên tiêu bản và nhuộm hóa chất trước khi được các bác sĩ đọc kết quả, phân tích tế bào mắc bệnh trên kính hiển vi.

 

Bác sĩ Chuyên khoa I Phạm Văn Thông, Trưởng khoa Giải phẫu bệnh cho biết: Nhờ việc xem xét kỹ hình thái các tế bào và cách sắp xếp của chúng trong bệnh phẩm, bác sĩ giải phẫu sẽ xác định được bệnh và mức độ của bệnh trong cơ thể người bệnh. Đặc biệt trong giải phẫu bệnh ung bướu, bác sĩ giải phẫu bệnh có thể đánh giá mô được xét nghiệm là lành tính hay ung thư và nếu là ung thư thì ở giai đoạn nào. Trong những trường hợp điển hình, bác sĩ giải phẫu bệnh dễ dàng đưa ra các chẩn đoán chính xác để bác sĩ ung thư học lựa chọn biện pháp điều trị thích hợp.

 

Theo bác sĩ Thông, chẩn đoán giải phẫu bệnh là công tác dựa trên việc xem xét các mẫu bệnh phẩm đã được cố định trong formol, chuyển đúc trong nến, cắt thành các lát cắt rất mỏng và nhuộm màu bằng hóa chất với nhiều phương pháp khác nhau. Nói thì đơn giản nhưng chúng tôi mất từ 1 đến 2 ngày để hoàn thành một kết quả giải phẫu bệnh tùy thuộc vào tính chất của bệnh phẩm. Có những bệnh phẩm nhỏ nhưng cũng có bệnh phẩm nặng hàng kg hoặc rất cứng như xương… Trung bình, mỗi ngày, Khoa Giải phẫu bệnh thực hiện được khoảng 50 mẫu bệnh phẩm giải phẫu bệnh cho các khoa trong Bệnh viện và một số cơ sở khám, chữa bệnh khác trên địa bàn. Trong đó, nhiều nhất là những mẫu bệnh phẩm ung bướu.

 

Ngoài Bệnh viện ĐKTWTN, Bệnh viện C là cơ sở y tế tuyến tỉnh đầu tiên trên địa bàn triển khai công tác chẩn đoán giải phẫu bệnh. Nói về tầm quan trọng của giải phẫu bệnh, Thạc sĩ Nguyễn Văn Khương, Trưởng khoa Ung bướu, bác sĩ giải phẫu bệnh của Bệnh viện C cho rằng, giải phẫu bệnh là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh ung bướu. Anh cho biết: Trong chẩn đoán bệnh ung bướu, chẩn đoán hình ảnh chỉ cho kết quả về hình thái nhưng chẩn đoán giải phẫu bệnh mới cho biết bản chất của bệnh. Ví dụ như một u gan thì qua siêu âm có thể thấy khối u nhưng muốn biết u lành hay u ác, nếu u ác thuộc típ mô học gì bắt buộc phải qua giải phẫu bệnh để phân tích tế bào. Phải xác định rõ bản chất bệnh bằng giải phẫu bệnh điều trị mới có hiệu quả. Trong điều trị các bệnh ung bướu, nếu không có giải phẫu bệnh, chúng tôi không đủ điều kiện để chỉ định các phương pháp điều trị chủ yếu cho bệnh nhân là: phẫu thuật, hóa trị hay xạ trị.

 

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Huy Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKTW Thái Nguyên cho biết: Giải phẫu bệnh là một lĩnh vực quan trọng và đặc biệt cần thiết trong các bệnh viện lớn. Trong cơ thể con người khi mắc bệnh cần được chẩn đoán bệnh, chẩn đoán tình trạng bệnh để đưa ra phác đồ, liệu pháp điều trị phù hợp. Nếu không có giải phẫu bệnh thì không thể khẳng định chắc chắn một số bệnh, đặc biệt các các bệnh ung bướu. Sẽ rất nguy hiểm nếu xảy ra chẩn đoán dương tính giả, nghĩa là trường hợp không phải ung thư nhưng bị chẩn đoán là ung thư. Các biện pháp điều trị ung thư bằng hóa trị, xạ trị rất độc hại, do đó chẩn đoán dương tính giả dẫn tới điều trị không đúng gây nguy hiểm cho người bệnh, đặc biệt ảnh hưởng đến tinh thần và sức khoẻ của người bệnh. Nguy hiểm hơn nữa là một số bác sĩ mổ u nhưng không gửi xét nghiệm giải phẫu bệnh hoặc không có điều kiện để gửi xét nghiệm vì địa phương không có phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh dẫn tới nguy cơ gây tử vong cho người bệnh ngay trên bàn mổ.

 

Phải nói rằng chẩn đoán giải phẫu bệnh trong một số trường hợp là rất khó, người bác sĩ giải phẫu bệnh phải có thái độ thực sự cầu thị. Với một bệnh phẩm, để kết quả chính xác thì phải có được các tập thể bác sĩ giàu kinh nghiệm trong chẩn đoán, hợp tác một cách khoa học, có sách, cập nhật thường xuyên kiến thức qua mạng, được đầu tư các kỹ thuật hiện đại, đặc biệt hoá mô miễn dịch. Một điều cũng cần nói đến là rất nhiều bác sĩ giải phẫu bệnh rất tận tâm với ngành nghề nhưng phải chịu rất nhiều thiệt thòi do môi trường làm việc độc hại, chính vì thế, chúng tôi luôn dành sự quan tâm tới các cán bộ giải phẫu bệnh, khuyến khích, động viên để họ tâm huyết cống hiến cho công tác y tế, góp phần thiết thực làm nên tiêu chuẩn vàng cứu chữa người bệnh.