Phát tích từ thời đại Hùng Vương dựng nước, rừng quốc gia Đền Hùng (Phú Thọ) bao trùm Khu di tích lịch sử Đền Hùng với hệ sinh thái động, thực vật đa dạng, phong phú.
Chỉ tính riêng tại núi Nghĩa Lĩnh có tới 636 loài thực vật thuộc 429 chi của 144 họ. Trong đó có 15 loài quý hiếm, có giá trị khoa học như: trầm hương, kim giao, gõ đỏ, sến mật, lát hoa, chò nâu, giáng hương... Nhiều cây có tuổi đời cao như cây Thiên tuế trên 800 tuổi và hàng trăm cây từ 100 đến 500 tuổi; cây Chò nâu cao 30 mét, đường kính gốc 80cm... là minh chứng của sức sống, thể hiện sự trường tồn của dân tộc Việt. Với những giá trị ấy, ngày 12/7/2002 , Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập rừng quốc gia Đền Hùng.
* Hội tụ rừng cây ba miền
Rừng quốc gia Đền Hùng đã được bảo tồn, tôn tạo, làm giàu hệ sinh thái thông qua dự án “Hỗ trợ khôi phục hệ sinh thái rừng nhiệt đới Khu di tích lịch sử Đền Hùng”. Dự án được thực hiện từ năm 1997 đến năm 2000 đã mang lại hiệu quả tốt. Rừng Đền Hùng không còn khoảnh đất trống. Hàng chục héc ta cây bản địa nay đã tốt tươi, cành lá đan xen nhau đã thay thế cho cây bạch đàn trước kia, trồng ở chân núi Nghĩa Lĩnh, đồi Ngự, ngã ba vào Đền Giếng và các đồi chung quanh. Những cây tiêu biểu cho làng quê như đa, gạo, si, bồ đề, trám được trồng trên đường lên đền Thượng và quanh núi Hùng, đường vào đền Giếng...
Để tận mắt chứng kiến những hàng cây khổng lồ tươi tốt, chúng tôi được ông Lưu Quang Huy, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng dẫn đi từ chân núi Nghĩa Lĩnh xuống đền Giếng, vừa đi ông Huy vừa giới thiệu từng loại cây cụ thể, kể cả những cây bị cưa, chặt bỏ... Ông Huy cho biết: rừng quốc gia Đền Hùng có tổng diện tích 538 ha, trong đó có 32 ha thuộc diện tích bảo vệ nghiêm ngặt chủ yếu tập trung ở trên núi Nghĩa Lĩnh, núi Vặn và núi Trọc với một tập đoàn cây bản địa, nhiều loại cây gỗ quý hiếm trăm tuổi, tầng tầng, lớp lớp đua nhau vươn cao, thế thẳng, tán tròn, tạo thành một hệ thực vật phong phú về chủng loại, đa dạng về sinh học. Rừng quốc gia Đền Hùng như một viên ngọc bích khổng lồ giữa thành phố công nghiệp đang phát triển...
Vào thăm vườn cây lưu niệm số 1 nằm sát khu đồi vải với diện tích 3 ha là nơi để các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước hướng về Đất Tổ. Sau 10 năm trồng, rừng cây phát triển rất nhanh, hội tụ các chủng loại cây của ba miền Bắc, Trung, Nam. Hơn 300 cây của hơn 60 tỉnh, thành phố, 54 dân tộc anh em và của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trồng ở Vườn quốc gia Đền Hùng tiêu biểu cho sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đã được hun đúc, nay đang phát triển tại vùng đất thiêng.
* Rừng Đền Hùng được bảo vệ nghiêm ngặt
Từ lâu, rừng quốc gia Đền Hùng được biết đến với hệ thống di tích các ngôi đền, lăng tẩm trên núi Hùng (Nghĩa Lĩnh) và nhiều ngồi đền khác như đền Mẫu Âu Cơ, đền quốc Tổ Lạc Long Quân… Từ khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu rừng quốc gia Đền Hùng đến nay, các ngành chức năng tỉnh Phú Thọ đã phối hợp, triển khai và thực hiện hiệu quả việc cải tạo rừng bạch đàn để trồng mới 6,7 ha cây bản địa với 80 loài cây (như: xi, lim, đa, lát, sấu, trám, kim giao…). Khu rừng bản địa này cây sinh trưởng và phát triển tốt, tạo nên hệ sinh thái và thảm thực vật khá đặc trưng. Khu cũng đã trồng bổ sung các loại cây gỗ quý, cây sinh cảnh vào diện tích rừng 30 ha thuộc núi Nghĩa Lĩnh, bổ sung 18.000 cây các loại vào diện tích 45 ha Khu núi Vặn. Ngoài vườn cây lưu niệm quốc gia, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng vườn ươm 7 ha với mục tiêu cung cấp nguồn cây giống và bảo vệ nguồn gen của cây rừng Đền Hùng, phục vụ trồng và phát triển rừng quốc gia Đền Hùng theo quy hoạch.
Khu di tích lịch sử Đền Hùng cũng đã trồng, cải tạo 2 khuôn viên cũ 10 ha trồng xà cừ, bạch đàn sang trồng cây bản địa, cây sinh cảnh, hoa các loại và thảm cỏ. Trồng mới hàng chục ha tại khuôn viên đền thờ Lạc Long Quân và khu hồ cảnh quan; đồng thời trồng bổ sung, trồng mới hàng nghìn cây bóng mát, cây sinh cảnh trên các trục đường vào Khu di tích…
Ông Lưu Quang Huy, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: Cùng với việc trồng, chăm sóc, tu bổ, rừng quốc gia Đền Hùng luôn được bảo vệ nghiêm ngặt. Khu di tích lịch sử Đền Hùng có Phòng quản lý rừng với 45 cán bộ, viên chức và người lao động chuyên làm công tác chăm sóc, tu bổ, bảo vệ rừng. Đặc biệt, Khu di tích đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã có rừng và ký hợp đồng chăm sóc, bảo vệ rừng với 18 hộ dân của xã Hy Cương nhằm tạo sức mạnh tổng hợp trông coi, bảo vệ rừng. Ngoài ra, Đồn Công an thành phố Việt Trì tại Đền Hùng cũng tăng cường thêm 1 đội cảnh sát bảo vệ mục tiêu, bảo vệ Khu di tích lịch sử Đền Hùng, trong đó có bảo vệ rừng quốc gia…
Theo ông Đinh Ngọc Tĩnh, Trưởng Phòng quản lý rừng Đền Hùng, Ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tuần tra, kiểm tra để bảo vệ, giữ gìn tuyệt đối rừng quốc gia đặc dụng đền Hùng, nhất là khu vực Tam sơn cấm địa, nơi đang tọa lạc các công trình di tích thờ cúng các vua Hùng. Bên cạnh đó thường xuyên xây dựng phương án, chủ động phòng cháy chữa cháy rừng. Nhờ vậy, hơn 500 ha rừng Đền Hùng luôn được bảo vệ, giữ gìn và ngày càng phát huy giá trị.
Rừng Quốc gia Đền Hùng được bảo vệ nghiêm ngặt, công tác trồng, chăm sóc, bảo tồn hệ thực vật được đặc biệt quan tâm. Đến nay, hệ sinh thái đặc trưng của khu rừng cấp quốc gia đã hình thành, sinh sôi và phát triển đã khẳng định sự đa dạng sinh học đang phục hồi từng ngày theo hướng phát triển bền vững.
Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để các ngành chức năng, các cấp chính quyền nâng cao nhận thức, ý thức, xây dựng kế hoạch, chủ động và tích cực hơn nữa trong việc tuần tra, bảo vệ rừng và công tác phòng chống cháy rừng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc giữ gìn và phát huy tài nguyên rừng quốc gia Đền Hùng; có chính sách hợp lý để người dân xung quanh rừng nâng cao nhận thức và tích cực bảo vệ rừng…
Về thăm Đền Hùng, thắp nén tâm nhang tri ân công đức các Vua Hùng, hòa mình trong cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của núi rừng Nghĩa Lĩnh, mỗi một thế cây, nhành hoa, ngọn cỏ trong quần thể hệ sinh thái rừng quốc gia Đền Hùng đều như có cốt cách gắn liền với dấu ấn lịch sử và thời gian, cùng với các công trình văn hóa, các đền, chùa, lăng tẩm tạo nên sự linh thiêng đặc biệt của Khu di tích lịch sử Đền Hùng./.