Để nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội

16:45, 06/05/2015

Thời gian qua, công tác giám sát và phản biện xã hội đã được Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp trong tỉnh thực hiện thường xuyên và có những đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, trên thực tế, vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ còn tương đối mờ nhạt. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, năm 2015, MTTQ đã lên phương án đổi mới, nâng cao chất lượng của công tác giám sát và phản biện xã hội.

 

Năm 2015 là năm đầu tiên MTTQ thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội một cách độc lập. Theo ông Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Vì là năm đầu tiên thực hiện nên bước đầu, chúng tôi gặp một số khó khăn nhất định. Đây là một nhiệm vụ mới và khó, trước đó, chưa có mô hình thực tiễn cụ thể để áp dụng, học tập. Vì vậy, việc tổ chức thực hiện giám sát và phản biện xã hội của MTTQ các cấp hiện nay chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và nhận thức của từng cá nhân, đơn vị. Thêm vào đó, nhận thức về vai trò giám sát, phản biện của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở một số cấp ủy chưa cao, chất lượng đội ngũ làm công tác mặt trận chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Cùng với đó, kinh phí cũng là một trong những yếu tố khiến cho việc triển khai giám sát và phản biện xã hội còn hạn chế.

 

Còn theo ông Ngô Trung Đình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Phổ Yên, khó khăn lớn nhất trong thực hiện giám sát và phản biện xã hội là yếu tố con người. Ông Đình cho biết: Những người tham gia giám sát, phản biện xã hội phải có hiểu biết tương đối sâu về lĩnh vực mình giám sát cũng như chính sách, pháp luật liên quan tới lĩnh vực đó. Họ cũng phải là những người có trách nhiệm, tâm huyết với công việc, có uy tín với nhân dân.

 

Trên thực tế, những năm trước đây, MTTQ các cấp đã thường xuyên kết hợp với các đơn vị, như: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các Ban của HĐND, Viện Kiểm sát Nhân dân… Để thực hiện các cuộc giám sát về các nội dung: chính sách ưu đãi đối với người có công trong cách mạng; giám sát tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật; chính sách pháp luật về giảm nghèo... Từ đó, công tác giám sát bước đầu đã có một số đóng góp nhất định trong việc bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Còn đối với nhiệm vụ phản biện xã hội, sự tham gia cũng như vai trò của MTTQ các cấp còn khá mờ nhạt.

 

Cuối năm 2013, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và Quyết định số 218-QĐ/TW về “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền”. Thực hiện theo các quyết định trên, Ủy ban MTTQ tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quy chế và tổ chức tập huấn triển khai thực hiện các quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị cho Ban thường trực ủy ban MTTQ các huyện, thành, thị và Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp xã, Trưởng ban Công tác Mặt trận cấp xóm trong toàn tỉnh. Trong năm 2014, Ủy ban MTTQ tỉnh đã mở 20 lớp tập huấn cho trên 1.200 cán bộ mặt trận các cấp về nội dung công tác giám sát và phản biện xã hội.

 

Trong năm 2015, Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng kế hoạch tập trung giám sát theo 2 chuyên đề: xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường tại một số điểm khai thác khoáng sản, xử lý rác thải và giải quyết một số đơn thư khiếu nại, tố cáo phúc tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, MTTQ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giám sát thường xuyên tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, kỳ họp của HĐND tỉnh, các buổi đối thoại của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền với đại biểu cử tri… Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ cấp huyện sẽ lựa chọn nội dung giám sát riêng, phù hợp với mong muốn của nhân dân địa phương cũng như yêu cầu thực tế và khả năng của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Đối với công tác phản biện, Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên, các Hội đồng tư vấn thực hiện việc phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản của cấp ủy và chính quyền theo nội dung, trình tự thủ tục quy định.

 

Giám sát và phản biện xã hội là hoạt động nhằm phát huy tính dân chủ, đảm bảo quyền, lợi ích của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, đồng thời, củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Để MTTQ các cấp phát huy được vai trò trong công tác giám sát và phản biện xã hội, thiết nghĩ, cần sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ có đủ năng lực, trách nhiệm làm công tác mặt trận. Bên cạnh đó, cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm từ thực tiễn để đáp ứng được yêu cầu, nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội trong giai đoạn mới.