Giải pháp quan trọng cho đầu tư phát triển

18:33, 05/05/2015

Những năm gần đây, Thái Nguyên được biết đến là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tích cực, hiện đại, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, an sinh xã hội được đảm bảo…

Tuy nhiên, do quy mô ngân sách của tỉnh còn nhỏ, việc huy động nguồn lực tập trung cho những công trình trọng điểm, tạo bước đột phá về phát triển KT-XH của tỉnh còn hạn chế, nên một trong các biện pháp được tỉnh đưa ra trong năm 2015 này là phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (TPCQĐP) nhằm huy động các nguồn vốn ngoài xã hội, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi đầu tư phát triển, qua đó sẽ có thêm điều kiện để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước…

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Nhu cầu vốn đầu tư của tỉnh hiện rất cấp thiết. Do đó, căn cứ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng thu NSNN trên địa bàn những năm gần đây (20%/năm), UBND tỉnh quyết định sẽ phát hành số lượng trái phiếu năm 2015 là 1.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 6 công trình, dự án trọng điểm, gồm: Đường nối quốc lộ 3 mới (Hà Nội - Thái Nguyên) đến KCN Yên Bình I, tỉnh Thái Nguyên (đoạn từ km3+396,6 đến ĐT261); dự án Thoát nước và xử lý nước thải T.P Thái Nguyên; công trình Quảng trường Võ Nguyên Giáp; dự án hỗ trợ giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng KCN; dự án nâng cấp đê Hà Châu chống lũ, kết hợp làm đường giao thông phục vụ phát triển dân sinh; dự án Đường đô thị ven bờ sông Cầu (đoạn 3km thuộc địa phận T.P Thái Nguyên). Nói về tầm quan trọng từ nguồn vốn TPCQĐP ở mỗi công trình, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đơn cử như Dự án Thoát nước và xử lý nước thải T.P Thái Nguyên có tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng, đã được triển khai từ năm 2010 và theo hiệp định vốn vay ODA sẽ phải hoàn thành trong năm 2015. Đến nay, các nguồn vốn ODA, vốn đối ứng ODA của Trung ương đã cơ bản được cấp đủ. Số tiền còn lại 274 tỷ đồng tỉnh ta phải đối ứng bằng nguồn ngân sách địa phương thì đang gặp khó khăn. Do đó, trong kế hoạch phát hành TPCQĐP của tỉnh lần này dự kiến sẽ dành 150 tỷ đồng cho Dự án, số còn lại vốn ngân sách sẽ cấp 36 tỷ đồng, huy động từ vốn khác 61 tỷ đồng.

 

Hay như Công trình Quảng trường Võ Nguyên Giáp: Tại Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 18-5-2014, HĐND tỉnh đã thông qua việc đổi tên từ Quảng trường 20-8 T.P Thái Nguyên thành Quảng trường Võ Nguyên Giáp. Việc đổi tên này đã đáp ứng được lòng mong mỏi của đông đảo quần chúng nhân dân đối với người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam - một trong những người “khai quốc công thần”. Ngoài ý nghĩa nhân văn đó, việc mở rộng Quảng trường Võ Nguyên Giáp cũng sẽ tạo ra không gian, cảnh quan đẹp để phục vụ các hoạt động sinh hoạt chính trị, văn hóa quan trọng của các cấp chính quyền địa phương cũng như của quần chúng nhân dân trong tỉnh… Tuy nhiên, đã gần 1 năm trôi qua, tỉnh ta vẫn chưa thực hiện được việc đầu tư, mở rộng Quảng trường cho tương xứng với tầm vóc công trình, cũng như với công lao của Đại tướng, mà nguyên nhân chủ yếu là do nguồn ngân sách của tỉnh còn eo hẹp. Theo kế hoạch, công trình có tổng mức đầu tư 162 tỷ đồng, trong đó vốn TPCQĐP sẽ dành 100 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách.

 

Tương tự, đối với các công trình, dự án còn lại đều có ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc tạo điểm nhấn về hạ tầng, tác động tích cực đến việc kích cầu, thu hút vốn đầu tư, từ đó tăng thu cho ngân sách nhà nước... Theo kế hoạch, toàn bộ số vốn trái phiếu sẽ được thanh toán vào năm 2020. Khi đó, số thu ngân sách của tỉnh dự kiến sẽ đạt ít nhất 16,2 nghìn tỷ đồng, do đó khả năng trả nợ của tỉnh đối với khoản vay này là hoàn toàn khả thi.

 

Đồng chí Dương Ngọc Long cũng cho biết: Khi UBND tỉnh đưa ra danh mục 6 công trình dự kiến được đầu tư một phần bằng nguồn TPCQĐP, một số ý kiến cho rằng cần đầu tư cả những công trình thuộc lĩnh vực khác như văn hóa, giáo dục, y tế, nông thôn mới... Tuy nhiên, các dự án thuộc những lĩnh vực này cũng đã và đang được tỉnh đầu tư trong kế hoạch 2011-2015 và tiếp tục đưa vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 từ các nguồn vốn chương trình mục tiêu, ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn vốn vay nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác. Trong khi đó, nguồn vốn dành cho đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh lại rất hạn chế, làm ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng kích cầu, thu hút đầu tư... Do đó, UBND tỉnh quyết định sẽ dành toàn bộ số tiền phát hành TPCQĐP lần này cho đầu tư xây dựng cơ bản.

 

Theo Đề án, trái phiếu được xem là một loại chứng khoán nợ, có thời gian 5 năm, xác nhận nghĩa vụ trả nợ của UBND tỉnh đối với người sở hữu trái phiếu, theo mệnh giá và lãi suất danh nghĩa. Sở Tài chính là cơ quan được UBND tỉnh ủy quyền tổ chức phát hành trái phiếu, trong đó bao gồm cả việc ký hợp đồng với các tổ chức bảo lãnh phát hành trái phiếu; tổ chức đăng ký, lưu ký, thanh toán gốc, lãi trái phiếu; tổ chức niêm yết trái phiếu theo quy định. Đối tượng mua TPCQĐP là các tổ chức, cá nhân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các tổ chức, cá nhân nước ngoài làm việc và sinh sống hợp pháp tại Việt Nam. Ngoài việc được thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc và lãi theo quy định, chủ sở hữu trái phiếu còn có quyền dùng trái phiếu để chuyển nhượng, tặng, cho, để lại thừa kế hoặc cầm cố trong các quan hệ tín dụng và quan hệ dân sự theo quy định của pháp luật hiện hành. Tiền lãi trái phiếu sẽ được thanh toán mỗi năm 1 lần kể từ ngày phát hành; tiền gốc được thanh toán một lần vào ngày trái phiếu đáo hạn. UBND tỉnh có thể mua lại trái phiếu trước hạn để giảm nghĩa vụ nợ hoặc để cơ cấu lại nợ.

 

Do khối lượng phát hành trái phiếu của tỉnh vượt khoảng 2 lần theo quy định nên nếu được HĐND tỉnh thông qua lần này sẽ là căn cứ để UBND tỉnh trình Bộ Tài chính để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ. Chỉ khi được sự chấp thuận của Thủ tướng thì UBND tỉnh mới thực hiện việc phát hành TPCQĐP với số lượng 1.000 tỷ đồng.