Giúp những phụ nữ bất hạnh hòa nhập cộng đồng

15:46, 27/05/2015

Vì cuộc sống ở quê vất vả, một số phụ nữ đã tin về một viễn cảnh tươi sáng và nghe lời kẻ xấu đi lao động ở Trung Quốc nhưng kết cục là bị bán, mất tự do và vắt kiệt sức lao động nơi xứ người. Nhớ nhà, nhớ người thân, họ đã tìm cách trở lại Việt Nam nhưng cuộc sống của họ còn lắm nỗi gian nan.

Sau 24 năm bị lừa bán 2 lần làm vợ (không đăng ký kết hôn) sang Trung Quốc, chịu đủ mọi hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần, ngày 28-4-2015, bà Nguyễn Thị Đào mới được trở về đoàn tụ với gia đình. Nhưng, chồng bà đã chết vì căn bệnh hiểm nghèo, Hai người con cũng bị chết vì nghiện ma túy. Hiện, bà ở cùng con dâu cả và hai cháu nội ở xóm Phúc Tài, xã Phúc Thuận (con trai cả là Nguyễn Văn Hùng đang đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan).

 

Ông Tạ Văn Hồng, xóm A1, Thị trấn Bắc Sơn (Phổ Yên) trước là hàng xóm của bà Đào cho biết: Ban đầu gặp lại, chúng tôi không thể nhận ra chị Đào nữa, chị ấy quá gầy gò, tiều tụy so với hơn 20 năm trước. Trở về nhà, thấy gia đình tan nát cả, chị ấy như người mất hồn.

 

Bà Đào có khuôn mặt khắc khổ, làn da sạm nắng, đuôi mắt đầy vết chân chim. Nhiều năm sống ở Trung Quốc nên bà nói lơ lớ, pha giọng. Bà kể lại thời điểm mình bị bán: Năm 1991, nông trường chè Bắc Sơn giải thể, bà không có việc làm lại một nách nuôi 3 con rất khó khăn. Một lần, đi hái chè thuê ở khu vực Đầm Ban, xã Phúc Thuận, bà gặp một người phụ nữ ngon ngọt rủ sang làm thuê bên Trung Quốc, có thu nhập khá. Vậy là bà Đào khăn gói đi theo, chắc mẩm chỉ làm một thời gian lấy ít vốn rồi về quê. Nào ngờ đến nơi, bà mới biết mình bị bán “làm vợ” một gia đình ở tỉnh Quảng Tây. Bất đồng về ngôn ngữ, ngày làm đồng vất vả, tối về bị giam trong căn buồng nhỏ, đi đâu một bước cũng có người giám sát, bà Đào sống mà như đã chết. Đêm đêm, trong giấc ngủ chập chờn, bà cạn khô nước mắt vì nỗi nhớ quê, nhớ con luôn dày vò. 5 năm sau, bà Đào tiếp tục bị lừa bán làm vợ lần thứ hai (không đăng ký kết hôn) ở tỉnh Quảng Đông. 10 năm sống với “chồng hờ”, bà Đào đã trốn ra và gặp người phụ nữ Việt Nam xin việc ở Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi. Đến cuối năm 2014 bà Đào và gia đình ở Việt Nam mới liên lạc với người quen và lên kế hoạch trốn về.

 

Cũng giống như bà Nguyễn Thị Đào, chị Nguyễn Ngọc Lan (tên gọi khác: Nguyễn Thị Thanh) ở xóm Bãi Hu, xã Phúc Thuận cũng bị lừa bán làm “vợ” sang Trung Quốc từ năm 1990. Hôn nhân không tình yêu, không đăng ký kết hôn nhưng chị cũng đã có một con gái sinh năm 1992, một con trai sinh năm 1995 cùng người chồng này. Chị cho biết: Không có bất cứ giấy tờ tùy thân gì, chấp nhận làm vợ chẳng giấy hôn thú nhưng nhiều năm ở đó tôi không bị công an địa phương hỏi han gì. Bởi nơi tôi ở là một vùng quê hẻo lánh, đàn ông có hoàn cảnh rất khó lấy vợ. Tháng 11-2010, nhờ sự giúp đỡ của một số người quen, chị Lan đã  trở về gia đình anh trai ruột tại xóm Bãi Hu, Phúc Thuận.

 

Ông Trần Ngọc Hà, Trưởng Công an xã Phúc Thuận cho biết: Vào những năm 1990, đời sống của nhân dân địa phương gặp nhiều khó khăn. Lợi dụng tình trạng này, một số kẻ xấu đã dùng chiêu bài đi làm ăn với lợi ích kinh tế cao để lừa bán phụ nữ sang Trung Quốc. Đa số chị em bị bán sang đó làm vợ không có giấy kết hôn, chịu cuộc sống mất tự do, tủi cực.

 

Theo hồ sơ quản lý của Công an xã Phúc Thuận, từ năm 1990-2009 có trên 50 phụ nữ trên địa bàn xã đã bị lừa bán sang Trung Quốc, một số người trở về địa phương, còn lại bặt vô âm tín. Trong số ít người có cơ hội trốn về quê, đều trong tình trạng sức khỏe yếu, bệnh tật đầy mình do phải lao động quá sức. Như bà Trần Thị Thơ, sinh năm 1962, xóm Ấp Lươn (bị bán năm 1995, về 2009) đã chết năm 2014 vì bệnh nặng. Hay chị Nguyễn Thị Chai, sinh năm 1971, xóm Đức Phú, bị bán năm 1991, về năm 2007 và chị Nguyễn Thị Thanh (Nguyễn Ngọc Lan), sinh năm 1973, năm 2010 trở về quê sau 20 năm lưu lạc nhưng vì quá nhớ con nên hai chị đều đã quay trở lại Trung Quốc sau đó. Chị Đỗ Thị Dự, xóm Coong Lẹng, sinh năm 1982 bị bán năm 1998, về năm 2009 sau đó bị công an Trung Quốc bắt khi vượt biên trái phép đến nay không về quê và cũng không có thông tin gì…

 

Nói về nguyện vọng của mình, bà Nguyễn Thị Đào bảo: Tôi chỉ mong cơ quan công an vào cuộc điều tra, làm rõ, xử lý những người đã lừa bán tôi thật nặng để tôi và nhiều phụ nữ bất hạnh khác được phần nào an ủi. Tôi giờ tuổi đã cao, sức khỏe yếu nên chỉ muốn tìm được công việc phù hợp để làm và sống hạnh phúc cùng con cháu…

 

Tâm sự của bà Đào cũng là nỗi lòng của hầu hết những phụ nữ ở xã Phúc Thuận đã từng bị bán sang Trung Quốc sau khi trốn thoát trở về. Đối diện với thực tế nhiều khó khăn hiện tại, họ đều có chung nguyện vọng, mong muốn được hỗ trợ vốn làm ăn; giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng; tạo điều kiện để được đào tạo việc làm; cấp thẻ bảo hiểm xã hội khám chữa bệnh...

 

Căn cứ vào các quy định của pháp luật cũng như văn bản hướng dẫn của ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm chỉ đạo giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng. Trước hết, sau khi người dân có đơn trình báo, Công an xã đã nhanh chóng làm thủ tục tiếp nhận, làm chứng minh nhân dân, hộ khẩu bổ sung cho họ - Ông Trần Ngọc Hà cho biết thêm.

 

Còn bà Phạm Thị Phượng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phúc Thuận cho rằng: Chúng tôi vẫn luôn chỉ đạo các chi hội phụ nữ tăng cường công tác tuyên truyền về tình trạng buôn bán người để hội viên phòng tránh. Hội đều thăm hỏi, động viên, nắm thông tin và có đơn đề nghị Hội cấp trên sớm có hình thức hỗ trợ theo các dự án với những chị em trở về. Cũng mong người dân có cái nhìn bao dung, yêu thương, sẻ chia hơn với những phụ nữ đã về địa phương để họ không thấy xa lạ, cô đơn trong chính ngôi nhà, quê hương của mình và sớm ổn định đời sống...