Không “bỏ rơi” người lao động trong khó khăn

08:29, 01/05/2015

Trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế những năm gần đây, người lao động trong các doanh nghiệp (DN) phải đối diện nhiều hơn những nguy cơ như mất việc làm, thu nhập sụt giảm, bị nợ lương hay các loại bảo hiểm…

Trong bối cảnh đó, điều đáng ghi nhận là phần lớn DN tại tỉnh ta đã thể hiện sự nỗ lực nhằm duy trì hoạt động, đặc biệt là đảm bảo việc làm và quyền lợi của người lao động.

 

Đối với nhiều chủ DN thì việc thực hiện đúng, đủ các chế độ cho người lao động, nhất là trong giai đoạn khó khăn không chỉ đơn thuần là tuân thủ các quy định của pháp luật mà còn nhằm “giữ chân” lao động. Chị Lưu Thị Tuyết, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH An Lộc Sơn cho rằng, nguồn nhân lực là thứ tài nguyên quan trọng đối sự tồn tại và phát triển của bất cứ DN nào. Vì vậy, cùng với coi trọng khâu tuyển dụng và đào tạo, chúng tôi luôn quan tâm thực hiện tốt các chế độ cho người lao động. Điển hình là trong giai đoạn khó khăn nhất đối với Công ty (những năm 2011-2013), chúng tôi vẫn tăng lương đều đặn cho người lao động theo cam kết, từ 3,1 triệu đồng lên 4,3 triệu đồng/người/tháng. DN có thể tạm thời lỗ vốn, đầu ra ế ẩm nhưng không thể chậm lương và “quỵt” các chế độ của người lao động, đó là phương châm của chúng tôi. Khi quyền lợi và đời sống của người lao động được đảm bảo, họ sẽ tin tưởng, yên tâm gắn bó và dốc sức vì DN – Chị Tuyết khẳng định. Cũng với quan điểm đó, Công ty TNHH Thương mại Hà Căn (kinh doanh sắt thép xây dựng) vẫn thực hiện tăng lương trung bình thêm 500 nghìn đồng/người/tháng cho người lao động trong năm 2012, giai đoạn DN này gặp nhiều khó khăn nhất về đầu ra.

 

Với các DN trong ngành may mặc thì việc giữ người lao động càng có ý nghĩa sống còn, bởi việc cạnh tranh nguồn lao động phổ thông trên địa bàn ngày một gay gắt khi các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đang “đổ bộ” dầm dộ vào tỉnh ta. Chia sẻ về vấn đề này, anh Nguyễn Viết Hạnh, Giám đốc Công ty CP may Thành Hưng cho biết: Những năm 2012-2013, Công ty gặp vô vàn khó khăn vì thị trường may mặc thế giới “xuống dốc không phanh”, chúng tôi đã chấp nhận lỗ vốn, ra sức “nhặt nhạnh” từ những đơn hàng nhỏ để cầm cự sản xuất, duy trì việc làm cho gần 200 lao động. Dù khó khăn chồng chất, Công ty không những vẫn trả lương đầy đủ, đảm bảo các chế độ mà còn tăng lương đều đặn cho người lao động bằng các nguồn huy động bên ngoài. Hiện thu nhập bình quân của người lao động đạt khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 30% so với cùng kỳ, tiền ăn ca tăng từ 12 nghìn đồng lên 14 nghìn đồng/suất.

 

Chị Dương Thị Luận, một công nhân của Công ty CP may Thành Hưng nói: Tôi hiểu những khó khăn của Công ty và luôn tin tưởng Ban Giám đốc sẽ có những giải pháp để vượt qua. Hiện thu nhập trung bình của tôi được gần 4 triệu đồng một tháng, việc làm ổn định. Đó là điều quan trọng nhất để tôi tiếp tục gắn bó với Công ty.

 

Theo anh Nguyễn Việt Thắng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển TDT (sản xuất hàng may mặc xuất khẩu), có 2 yếu tố quyết định để người lao động gắn bó với DN là thu nhập và môi trường làm việc. Vì vậy, từ khi đi vào hoạt động năm 2012 đến nay, dù vẫn gặp nhiều khó khăn nhưng Công ty TDT luôn thực hiện đầy đủ các chế độ theo quy định của pháp luật, các cam kết với công nhân như: Trả lương, tăng lương đúng hẹn, áp dụng một số hình thức trợ cấp, đóng bảo hiểm đầy đủ cho người lao động, tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn hoạt động tốt… Đồng thời quan tâm xây dựng môi trường làm việc thân thiện, hài hòa, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh và an toàn lao động.

 

Công ty TNHH một thành viên Than Khánh Hòa (thuộc Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc) đã và đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do vướng mắc mặt bằng để mở rộng khai trường và bãi đổ thải. Nhằm duy trì việc làm và ổn định đời sống cho gần 1.000 lao động, bên cạnh việc tích cực áp dụng nhiều giải pháp tại chỗ (như đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, thực hành tiết kiệm, tăng cường khai thác than hầm lò), Công ty đã liên hệ và đưa một phân xưởng sản xuất gồm 83 người và 22 xe, máy đến các mỏ than tại tỉnh Quảng Ninh làm việc từ cuối năm ngoái. Đề nghị Tổng Công ty hỗ trợ bằng cách cấp bù lỗ để trả lương cho người lao động với mức bình quân năm 2014 là 4,4 triệu đồng/người/tháng; bố trí một số lao động sang làm việc tại các đơn vị khác cũng thuộc Tập đoàn…

 

Theo số liệu của Liên đoàn Lao động tỉnh, thu nhập bình quân của người lao động trong các DN Nhà nước thời điểm cuối năm 2014 đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng; DN ngoài Nhà nước đạt khoảng 3,9 triệu đồng/người/tháng (mức bình quân cuối năm 2010 là 2,48 triệu đồng/người/tháng); 98% lao động được đóng các loại bảo hiểm. Ông Dương Xuân Hùng, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh cho biết: Qua các cuộc kiểm tra gần đây chúng tôi nhận thấy, mặc dù đang trải qua giai đoạn khó khăn nhưng đa số DN trên địa bàn tỉnh chấp hành khá tốt các quy định, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Thời gian qua, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tăng cường phối hợp và chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức tuyên truyền pháp luật lao động đến người lao động và chủ DN; phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong DN trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chăm lo đời sống cho người lao động. Đồng thời tăng cường phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý các DN cố tình vi phạm pháp luật lao động.