Nâng phí để đủ bù đắp chi

16:29, 06/05/2015

Đề nghị bổ sung thêm đối tượng được miễn phí sử dụng cầu treo là những người dân sinh sống và canh tác ở 2 bên đầu cầu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân trong việc đi lại… là một trong những nội dung đáng chú ý tại Tờ trình điều chỉnh, bổ sung mức thu một số loại phí trên địa bàn tỉnh tại kỳ họp HĐND lần này…

Theo nội dung Tờ trình, việc áp dụng mức thu theo Quyết định số 12/2010/QĐ-UBND ngày 15-6-2010 của UBND tỉnh không còn phù hợp bởi hiện nay, mức lương tối thiểu vùng cũng như mức lương tối thiểu chung đã tăng tương ứng 29,2% và 57% so với năm 2010. Ngoài ra, các khoản chi theo lương, chỉ số giá tiêu dùng, giá điện, nước, xăng, dầu cũng đều tăng đáng kể. Trong khi đó, từ ngày 2-1-2014, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 02/2014/TT-BTC Hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thay thế Thông tư số 97/2006/TT-BTC. Theo đó, đối với cầu treo được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao), BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh), mức phí điều chỉnh được đề nghị tăng trung bình 24% (theo lượt) và 3,7% (theo tháng). Còn đối với cầu do Nhà nước đầu tư thì mức tăng trung bình là 30% theo lượt và 20% theo tháng so với mức thu hiện nay.

 

Toàn tỉnh hiện có 55 cầu treo nằm trên địa bàn 9 huyện, thành, thị thì có 8 cầu đang thực hiện thu phí (2 cầu thuộc huyện Phú Bình, 1 cầu thuộc huyện Đại Từ, 4 cầu thuộc huyện Đồng Hỷ và 1 cầu thuộc Phú Lương), trong đó có 4 cầu được đầu tư theo hình thức BOT, 4 cầu được đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước. Thực tế cho thấy, những cầu thực hiện thu phí thì việc quản lý, sử dụng nhìn chung đảm bảo hơn do thường xuyên được duy tu, sửa chữa và tránh được tình trạng xe quá tải đi qua. Chính vì lẽ đó, UBND huyện Phổ Yên mới đây cũng đã có công văn đề nghị HĐND tỉnh tại kỳ họp này bổ sung cầu treo Bến Vạn, xã Nam Tiến vào danh mục các cầu có thu phí để có nguồn kinh phí hàng năm đầu tư trở lại cho cầu do nguồn ngân sách của địa phương còn gặp nhiều khó khăn, trong khi ngân sách tỉnh lại không cấp cho việc sửa chữa này.

 

Theo đại diện lãnh đạo Phòng Quản lý Giá, Sở Tài chính: Việc nâng mức phí này chỉ đủ để đáp ứng được nguồn kinh phí cho đối tượng trực tiếp thu theo chính sách hiện hành, chứ không ảnh hưởng đến thời gian thu hồi vốn của doanh nghiệp (đối với cầu được đầu tư không bằng tiền ngân sách).

 

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến trao đổi của người dân xung quanh Tờ trình điều chỉnh, bổ sung mức thu một số loại phí trên địa bàn tỉnh. Cơ bản các ý kiến đều đồng tình với việc bổ sung thêm đối tượng được miễn phí qua cầu treo là người nông dân sinh sống và trực tiếp làm ruộng ở khu vực giáp ranh hai bên đầu cầu. Song thế nào được gọi là khu vực giáp ranh thì vẫn chưa có quy định rõ ràng, cụ thể? Những người sống ở khu vực giáp ranh mà không phải hộ nông nghiệp thì có được miễn phí… Riêng việc nâng mức thu phí đối với xe mô tô 2-3 bánh và xe gắn máy với từ mức 1.000 đồng lên 1.500 đồng/lượt (đối với cầu làm bằng tiền ngân sách) và từ 2.000 đồng lên 2.500 đồng/lượt (đối với cầu BT, BOT, BTO), đa số các ý kiến đều không đồng tình vì cho rằng điều này là rất khó thực hiện. Bởi trên thực tế, loại tiền có mệnh giá 500 đồng hiện nay lưu thông trên thị trường rất ít. Ngay những người trực tiếp thu phí tại một số cầu treo cũng cho rằng sẽ rất khó có được tiền lẻ để trả lại khách hàng. Vì thế, theo họ, thay vì việc nâng thêm 500 đồng đối với các loại xe này thì nên giữ nguyên mức thu cũ, mà bổ sung thêm loại phương tiện phải thu phí là xe đạp điện, bởi loại phương tiện này ngày càng gia tăng.

 

Ngoài điều chỉnh mức thu phí qua cầu treo, Tờ trình còn đề nghị điều chỉnh mức thu phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (gọi tắt là ĐTM) trên địa bàn tỉnh. Trước đây chỉ quy định một mức thu chung là 5 triệu đồng/báo cáo, còn phí thẩm định bổ sung là 2,5 triệu đồng/báo cáo. Từ số thu này, cơ quan thẩm định phải dành 20%/tổng thu để nộp vào ngân sách nhà nước; giữ lại 40% trong tổng số 80% để sử dụng cải cách tiền lương nên mức phí để lại chỉ còn khoảng 50% trong tổng thu (tương ứng khoảng 2,4 triệu đồng/báo cáo) để chi trả cho các hoạt động thẩm định. Trong khi đó, theo đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, để thẩm định 1 báo cáo ĐTM bao giờ cũng phải thành lập một hội đồng, với số thành viên trung bình từ 7-13 người, đó là chưa kể đại biểu tham dự. Ngoài ra, còn phải chi tiền thù lao cho các ủy viên đọc báo cáo, chi cho các hoạt động thẩm định hỗ trợ như khảo sát thực tế, lấy ý kiến phản biện của cơ quan, tổ chức và chuyên gia để thẩm định báo cáo ĐTM theo quy định. Đó là còn chưa kể đến nhiều chi phí khác có liên quan như tiền công lao động, chi phí điện nước, photo, văn phòng phẩm, cước bưu chính…

 

Theo quy định tại Thông tư số 02/2014/TT-BTC, mức thu phí thẩm định báo cáo ĐTM được căn cứ theo phân nhóm và tổng mức đầu tư. Theo đó, phân theo nhóm dự án có 7 nhóm, theo tổng mức đầu tư có 5 nhóm. Tùy theo nhóm và tổng mức đầu tư mà các mức thu phí được điều chỉnh từ 5 triệu đến tối đa là 26 triệu đồng/báo cáo. Mức phí thẩm định lại báo cáo ĐMT sẽ không quá 50% mức thu áp dụng đối với báo cáo đánh giá môi trường chính thức. Ngoài tăng mức phí thẩm định, Tờ trình cũng đề nghị số tiền để lại cho đơn vị thu phí là 90% để trang trải các chi phí cho việc thu phí. Phần còn lại 10% được nộp vào ngân sách Nhà nước.