“Một tuần nay, một bộ phận người lao động và nhiều cử tri rất phấn khởi vì Chính phủ đã nắm được tình hình và đề xuất với Quốc hội sửa đổi Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Người lao động và cử tri cả nước đang hồi hộp chờ quyết định của Quốc hội”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) vào đề phiên thảo luận sáng ngày 27-5 tại Quốc hội với ý nguyện mà người dân đang gửi gắm.
Điều 60: “Đúng” nhưng “chưa đủ”
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, có ý kiến cử tri đề nghị nên cân nhắc khi đặt vấn đề sửa đổi Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (dưới đây gọi tắt là Điều 60). Nhiều ý kiến cử tri cho rằng, nếu đã thấy thiếu thì cần phải bổ sung và sửa Điều 60 cho hợp lý hơn.
Thực tế chúng ta biết rằng Quốc hội xem xét, quyết định điều luật này theo chiều hướng khuyến khích người lao động bảo lưu, tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội trong quá trình lao động để có thể hưởng lương hưu hằng tháng, để bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động.
Nữ đại biểu của TP Hồ Chí Minh cho biết, trước khi đi họp Quốc hội, bà có tiếp xúc cử tri là anh, chị em công nhân lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh. Qua gặp gỡ, các anh, các chị đều cho rằng Điều 60 nói riêng và Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là tiến bộ, có nhiều điều luật bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động.
“Người lao động hiểu rõ điều này và rất tán thành về Điều 60. Song, người lao động cũng cho rằng Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 còn thiếu. Không người lao động nào gặp tôi nói rằng Điều 60 sai mà người lao động nói rằng Điều 60 còn thiếu. Cho nên, chúng ta hiểu vì sao người lao động lại đề xuất sửa đổi Điều 60”, bà Tâm nói.
Đại biểu Quyết Tâm dẫn thí dụ, trong ngành dệt may, da giày, hay người lao động trong khu công nghiệp, điều kiện lao động rất khắc nghiệt, phải làm tăng ca liên tục. Đặc biệt, người lao động gần 40 tuổi, ngoài 40 tuổi rất khó để đáp ứng được yêu cầu lao động của người tuyển dụng lao động.
Hơn nữa, theo đại biểu Quyết Tâm, chủ sử dụng lao động cũng có nhiều lý do để cắt hợp đồng lao động vì tiền lương và nhiều chế độ khác cho người lao động có thâm niên. Ở tuổi đó, khi bị cắt hợp đồng lao động ở đơn vị này thì khó có thể xin việc ở đơn vị khác.
“Đa phần người lao động tại các khu công nghiệp đi ra từ nông thôn, đặc biệt là các ngành nghề lao động. Với lao động nông nghiệp, họ rất khó sống cho nên tìm một nơi lao động để có thể trang trải cho cuộc sống”, đại biểu Quyết Tâm trăn trở.
Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) nhìn nhận: “Sở dĩ người lao động phản ứng là do Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đúng nhưng không đủ, vì chưa quan tâm đầy đủ lợi ích thực tiễn của cộng đồng người lao động khác nhau”.
Vì chưa thể nào lo đầy đủ cho người lao động, đại biểu Quyết Tâm đề nghị, nên sửa Điều 60 theo hướng bổ sung một khoản để cho người lao động lựa chọn bảo lưu hay được nhận bảo hiểm xã hội một lần ngay trong kỳ họp này.
“Nếu trong trường hợp chưa kịp sửa Điều 60, Quốc hội nên có Nghị quyết riêng cho phép tiếp tục thực hiện Điểm c, Khoản 1, Điều 55 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 cho đến khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014”, đại biểu Quyết Tâm nêu giải pháp.
Nên điều chỉnh bằng Nghị quyết của Quốc hội
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) thông cảm và chia sẻ với phản ứng của một bộ phận người lao động trong thời gian qua liên quan đến quy định tại Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 chưa có hiệu lực thi hành do sẽ áp dụng từ ngày 1-1-2016. Như vậy, chính sách bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 55 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 vẫn đang được thực hiện bình thường cho đến hết ngày 31-12-2015. Do đó, nội dung của Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 này chưa ảnh hưởng, chưa tác động gì đến đời sống của người lao động.
Khẳng định ủng hộ quan điểm của Chính phủ là tôn trọng quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, nữ đại biểu của TP Đà Nẵng cho rằng, giải pháp tốt nhất hiện nay là đề nghị Quốc hội ra nghị quyết cho phép người lao động, sau một năm nghỉ việc được quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm như việc Quốc hội đã ra Nghị quyết số 77 về phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 để xử lý vướng mắc, bất cập khi thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014 đối với việc đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Đồng tình với đề nghị của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội và Chính phủ, trước mắt tiếp tục kéo dài việc thực hiện Điểm c, Khoản 1, Điều 55 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, cho phép người lao động bị thất nghiệp một năm có nguyện vọng lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần mà thời gian đã tham gia bảo hiểm xã hội, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) đề nghị sớm có khảo sát, nghiên cứu để nâng dần điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần của những lao động có hoàn cảnh, có ngành nghề cụ thể sát với thực tế.
Ông Nguyễn Văn Sơn đề nghị, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn cho người lao động, người sử dụng lao động và Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội giám sát, cập nhật thường xuyên để báo cáo Quốc hội và có thời hạn để thực hiện tốt Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Cũng đồng tình với việc Quốc hội nên có một nghị quyết cho vấn đề, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) lưu ý, “Chúng ta phải rút kinh nghiệm trong quá trình làm luật. Đặc biệt hiện nay chúng ta đã có tiền lệ, cần phải chuẩn bị một số tình huống khi xảy ra mà luật ban hành, tránh tình trạng lúng túng, thụ động như hiện nay”.
Cũng trong phiên thảo luận, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội mong muốn Quốc hội sẽ có một nghị quyết về việc bảo lưu Điểm c, Khoản1, Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 đến một thời gian nào đó. Sau khi xét đánh giá tổng kết thăm dò ý kiến một cách toàn diện đầy đủ đối tượng người lao động, sẽ tính đến việc có sửa hay không sửa Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Được biết, Quốc hội dự kiến gửi phiếu thăm dò ý kiến đến các vị đại biểu Quốc hội về vấn đề này, sau đó sẽ xem xét quyết định theo ý kiến chung.