Theo Tổ chức Y tế thế giới, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong liên quan thuốc lá. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, đến năm 2030, con số này sẽ lên tới 70.000 người, cao gấp 4 lần so với số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ tại nước ta mỗi năm.
Điều này sẽ trở thành gánh nặng về kinh tế xã hội và những chi phí tài chính khổng lồ dành cho việc điều trị bệnh tật do thuốc lá gây ra. Luật Phòng chống tác hại thuốc lá ra đời vào tháng 5/2013, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thật sự đi vào cuộc sống. Ghi nhận từ thực tế tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên là do buôn lậu thuốc lá diễn biến phức tạp, khó kiểm soát ; ý thức của người hút thuốc lá còn hạn chế.
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa bàn tập trung dân cư lớn nhất cả nước, vì vậy từ lâu nơi đây đã trở thành thị trường sôi động và có mức tiêu thụ mặt hàng thuốc lá điếu rất cao. Thành phố Hồ Chí Minh cũng là "điểm nóng" của tình trạng vận chuyển, buôn bán và phân phối thuốc lá điếu tại khu vực phía Nam.
* Ra cửa là ...có thuốc lá
Ghi nhận trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, không khó để tìm và mua những sản phẩm thuốc lá điếu, từ thuốc lá bình dân đến cao cấp, thương hiệu trong nước và quốc tế đều được bán phổ biến. Đặc biệt, những điểm kinh doanh mặt hàng thuốc lá điếu không chỉ xuất hiện tràn lan trên các tuyến đường thuộc địa bàn 24 quận, huyện, mà còn len lỏi vào các khu dân cư đông đúc, khu chợ... để cung cấp cho khách hàng. Khách chỉ cần bước ra khỏi cửa nhà là có thể mua được thuốc lá.
Tuyến đường Học Lạc (phường 14, quận 5) là khu vực kinh doanh thuốc lá điếu đã hình thành từ trước năm 1975 đến nay. Tại khu vực này, hoạt động mua, bán thuốc lá diễn ra rất nhộn nhịp. Theo tìm hiểu của phóng viên, nguồn hàng ở đây rất đa dạng, có nhiều nguồn gốc khác nhau từ hàng sản xuất chính ngạch trong và ngoài nước đến nguồn hàng nhập lậu. Tại khu vực này, hiện có 8 doanh nghiệp, trong đó có 6 doanh nghiệp được Bộ Công Thương cấp giấy phép phân phối sản phẩm thuốc lá. Ngoài ra, tại khu vực này còn có 41 hộ kinh doanh tổ chức phân phối, bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá, trong đó 29 điểm kinh doanh cố định và 12 điểm kinh doanh lưu động trên vỉa hè. Phương thức bán buôn thuốc lá ở đây rất đa dạng từ bán trực tiếp đến bỏ mối số lượng lớn, giao dịch mua bán qua điện thoại...Khách hàng ở các điểm bán thuốc lá cũng rất đa dạng, thậm chí nhiều đối tượng dưới 18 tuổi cũng vô tư mua bán thuốc lá với số lượng không hạn chế.
Tương tự, tại khu vực phường 8 (quận 3) từ lâu đã hình thành một số hộ chuyên buôn bán thuốc lá nội - ngoại, trong đó có thuốc lá ngoại nhập lậu, bán lén lút. Khu vực này có gần 10 hộ kinh doanh thuốc lá có đăng ký kinh doanh, còn lại chủ yếu là những đơn vị bán buôn tự phát nên khi bị cơ quan chức năng kiểm tra, họ thường tẩu tán hàng hoá vào các ngõ hẻm, tuyến đường nội bộ.
Là người thường xuyên hút thuốc lá, anh Hoà Thuận, công nhân tại khu công nghiệp Linh Trung, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Hầu hết những người sử dụng thuốc lá điếu đều có thói quen mua mặt hàng này ở những tiệm tạp hoá, quán cà phê ven đường... gần nhà hay gần nơi làm việc. Tại những điểm kinh doanh này, đều có mặt hàng thuốc lá điếu lẻ và sỉ với nhiều nhãn hiệu khác nhau; đặc biệt phương thức kinh doanh rất linh động với bán lẻ từng điếu, gói và nguyên cây nên người mua thuốc lá rất dễ dàng.
Theo bà Lê Minh Nga, chủ kinh doanh thuốc lá điếu trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình, các tiệm tạp hóa, quán cà phê ven đường thường kinh doanh nhỏ và chỉ bán những mặt hàng thiết yếu tiêu dùng nhanh và hầu hết đều bán thuốc lá điếu.
Hiện nay có một thực tế là chất lượng các mặt hàng thuốc lá điếu đang tràn lan trên thị trường, nhưng chất lượng của nó thì cả người bán lẫn người mua đều không nắm rõ. Khi lấy hàng, người kinh doanh nào cũng kiểm tra hàng hóa, nhưng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, sự tin tưởng với bạn hàng và bao bì, nhãn mác bên ngoài, do đó không thể tránh khởi nguy cơ thuốc kém chất lượng, hàng nhập lậu và khó đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
* Cần cắt nguồn cung
Nhận định về tình hình buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường thành phố cho biết: Mặt hàng thuốc lá nhập lậu trên địa bàn diễn biến rất phức tạp, phần lớn là những mặt hàng thuốc lá hiệu Jet, Hero từ hướng biên giới các tỉnh Long An, Tây Ninh đổ về thành phố. Cụ thể, trong một năm trở lại đây đã xuất hiện các vụ xe ô tô du lịch, xe tải, xe khách vận chuyển hàng nghìn bao trở lên trong mỗi chuyến. Các đối tượng vận chuyển thuốc lá nhập lậu cũng hoạt động mạnh trên tuyến quốc lộ 22; các tỉnh lộ thuộc huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn. Tại các địa bàn này, có những điểm dừng đổ hàng đã trờ thành "điểm nóng" trung chuyển thuốc lá nhập lậu như khu vực Đồng Chùa, Phước Thạnh, bến xe Củ Chi...
Kết quả thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, từ 1/10/2014 đến hết quý I/2015, lực lượng Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra gần 850 vụ, trong đó xử phạt hơn 250 vụ, số vụ còn lại do chủ hàng bỏ trốn nên không xử phạt được. Theo Chi cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, bình quân mỗi tuần, lực lượng Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra và tịch thu từ 4.000 đến 13.000 bao thuốc lá nhập lậu, đồng thời tạm giữ nhiều phương tiện buôn bán, vận chuyển gồm xe gắn máy 2 bánh, xe ô tô, xe tải... Riêng trong tháng 4/2015, lực lượng Quản lý thị trường đã xử lý 74 vụ buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu cũng như các cửa hàng, điểm bán lẻ, đồng thời tạm giữ hơn 25.000 bao thuốc lá nhập lậu, 26 xe gắn máy hai bánh.
Nhận định về kết quả kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng đối với mặt hàng thuốc lá điếu nhập lậu, các chuyên gia cho rằng, đây chỉ là số lượng khiêm tốn, còn thực tế số lượng vụ vận chuyển, phân phối và buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu ngày càng phức tạp và tinh vi, bất chấp sự kiểm tra quyết liệt của cơ quan chức năng là do hoạt động này mang lại lợi nhuận rất cao. Hiện nay, mức chênh lệch giá của nhiều mặt hàng thuốc lá giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các nước láng giềng của Việt Nam khá cao nên các đối tượng buôn bán, vận chuyển mặt hàng này tìm mọi cách để thực hiện các vụ buôn lậu. Cụ thể, so sánh giá tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và Campuchia, mặt hàng thuốc lá hiệu Hero chênh lệch từ 8.000 - 10.000 đồng/bao, thuốc lá Esse chêch lệch từ 3.500 - 4.000 đồng/bao và thuốc lá hiệu Jet chênh ở mức 10.000 - 12.000 đồng/bao...
Để thực hiện hiệu quả việc phòng chống buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu trên địa bàn, lực lượng Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đẩy mạnh quy chế phối hợp giữa các ngành và chính quyền địa phương. Cụ thể, lực lượng Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng cường triển khai kế hoạch phối hợp với các tỉnh giáp ranh gồm tỉnh Long An, Tây Ninh, đồng thời sắp tới sẽ có thêm sự tham gia của tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Đặc biệt, đối với những địa bàn giáp ranh và địa bàn 24 quận - huyện, lực lượng Quản lý thị trường thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát tại những "điểm nóng" về vận chuyển, buôn bán thuốc lá lậu để phối hợp xử lý triệt để.