Xã Tân Hòa (Phú Bình) có hơn 50km đường liên xóm, liên xã thì mới chỉ bê tông được gần 10km, còn lại đa số đều là đường đất nhỏ hẹp. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của người dân và sự phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Đến xã Tân Hòa vào một ngày đầu tháng 6, ngay trên trục đường chính dẫn vào UBND xã, chúng tôi đã cảm nhận được phần nào sự vất vả của người dân nơi đây khi phải đi trên đoạn đường đất nhỏ hẹp, lồi lõm ổ trâu, ổ gà. Nói về thực trạng đường giao thông của xã, ông Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết: Toàn xã hiện có trên 1.800 hộ dân, sinh sống tại 14 xóm, trong đó có hơn 40% số hộ là người dân tộc thiểu số. Do là xã thuần nông nên việc giao thông đi lại khó khăn đã ảnh hưởng lớn đến việc vận chuyển nông sản và trở thành lực cản phát triển kinh tế của người dân nơi đây. Cụ thể là hầu hết các sản phẩm nông nghiệp ở địa phương nếu bán cho những đầu mối đến thu mua đều bị thấp hơn so với thị trường từ 2-3 giá bởi ô tô chỉ vào được các trục đường chính, còn nếu đem ra chợ trung tâm ở các xã lân cận bán thì bà con phải rất vất vả mới ra đến nơi. Thậm chí, trước đây người dân ở Tân Hòa đã dành một diện tích khá lớn để đầu tư trồng cây vải nhưng do giá bán quá thấp, thị trường tiêu thụ bấp bênh nên dù loại cây trồng này rất hợp với đồng đất địa phương vẫn bị nhiều hộ dân phá bỏ để chuyển đổi sang cây trồng khác. Không chỉ vậy, việc xây dựng những mô hình kinh tế với quy mô lớn cũng có rất ít hộ đầu tư, chủ yếu bà con chỉ nuôi, trồng theo hình thức nhỏ lẻ. Chính vì kinh tế kém phát triển nên tỷ lệ hộ nghèo ở xã cũng giảm chậm, hiện nay, toàn xã còn 257 hộ nghèo, giảm được 114 hộ so với năm 2010.
Chúng tôi cho xe chạy qua các tuyến đường chính trong xã, tuy những cơn mưa rào mùa hạ đã đi qua gần 1 tuần nay nhưng trên nhiều đoạn đường vẫn xuất hiện những vũng lầy khiến chúng tôi dù đã ghì chắc tay lái nhưng đôi lúc vẫn không khỏi giật mình khi chiếc xe bị trượt bánh. Dừng xe ở xóm Trụ Sở, trò chuyện với người dân trong xóm, chúng tôi được biết đây là xóm gần trung tâm xã và có đường giao thông khá dễ đi, vậy mà chỉ những ngày khô ráo, ô tô mới có thể vào đến xóm, còn những ngày mưa to thì hầu như các loại phương tiện đều không thể đi được bởi đường quá lầy lội. Đường trục xóm đã vậy, đường vào các ngõ ở đây còn nhỏ hẹp hơn rất nhiều, cả xóm hiện nay vẫn chưa bê tông được mét đường nào. Cũng tại đây, chúng tôi được nghe những câu chuyện tưởng đùa mà có thật. Chuyện vào mùa mưa bà con phải tự vận chuyển lợn, gà qua những chỗ lầy lội tập kết ở chỗ khô ráo thì thương lái mới mua; hay chuyện có đôi vợ chồng tổ chức đám cưới vào đúng hôm trời mưa to, nhà trai phải dùng xe trâu sang nhà gái để rước dâu về… Bà Phạm Thị Ngọt, một người dân trong xóm cho biết: Năm ngoái, đúng vào mùa mưa, nhà tôi xuất chuồng lứa lợn hơn 20 con, khi gọi thương lái, họ vào được đến trung tâm xã rồi lại quay ra. Nguyên nhân là do đường quá bẩn, nhiều đoạn bị lầy thụt nên ô tô không thể vào được đến nơi. Không còn cách nào khác, lứa lợn ấy tôi phải bán lẻ từng con một để giải phóng chuồng nuôi lứa kế tiếp.
Đường giao thông khó khăn như vậy không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt của bà con nơi đây mà còn khiến cho việc đến trường của các em học sinh hết sức vất vả. Đặc biệt là đối với lứa tuổi mẫu giáo. Bà Ngô Thị Hòa, Hiệu Phó trường Mầm non Tân Hòa cho biết: Nhà trường hiện có hơn 400 trẻ, cứ đến mùa mưa là nhiều nếp sinh hoạt của Trường bị thay đổi. Ví dụ như trẻ đến trường muộn hơn ngày thường từ 1-2 tiếng khiến cho việc học tập của các cháu bị ảnh hưởng. Thậm chí những trẻ nhà ở xóm có đường đi quá khó khăn còn nghỉ học đến hàng tuần, khi đi học trở lại, cô giáo phải hướng dẫn lại những bài học đã dạy cho các bạn. Phương tiện các gia đình đưa con em mình đi học vào những ngày mưa to chủ yếu là xe máy kéo, xe cải tiến hoặc đi bộ cõng các em trên lưng... Khó khăn là vậy nhưng các cô giáo luôn động viên phụ huynh cố gắng khắc phục để trẻ được đến Trường đầy đủ. Có nhiều giáo viên dù phải đeo ủng đi bộ hàng cây số vẫn không quản mưa gió đến Trường đúng giờ, điển hình như cô giáo Phùng Thị Quan, nhà ở xóm Giàn…
Được biết, Tân Hòa là xã đặc biệt khó khăn của huyện Phú Bình, hiện trên địa bàn xã còn 4 xóm thuộc vùng 135, thu nhập của bà con chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp nên việc huy động nhân dân đối ứng tiền để làm đường giao thông rất khó thực hiện. Hơn nữa, địa hình của xã khá rộng, dân cư lại sống không tập trung nên nếu muốn làm được đường thì cần phải có nguồn kinh phí rất lớn. Để khắc phục những khó khăn trước mắt, sau mỗi mùa mưa, xã đã huy động bà con đóng góp tiền và ngày công lao động để mua sỏi, đất về lấp vào những chỗ lõm trên mặt đường nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Hiện tại, mong muốn lớn nhất của người dân nơi đây là được Đảng, Nhà nước quan tâm để bê thông hóa đường giao thông.