Nghề công tác xã hội

08:58, 18/06/2015

Công tác xã hội (CTXH) là một nghề mới ở nước ta và được đánh dấu bởi mốc quan trọng, đó là việc Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25-3-2010, phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020.

Hiện, nghề CTXH đang là một trong những vấn đề quan trọng và được quan tâm của toàn xã hội cũng như các nhà nghiên cứu. Hầu như cộng đồng vẫn còn lạ lẫm với tên gọi của Nghề. Song trên thực tế, cùng với sự phát triển của xã hội, nghề CTXH đã được công nhận là một nghề với nhiều công việc đáp ứng nhu cầu phục vụ xã hội.

 

Hiện tại, những người làm việc tại các trung tâm giáo dưỡng, chăm sóc trẻ tàn tật, mồ côi, làm việc tại trung tâm dưỡng lão, trại cai nghiện ma túy được coi là những người làm nghề CTXH. Tuy nhiên, nghề CTXH không thuần túy là hoạt động từ thiện, nhân đạo, mặc dù đều hướng tới trợ giúp con người, nhất là đối tượng bị yếu thế trong cộng đồng. Có thể nhận thấy hoạt động từ thiện mang ý chí chủ quan là "muốn" hoặc "không", phương pháp giúp đỡ dựa trên cơ sở cho và nhận, kết quả của hoạt động từ thiện mang tính tức thời. Còn đối với CTXH là sự giúp đỡ mang động cơ nghề nghiệp, là trách nhiệm của ngành CTXH mang tính thường xuyên, lâu dài, nhằm giúp đối tượng hoàn chỉnh bản thân hơn để hòa nhập cộng đồng. Chính vì vậy, CTXH được coi là một nghề "đặc biệt", đòi hỏi người làm nghề phải có phẩm chất và nghiệp vụ "đặc biệt" bao hàm cả sư phạm, tâm lý, y học, pháp luật...

 

Đến với nghề CTXH nếu không có cái tâm, không có sự đồng cảm sâu sắc sẽ khó có thể hoàn thành nhiệm vụ. Ví dụ, với trẻ sơ sinh thì rất cần kỹ năng chăm sóc; đối với trẻ mẫu giáo bé, mẫu giáo lớn thì ngoài kỹ năng chăm sóc lại cần phải có kỹ năng chia sẻ, nâng niu; với đối tượng mắc các bệnh xã hội, người cao tuổi... thì lại cần có những biện pháp thích hợp về tâm lý để ngăn ngừa những phản ứng tiêu cực cho xã hội... Phát triển nghề CTXH trong cộng đồng là thực hiện các hoạt động hỗ trợ khẩn cấp, trợ giúp các đối tượng yếu thế; thực hiện các biện pháp ngăn chặn, loại bỏ những nguy cơ dẫn đến bị xâm hại, bạo lực, ngược đãi...

 

Đến nay, tỉnh ta đã thành lập được Trung tâm CTXH và đi vào hoạt động được hơn 4 năm. Mặc dù chỉ có 7 cán bộ được đào tạo chuyên sâu về nghề CTXH và sư phạm mầm non, tâm lý giáo dục, nhưng đã tiếp nhận và thực hiện khối lượng công việc rất lớn. Từ đầu năm đến nay, chỉ tính riêng qua đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em 18008080, trung tâm đã tiếp nhận gần 12 nghìn cuộc gọi. Mỗi cuộc gọi là một vấn đề của đời sống xã hội cần được chia sẻ; mà chia sẻ là phải tạo được niềm tin cho người cần hỗ trợ. Vì vậy, tất cả anh chị em đều phải tập trung cao độ để có được những hồi đáp tốt nhất. Ngoài Trung tâm CTXH, trên địa bàn tỉnh còn có Trung tâm bảo trợ xã hội và trường giáo dục, hỗ trợ trẻ em thiệt thòi là những đơn vị tiêu biểu trong CTXH.

 

Nghề CTXH trên địa bàn tỉnh cũng như ở nước ta mới chỉ là giai đoạn khởi đầu, đa số nhân viên làm CTXH chưa được đào tạo bài bản. Đội ngũ nhân viên hiện có là những người phát triển chủ yếu từ các tổ chức chính trị, xã hội, đôi khi là những người dân tự nguyện nên họ làm việc theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo kỹ năng khoa học xã hội, kỹ năng nghề cần thiết về CTXH. Do vậy, hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội, vấn đề cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng chưa cao, thiếu tính bền vững.

 

Ngày 25-3-2010, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 và Bộ Nội vụ đã ban hành chức danh, mã số ngạch viên chức công tác xã hội (CTXH). Ngay sau đó, tỉnh ta đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nghề CTXH với mục tiêu cụ thể: Đến năm 2020, mỗi huyện, thành phố, thị xã có 2 cán bộ được đào tạo nghề CTXH; mỗi xã, phường, thị trấn có 1 đến 2 viên chức, nhân viên CTXH thuộc chức danh không chuyên trách và 100% thôn, bản, tổ dân phố có đội ngũ công tác viên CTXH.

Hành lang pháp lý về nghề CTXH còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa có văn bản pháp luật chuyên ngành riêng biệt. CTXH chưa được nhìn nhận như một nghề chuyên nghiệp, chưa có dịch vụ CTXH chuyên nghiệp; chưa có quy định rõ, cụ thể về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của viên chức CTXH. Theo Đề án 32 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2010-2020, mỗi năm nước ta cần phải đào tạo và đào tạo lại khoảng 3.500 cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH trình độ sơ cấp trở lên. Như vậy, nhu cầu về nhân lực có trình độ chuyên môn về CTXH là rất lớn.

 

Kinh tế - xã hội phát triển cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và hội nhập quốc tế giúp cho con người có điều kiện phát triển thể chất và trí tuệ tốt hơn, nhận thức nhanh hơn; diễn biến tư tưởng, tình cảm đa dạng, phức tạp hơn và quan trọng hơn cả là nhu cầu con người cũng đòi hỏi cao hơn. Chính điều đó đã phát sinh nhiều mối quan hệ xã hội đa chiều hơn và phức tạp hơn; mâu thuẫn về lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm xã hội, lợi ích cộng đồng, lợi ích tập thể, lợi ích Nhà nước cũng diễn biến phức tạp hơn và hệ lụy tất yếu là có nhiều vấn đề xã hội, nhiều vấn nạn xã hội phức tạp hơn giữa con người với con người.

 

Từ thực tế như vậy, rất mong muốn các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội hãy nâng cao nhận thức về nghề CTXH, hiểu đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của Nghề để tuyên truyền giúp mọi tầng lớp nhân dân hiểu và chung tay góp sức vì cộng đồng; cần phải thúc đẩy phát triển nhanh hơn nữa nghề CTXH, đặc biệt cần khuyến khích phát triển theo hướng xã hội hóa. Hoạt động CTXH sẽ tạo ra sự thay đổi của toàn xã hội bằng chính sự tham gia trực tiếp giải quyết các vấn đề xã hội của con người; trợ giúp người nghèo, người yếu thế, nhóm người có vấn đề xã hội; tăng cường năng lực con người, gia đình và cộng đồng. CTXH sẽ giúp con người tạo dựng một cuộc sống đẹp hơn, công bằng hơn và đem đến hạnh phúc cho mọi người, vì sự phát triển phồn vinh của toàn xã hội.