Quanh ta là cuộc sống muôn màu

15:39, 02/06/2015

Sáng Chủ nhật, vườn hoa Sông Cầu (phường Trưng Vương, T.P Thái Nguyên) đầy ắp nụ cười. Góc này hoa lan khoe sắc; góc kia chim ríu rít đọ tiếng; góc kia nữa, là giang sơn của những chú cún cưng.

Từ yêu quý những “người bạn” trung thành

 

8 giờ, Misa ló cái đầu có đám lông xoăn tít rồi nhảy phắt ra từ miệng túi du lịch - “căn nhà” di động dành riêng cho “nàng”. Nếu không thấy nó nhún nhảy, thè lưỡi hồng hồng, chớp chớp mắt, người ta ngỡ cô chó này làm bằng bông. Sạch và thơm phức, ra dáng là con cưng được chăm chút, Misa tự tin đọ dáng cùng Tun lông xù trắng muốt, chân dài nhỏ như chiếc đũa; Bún, Tôm như cục bông di động, mắt biếc như hòn bi…

 

Chả mấy chốc, góc công viên đã có gần trăm người, người dắt, người bế, những chú chó dạn dĩ nằm im cho trẻ con vuốt ve hôn hít, người chỉ đơn giản đến xem, ôm ấp chú cún đáng yêu. Mắt ai cũng ánh lên sự trìu mến dành cho… chó.

 

Nhìn cảnh này tôi lại nhớ đến những cún yêu của nhà mình. Vợ chồng tôi dành tình cảm và số tiền khá lớn cho việc nuôi chó. Nhưng rồi cũng như nhiều nhà khác trong xóm, những Chum, Beo, Ji, Uây, Chít, Bét… cứ được 15-20 cân, nung núc thịt, óng ả lông là lần lượt không trở về sau một lần chạy chơi ngoài tầm mắt của chủ. Cạnh nhà tôi có chú chó tên Mộc, to lớn, khôn lanh vô cùng. Nó dứt khoát không ăn thức ăn người khác ném cho, thoát hiểm cả khi thòng lòng của bọn trộm chó xiết cứng cổ, sống đạt kỷ lục trong đàn chó của xóm là…3 năm. Rồi Mộc có chửa, đẻ đến 9 con. Cả đàn con nhay vú suốt đêm ngày, Mộc chỉ còn bộ xương, đi không vững. Ấy thế mà nhoáy một cái, Mộc vừa lẩy bẩy ra cổng, cái thòng lọng tàn độc như chờ sẵn đâu đó, bập ngay vào cổ kéo lết đi cùng tiếng rít xe máy. Chủ nhà bật khóc thương Mộc, thương 9 con chưa mở mắt rúc đầu vào nhau tìm sữa mẹ. Từ đấy, đêm đêm hàng xóm nhà tôi sáng đèn, vợ chồng thay nhau cho cún con uống sữa. Rồi chúng ăn được cơm, mũm mĩm óng ả, sủa “au au” vui nhộn cả xóm. Nhưng chỉ tháng sau cũng lần lượt bị bắn thuốc mê, quàng thòng lọng hoặc bế lên xe máy mà mất hết.

 

Thế nên tôi tự hẹn với lòng mình kiên quyết không nuôi chó nữa. Tôi không muốn vài ngày lại thảng thốt đi tìm gọi khắp làng trên xóm dưới. Lâu lâu chú cún yêu biết buồn, làm nũng, biết giận dỗi của tôi… bị bọn xấu bẻ nanh nhốt lồng sắt, làm món nhắm cho thực khách. Nghĩ đến đấy lòng tôi xót như xát muối.

 

Để bớt nhớ cún nhà, tôi thường ra góc vườn hoa Sông Cầu để ngắm cún cưng của người. Vào Chủ nhật của tuần chẵn trong tháng, từ các nơi, người ta mang cún yêu của mình đến. Gặp nhau trước hết là để… khoe “con”, sau là hỏi han “con” của những người khác, cho các “con” chạy nhảy tung tăng, đùa giỡn cho dạn người, dạn cảnh. Đến một ngày, họ bàn nhau thành lập Hội những người yêu quý chó, đề ra quy chế, Ban Quản trị gồm 9 người, gồm 1 chủ tịch, 2 phó chủ tịch, 6 thành viên. Mục đích chính của hội là đề cao tinh thần yêu thương động vật, khuyến khích nuôi chó chuyên nghiệp hơn. Cánh cửa hội mở rất rộng: Tất cả những người yêu quý chó dù ở bất cứ đâu, miễn là tôn trọng điều lệ. Họ được cung cấp miễn phí các tài liệu về nuôi dưỡng, chăm sóc, huấn luyện và tham gia vào các buổi hội thảo chuyên môn do hội đứng ra tổ chức.

 

Dù không phải “gương mặt thân quen” của Hội nhưng tôi cũng được các thành viên sẵn lòng giới thiệu các “con cưng” của mình. Phan Kim, 21 tuổi (tên facebook là Kim chó Phú Quốc) mê nuôi chó bản địa. Chú chó đầu tiên Kim ki cóp tiền mua được vào tháng 8-2014 là một chú chó H.Mông cộc đuôi.

 

- Cháu nhớ con ấy nhất. Hôm mang nó về từ chợ vùng cao cháu xích nó dưới nhà rồi đi sinh nhật bạn, về thì đã khuya cháu đi ngủ luôn. Sáng hôm sau cháu nghĩ nó “bĩnh” ra đầy nhà rồi, vậy mà xuống xung quanh vẫn sạch sẽ, vừa thả xích ra nó chạy ra vườn sau đi vệ sinh. Giống chó này đáng yêu thế đấy, rất sạch sẽ và kỷ luật cao.

 

Nhà Kim ở số 32, đường Bắc - Nam, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) bán hàng sắt thép, trước cửa xích 4 con chó giống Phú Quốc. Nhìn những chú khuyển vằn vện như hổ, trên lưng con nào cũng có xoáy lông rạp xuống như rừng cây gặp bão có vẻ dữ dằn nhưng lại rất hiền. Kim bảo, đi đâu xa nhà thấp thỏm lo cho lũ chó. Hàng ngày cậu cho chó đi dạo, chạy bộ, thỉnh thoảng tổ chức cho chúng tập bơi, săn bắt.

 

Cũng là người yêu chó, Nguyễn Việt Cường (ngõ 295, đường Cách mạng Tháng Tám) rưng rưng kể câu chuyện về chú Vàng của mình:

 

- Hồi mới đi làm hợp đồng trên Bắc Kạn, cháu nuôi một con chó, đặt tên là Vàng. Lương thấp lắm, mỗi tháng cháu chỉ ăn hai bữa cơm, còn lại là ăn mì tôm. Chủ ăn gì chó ăn ấy. Con Vàng bắt chuột giỏi vô cùng, sáng nào cũng đặt một con chuột trước cửa, đợi chủ ngủ dậy vẫy đuôi khoe. Có lần còn có 15 nghìn đồng, cháu mua 1 suất cơm cho chó, còn mình thì úp mì tôm ăn. Vàng dứt khoát không ăn hộp cơm. Cháu đành phải úp thêm bát mì tôm khác cho nó. Rồi cháu được chuyển về Thái Nguyên, cháu nhờ chị cùng khu tập thể nuôi giúp. Cháu đi ngày nào nó nhịn ăn ngày ấy, cuối tuần cháu lên nó đã gày tọp đi. Nó chạy ra tận bến ô tô theo cháu về nhưng nhà xe không cho mang chó lên cháu đành để nó lại. Được hai tháng thì nó chết vì không chịu ăn. Nghĩ lại cháu vẫn thương nó lắm. Con chó tình nghĩa, trung thành như người bạn tốt vậy.

 

Cường đang nuôi 2 chú Mông cộc. Loại này tính điềm đạm, săn bắt tốt, sử dụng làm chó nghiệp vụ.

 

Theo Cường thì ở Thái Nguyên có hầu hết các loại chó qúy của thế giới và trong nước như Ngao Tây tạng, Bully, Phốc, Boxer, Lạp Xường, Béc Bỉ, Béc Đức, Alaka, Samoyed… Còn chó bản địa thì đủ “tứ loại quốc khuyển” như Bắc Hà có bộ lông xù duyên dáng; H,mông có chiếc đuôi cộc ngủn đáng yêu, Phú Quốc xoáy lưng, chân có màng… Đây đều là các giống chó quý, nhưng không còn hiếm như trước vì các chuyến máy bay như mắc cửi đã cho người Thái Nguyên thỏa nỗi đam mê nuôi chó, chỉ cần có tiền.

 

Một trong những chú chó “khủng” nhất về hình dáng và được huấn luyện bài bản là chàng A ka (giống Béc Bỉ) của Minh Thành (Phường Tân Lập). Aka màu hung đen, cao lớn, bụng thon răm rắp nghe lời chủ. Cậu sủa, quỳ, đi sát bảo vệ chủ, tung người đớp bóng, tìm vật thất lạc, vượt rào rất giỏi. Aka có khai sinh do Hiệp hội Chó giống Việt Nam cấp, mới đẻ cậu đã có giá 16 triệu đồng. Theo Thành, chính A ka đã “dạy” cho cậu biết kiên trì, công bằng, yêu thương và nguyên tắc. Giống chó là vậy, muốn nó nghe lời phải tạo cho nó niềm tin vào người chủ.

 

Đến những hoạt động bài bản, ý nghĩa

 

Năm 2015, Hội những người yêu chó bàn nhau xin phép thành lập Câu lạc bộ (CLB). Rất may, hôm tôi tham gia buổi “ọp” (offline) đầu tiên cũng là ngày phổ biến dự thảo điều lệ và đăng ký tham gia CLB. Dự thảo gồm các phần: Tên gọi và mục đích hoạt động; cơ cấu tổ chức; nghĩa vụ của thành viên; quyền lợi của thành viên; kinh phí hoạt động; khen thưởng và kỷ luật.

 

- Thành lập CLB thì khác gì Hội trước đây? Tôi hỏi Minh Thành.

 

- Có chứ ạ. Trước hết là chính danh hơn, vì được Trung tâm Văn hóa tỉnh cấp giấy phép. Sau nữa là sẽ tổ chức các hoạt động hữu ích cho xã hội hơn, như đi làm từ thiện, cổ vũ bảo vệ động vật, cứu trợ chó lạc…

 

Tháng 10-2014, các thành viên trong Hội góp tiền mua quần áo, dát giường mang lên giúp trẻ em ở khu nhà ở bán trú Lũng Hoài. Ngày 30-4-2015, Hội tổ chức diễu hành phản đối ngược đãi động vật. Đoàn diều hành có 2 ô tô treo băng-zôn, 27 xe máy, mỗi xe chở 1 cún, một số cún to chạy bộ, diễu hành khoảng 10km trong thành phố về đến đường tròn Gang thép, thu hút nhiều người quan tâm. Cuối tháng 5-2015, thành viên của Hội phát hiện một con chó lang thang trong tình trạng kiệt sức đã tập hợp bắt đưa về nhà chăm sóc. Chú chó đã bị bẻ gẫy 4 răng nanh để đưa đến lò mổ, nhưng khôn ngoan trốn thoát ẩn vào hốc đất và mang mắn được cứu.

 

Tuy nhiên, những hoạt động trên hầu hết còn “ngẫu hứng. Khi được thành lập CLB, họ mong muốn được thỏa niềm yêu thích của mình bài bản hơn, như: Mua được chó thuần chủng, có nguồn gốc; được trang bị kiến thức về nuôi, dạy chó. Quan trọng hơn, thông điệp “Không ngược đãi động vật, không ăn thịt chó” họ muốn gửi đến cộng đồng mạnh mẽ hơn.

 

Cuối tháng 5-2015, đã có 20 người đăng ký tham gia CLB, Ban Quản trị đang tích cực hoàn chỉnh hồ sơ xin giấy phép thành lập.

 

Riêng tôi mong một ngày những người yêu quý chó của tỉnh sẽ đông gấp bội con số hiện nay. Cũng từ đó mà bớt đi các quán “cày tơ” nhan nhản, bớt đi những “người bạn” trung thành, thông minh bị chết oan, bớt đi những vụ chết người vì… chó.

 

Biết đâu tôi lại tự tin nuôi và đặt cho cún cưng của mình những cái tên như Chum, Chít, Beo, Uây… như ngày nào.