Thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển mạnh, dễ làm thực phẩm bị ôi thiu nếu không được bảo quản cẩn thận, là nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm.
Để bảo vệ sức khỏe người dân, huyện Phú Lương đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại một số cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Năm 2012, trên địa bàn xã Sơn Cẩm đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm làm 138 người dân phải nhập viện. Đây được xem là vụ ngộ độc thực phẩm “lịch sử” có số lượng người nhập viện lớn trên địa bàn huyện Phú Lương. Tuy nhiên, may mắn đã không có trường hợp nào ảnh hưởng đến tính mạng. Để hạn chế thấp nhất các vụ bị ngộ độc do thực phẩm, nhân “Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm năm 2015”, huyện Phú Lương đã thành lập 17 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại một số các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn huyện. Ông Hoàng Văn Tuấn, Đội phó Đội Quản lý thị trường- Đội phó Đội kiểm tra liên ngành huyện Phú Lương cho biết: Toàn huyện Phú Lương có khoảng trên 300 cơ sở dịch vụ ăn uống. Qua kiểm tra tại các nhà hàng, quán ăn cho thấy, ý thức VSATTP của phần lớn các cơ sở kinh doanh ngày càng nâng lên, đặc biệt là ở các nhà hàng có quy mô lớn, thể hiện ở chỗ các hồ sơ, giấy tờ (giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy đảm bảo VSATTP, giấy tập huấn kiến thức VSATTP,…); các điều kiện về con người, cơ sở vật chất; trang thiết bị dụng cụ chế biến thực phẩm… đều được trang bị đầy đủ.
Chúng tôi được tham gia cùng Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đi kiểm tra tại Nhà hàng cơm lẩu Âu Lạc (tại xóm Sơn Cẩm, xã Sơn Cẩm). Tại thời điểm kiểm tra lượng khách trong nhà hàng khá đông nhưng khu vực chế biến vẫn được bố trí gọn gàng, khu vực để bát đĩa được sắp xếp trên giàn cao và phủ khăn sạch sẽ. Chị Nguyễn Thị Hiến, Chủ nhà hàng Âu Lạc cho biết: Các món ăn trong nhà hàng chủ yếu về các loại cá (Hồi, Lăng, Chép…) nhà hàng giữ uy tín với khách hàng bằng chính chất lượng thực phẩm, trong đó việc VSATTP được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Nguồn nguyên liệu đầu vào chúng tôi nhập từ đại lý hải sản có uy tín tại thành phố Thái Nguyên. Các thủ tục pháp lý trong kinh doanh cũng như việc tập huấn cho nhân viên được nhà hàng thực hiện tốt. Nhà hàng có 4 nhân viên (3 nhân viên bếp và 1 nhân viên phục vụ). Hằng năm, chúng tôi đều cho nhân viên tham gia các lớp tập huấn về đảm bảo VSATTP…
Ngoài kiểm tra tại một số quán ăn, nhà hàng, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã tiến hành kiểm tra tại một số chợ của các xã: Yên Ninh, Yên Đổ, Thị trấn Đu... Ông Nguyễn Trọng Thủy, cán bộ Đội Quản lý thị trường huyện Phú Lương cho biết: Việc kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thực phẩm bày bán ở các chợ là rất cần thiết để tránh những thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc bị dịch, bệnh. Qua kiểm tra một số quầy hàng bán thịt lợn, gà ở một số chợ trên địa bàn, hầu hết các chủ quầy đều xuất trình được giấy tờ mua bán để chứng minh nguồn gốc của thực phẩm và đều được dóng dấu kiểm dịch trước khi đem bán.
Anh Đặng Xuân Đông, chủ quầy bán thịt lợn tại chợ Đu, thị trấn Đu, cho biết: Hầu hết các quầy bán thịt lâu năm trong chợ đều tham gia thực hiện tốt mọi thủ tục pháp lý trong kinh doanh. Với gia đình tôi cũng có “thâm niên” trong nghề bán thịt lợn, mỗi ngày, gia đình tôi vừa bán lẻ vừa bán buôn được khoảng hơn 3 tạ lợn thịt. Vì vậy, các thủ tục như kiểm dịch, giấy mua bán hay việc nộp thuế môn bài tôi đều nghiêm chỉnh thực hiện, tránh trường hợp khi quản lý thị trường kiểm tra nếu không có giấy tờ, bị phạt sẽ tốn kém hơn.
Ông Hoàng Văn Tuấn cho biết thêm: Qua xét nghiệm nhanh các thực phẩm tại một số nhà hàng, đa số không phát hiện chất độc hại ảnh hưởng tới sức khỏe trong thực phẩm. Các nhà hàng lớn đều đã thực hiện việc ký hợp đồng với nơi cung cấp thực phẩm, có sổ sách ghi chép, lưu mẫu thực phẩm… Tuy nhiên, qua kiểm tra 169 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (toàn huyện có 309 cơ sở) đã có gần 60 cơ sở, chiếm trên 35% số cơ sở vi phạm các quy định về VSATTP. Nguyên nhân là do các quán ăn thường xuyên thay đổi nhân viên nên việc khám sức khỏe định kỳ chưa thực hiện tốt; việc giữ gìn vệ sinh khu vực chế biến chưa đảm bảo; người tham gia chế biến không mặc trang phục bảo hộ theo quy định…
Ngoài tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, để đảm bảo VSATTP nhất là vào thời điểm nắng nóng như hiện nay, các ngành chức năng khuyến cáo người tiêu dùng cũng cần có kiến thức, hiểu biết, thực hành tiêu dùng một cách khoa học, chỉ tiêu dùng những thực phẩm có tem, nhãn mác rõ ràng, có chứng nhận đảm bảo VSATTP. Đồng thời khi phát hiện những cơ sở có vi phạm VSATTP cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý theo đúng quy định của pháp luật.