“Hơn 1.000 cây sâm Ngọc Linh loại 5 tuổi, được trồng tại Vườn quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa - Lào Cai) đã cho củ, mở ra hướng phát triển đại trà loài sâm quý, có giá trị kinh tế cao ở Sa Pa, đặc biệt là tại Vườn quốc gia Hoàng Liên” - ông Lương Văn Hào - Giám đốc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên (thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên) cho biết.
Hơn 1.000 cây sâm Ngọc Linh được lấy giống từ tỉnh Lâm Đồng, di thực về Sa Pa (Lào Cai) được trồng trên độ cao 1.500-1.700 m tại Vườn quốc gia Hoàng Liên, từ năm 2011, đến nay đã cho củ, trung bình to bằng ngón tay cái người lớn.
“Chúng tôi trồng sâm ngoài tự nhiên, dưới tán cây bản địa, để khảo nghiệm tính thích nghi và độ sinh trưởng của sâm. Nếu được chăm sóc tốt, đúng quy trình, chắc chắn sâm Ngọc Linh sẽ cho củ lớn hơn” - ông Hào chia sẻ.
Hiện tại, Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên đã lấy mẫu sâm Ngọc Linh được trồng tại Sa Pa gửi sang Mỹ để phân tích, kiểm nghiệm thành phần hóa dược của củ sâm, trên cơ sở đó có thể trồng đại trà tại đây.
“Bước đầu có thể khẳng định cây sâm Ngọc Linh có thể thích nghi và sinh trưởng tốt trong điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Sa Pa. Nếu chất lượng củ sâm bảo đảm các thành phần, hàm lượng hóa dược như sâm Ngọc Linh trồng ở Lâm Đồng thì chúng tôi sẽ triển khai trồng đại trà tại vùng đệm và vùng lõi của Vườn quốc gia Hoàng Liên, vừa bảo tồn giống sâm quý, vừa tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương” - ông Hào khẳng định.
Cây sâm Ngọc Linh sau khi trồng được năm đến bảy tuổi thì cho củ để thu hoạch. Càng nhiều năm, củ sâm càng to và có giá trị cao hơn. Được biết, trên thị trường tiêu dùng ở Việt Nam, hiện tại 1 kg củ sâm Ngọc Linh còn tươi (loại 8-10 năm tuổi) có giá bán khoảng 50 triệu đồng.