Chiến sĩ áo trắng nơi đảo xa

10:18, 20/08/2015

Hơn 20 năm phối hợp làm nhiệm vụ tại Bệnh xá đảo Sơn Ca thuộc Quần đảo Trường Sa, cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Quân y 91 (Cục Hậu cần, Quân khu 1) đã khám chữa bệnh cho hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ trên đảo và ngư dân đánh bắt hải sản trong khu vực. Đặc biệt, trong điều kiện làm việc thiếu thốn trang thiết bị, các kíp làm việc của Bệnh viện đã thực hiện thành công nhiều ca trung phẫu, cấp cứu khó như: cắt lá lách toàn phần, cắt ruột thừa bị viêm, cấp cứu bệnh nhân bị cá đuối đâm thấu ngực…

Khó khăn vẫn hoàn thành nhiệm vụ

 

Đã hơn 15 năm trôi qua nhưng Thượng tá, Bác sĩ Hoàng Vĩnh Phúc, Chủ nhiệm Khoa Điều trị nhân dân, Bệnh viện Quân y 91 vẫn còn nhớ như in quãng thời gian 2 năm công tác trên Đảo Sơn Ca thuộc Quần đảo Trường Sa. Trong điều kiện khó khăn do thiếu nước ngọt, thời tiết nắng nóng, thiếu rau xanh, thiếu thốn tình cảm gia đình…, anh và những người đồng đội vẫn hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đánh cá trong khu vực.

 

Đối với anh, nhớ nhất là những lần chăm sóc y tế cho bệnh nhân trên đảo. Anh kể: Một lần, trong huấn luyện, không may, một chiến sĩ công binh bị ngã gây dập lá lách và được đưa đến Bệnh xá trong tình trạng đau bụng, tức ngực, khó thở. Xác định đây là trường hợp nguy hiểm cần phẫu thuật ngay mới cứu được tính mạng, tôi và hai cộng sự xin ý kiến lãnh đạo cấp trên trong đất liền đồng thời khẩn trương chuẩn bị các bước cần thiết. Với điều kiện đầy đủ trong đất liền, bệnh nhân sẽ được gây mê nội khí quản, thở máy nhưng điều kiện trên đảo thiếu thốn, kíp phẫu thuật xác định cần phải gây mê sâu, phẫu thuật nhanh, cầm máu nhanh mới cứu sống được bệnh nhân. Sau khi được cấp trên đồng ý, kíp phẫu thuật do bác sĩ Phúc chỉ huy đã khẩn trương tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân trong điều kiện hết sức eo hẹp về trang thiết bị, thiếu máu, thiếu dịch truyền. Nhanh chóng, bệnh nhân được lấy toàn bộ máu tụ, cắt lách toàn phần trong khi được gây mê sâu bằng thuốc, mở khí quản và trợ thở nhờ các đồng đội luân phiên bóp bóng. Mặc dù ca phẫu thuật thành công nhưng phải mất gần 1 ngày hồi sức tích cực, bệnh nhân với qua được cơn hiểm nghèo và không cần phải bóp bóng trợ thở. “Đó được coi là ca khó nhất mà tôi và những người đồng đội, đồng nghiệp thực hiện thành công khi công tác ở đảo Sơn Ca” - Bác sĩ Hoàng Vĩnh Phúc nói.

 

Còn đối với Trung tá, Bác sĩ Đặng Minh Đức, Chủ nhiệm Khoa Ngoại thì không thể quên ca phẫu thuật cho chiến sĩ Tăng Văn Lâm công tác trên đảo Sơn Ca năm 2000 khi anh công tác trên đảo. Anh Lâm được đưa đến Bệnh xá trong tình trạng đau bụng dữ dội và được xác định viêm ruột thừa cấp, chỉ định phẫu thuật. Anh Đức kể: Khi mọi công tác chuẩn bị cho ca phẫu thuật đã xong thì bất ngờ phát hiện bệnh nhân bỏ trốn do quá sợ phẫu thuật. Bệnh xá đã huy động thêm nhiều chiến sĩ khác đi khắp đảo mới tìm thấy bệnh nhân đang trốn trong hầm chịu đựng cơn đau hành hạ. Kiên trì vận động, giải thích, bệnh nhân mới đồng ý để đồng đội đưa về Bệnh xá phẫu thuật. Ca mổ thành công không chỉ giúp bệnh nhân thoát khỏi nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe mà còn giải tỏa tâm lý lo sợ của bệnh nhân và các cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên Đảo trước những thiếu thốn của Bệnh xá.

 

Với Thiếu tá, Bác sĩ điều trị Khoa Ngoại Vũ Văn Đại thì ca cấp cứu thành công cho một ngư dân bị cá đuối đâm thấu ngực năm 2011 là ca bệnh anh nhớ nhất trong 1 năm công tác tại đảo Sơn Ca. Anh cho biết: Trong một ngày mưa bão, nhận được tin báo về trường hợp một ngư dân trong lúc đánh bắt đã bị một con các đuối trên 50kg dùng đuôi đâm thấu ngực, cả Bệnh xá đội mưa ra bến cảng đón bệnh nhân. Trong cơn bão, sóng, gió cấp 7, cấp 8 con thuyền nhỏ đưa bệnh nhân vào đảo lúc ẩn, lúc hiện khiến chúng tôi không khỏi lo lắng. Mất cả giờ đồng hồ, bệnh nhân mới đến đảo trong tình trạng bị đuôi cá đâm thấu ngực ngập tới 12cm và bị tràn máu qua màng phổi mất sức nghiêm trọng. Nhanh chóng, chúng tôi nong vết thương rộng và từ từ rút đuôi cá với nhiều ngạnh sắc nhọn ra khỏi cơ thể ngư dân. Ca cấp cứu thành công và sau đó bệnh nhân được chuyển đến trạm quân y trên đảo lớn hơn với nhiều trang thiết bị hiện đại để tiếp tục hồi sức, điều trị.

 

Trưởng thành từ Đảo

 

Từ năm 1993, Bệnh viện Quân y 91 được giao phối hợp với Bệnh viện Quân y 110 (Cục Hậu cần, Quân khu 1) đảm nhận nhiệm vụ duy trì hoạt động khám chữa bệnh tại Bệnh xá trên đảo Sơn Ca theo hình thức luân phiên 2 năm hoặc 1 năm đổi phiên công tác một lần. Sau trên 20 năm làm nhiệm vụ, hai đơn vị đã khám, điều trị cho hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ công tác trên đảo và ngư dân đánh bắt cá trong khu vực. Trong đó, có hàng chục ca trung phẫu hoặc các ca cấp cứu khó như: cắt lách toàn phần, cắt ruột thừa bị viêm, điều trị giảm áp cho ngư dân, cấp cứu tổn thương cơ thể nghiêm trọng…

 

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Trần Minh Công, Giám đốc Bệnh viện Quân y 91 cho biết: Làm nhiệm vụ bảo đảm quân y cho đảo Sơn Ca, đến nay chúng tôi đã cử 8 kíp y bác sĩ, điều dưỡng ra đảo công tác từ 1 đến 2 năm mỗi kíp. Sau hơn 20 năm làm nhiệm vụ, các kíp làm việc của hai đơn vị phối hợp bảo đảm quân y cho đảo Sơn Ca đều hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Để có kết quả như vậy, chúng tôi đã tuyển chọn rất kỹ kíp làm việc trước khi đưa ra đảo công tác. Đối với bác sĩ, điều kiện để được chọn ra đảo công tác là phải có trình độ trên đại học chuyên khoa Ngoại và thành thạo các ca phẫu thuật trung phẫu thường gặp như: phẫu thuật ổ bụng, cắt dạ dày bị viêm, điều trị chấn thương… Riêng kíp gây mê, chúng tôi chỉ chọn các y sĩ được đào tạo chuyên ngành gây mê, hồi sức. Trước khi đi, để bảo đảm hiệu quả công tác, Bệnh viện còn tổ chức đào tạo thêm 6 tháng đối với bác sĩ và kèm cặp, bồi dưỡng kiến thức mowsic cho các y sĩ, điều dưỡng tham gia trong đoàn công tác.

 

Cũng theo Đại tá Trần Minh Công, môi trường làm việc khắc nghiệt trên đảo Sơn Ca cũng đã giúp cho Bệnh viện đào tạo, rèn luyện nhiều cán bộ. Các cán bộ Bệnh viện đã từng công tác trên đảo khi trở về đều là các hạt nhân trong phát triển chuyên môn, rèn luyện đạo đức và trưởng thành hơn trong môi trường công tác tại Bệnh viện như bác sĩ Hoàng Vĩnh Phúc từ một bác sĩ điều trị đã trưởng thành và được Ban giám đốc tin tưởng bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ nhiệm Khoa khám bệnh nhân dân; bác sĩ Đặng Minh Đức được bổ nhiệm giữ chức Chủ nhiệm khoa Ngoại; các y sĩ: Nguyễn Văn Hợi, Nguyễn Văn Tuấn, Phan Văn Hưng, Ngọ Văn Thạc… đã trở thành những bác sĩ giỏi của Bệnh viện góp phần xây dựng Bệnh viện vững mạnh, gây dựng được niềm tin của bệnh nhân. “Nhận nhiệm vụ đảm bảo quân y trên Đảo Sơn Ca là một thử thách khó khăn nhưng cũng là vinh dự của những người lính mặc áo trắng tại Bệnh viện Quân y 91. Hoàn thành nhiệm vụ này, chúng tôi không chỉ đóng góp công sức cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc mà còn tự rèn luyện mình để trưởng thành hơn trong công tác, trong nghề, thiết thực chăm sóc sức khỏe cho lực lượng vũ trang Quân khu 1 và nhân dân trong khu vực” – Đại tá Trần Công Minh chia sẻ.