Hơn 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập úng nếu nước biển dâng 1 mét là kịch bản biến đổi khí hậu xảy ra đối với Tây Nam bộ được ông Nguyễn Phương Lam - Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ đưa ra tại diễn đàn đối thoại chính sách "Rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu các nguy cơ đối với doanh nghiệp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long". Diễn đàn do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức tại Cần Thơ ngày 11/9.
Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích khoảng 40,5 ngàn kilômét vuông, dân số 17,5 triệu người, là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, góp phần rất lớn cho việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu trên thế giới. Vùng được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trong tương lai gần. Theo kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2100, nhiệt độ trung bình của vùng có thể tăng từ 2,5 - 3,7 độ C, nước biển dâng trung bình từ 0,8 mét đến 1 mét. Từ đó, khiến khoảng 39% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập trong nước, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết: Thực tế hiện nay biến đổi khí hậu nhất là nước biển dâng đang diễn ra nhanh hơn so với dự báo. Gần đây, tác động của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng phức tạp, khó lường; lượng mưa giảm, thay vào đó là dông, lốc xuất hiện nhiều hơn, nhiệt độ trung bình tăng cao, thiếu nước sản xuất xảy ra một vài nơi trong vùng, có nơi bị thiếu nước sinh hoạt ở những vùng mà từ trước đến nay chưa từng xảy ra. T heo ghi nhận, lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về ít hơn những năm trước, xâm nhập mặn sớm đã lấn sâu vào nội địa và thời gian kéo dài hơn, sạt lở đất ven biển, bờ sông diễn ra ở nhiều nơi...
Ông Nguyễn Phương Lam cho biết thêm, tài nguyên nước là vô cùng quan trọng đối với hệ sinh thái và ngành nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long. Tác động của biến đổi khí hậu khiến lượng mưa, nắng trong khu vực diễn ra thất thường hơn; tình trạng xâm nhập mặn báo động xảy ra từ Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre, Hậu Giang...; tình trạng khô hạn bắt đầu kéo dài, lượng mưa từ thượng nguồn giảm từ 40-60% so với mọi năm; mưa lũ khó kiểm soát và tại các nội đô ở nhiều tỉnh, thành phố tình trạng ngập, úng triều cường liên tục gia tăng. Ông Lam đưa ra kịch bản, nếu mực nước biển dâng 1 mét thì hơn 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập úng, nếu xâm nhập mặn vào 100 mét thì gần 2 triệu ha đất không thể sản xuất và nuôi trồng được. Tác động của biến đổi khí hậu không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà là thiệt hại cho cả nước và quốc tế, bởi khu vực này đang nắm giữ vai trò an ninh lương thực quốc gia và quốc tế với 25 triệu tấn lúa/ năm. Theo tính toán của ông Lam, dưới tác động của biến đổi khí hậu sẽ có 3 nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp là nhóm ngành nông nghiệp cung ứng (chăn nuôi, trồng trọt, giống, phân bón...), nhóm công nghiệp chế biến (thu mua, sản xuất chế biến, đóng gói, logistic..) và nhóm ngành thương mại dịch vụ (vận tải, phân phối, bán lẻ...).
Ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Rau - Quả - Thực phẩm An Giang đưa ra dẫn chứng thực tế, 5 năm qua Công ty đã bị thiệt hại nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra với hơn 700 mét vuông đất canh tác bị sạt lở. Hàng năm từ 10 – 15 ha nguyên liệu bị mất trắng do triều cường và nước lũ, 7 – 12 ha xuống giống bị mưa giông ngập úng. Nắng hạn, đất nhiễm mặn, nông dân mất mùa, doah nghiệp phải bồi thường gần 2 tỷ đồng cho khách hàng vì không có hàng giao, thiệt hại về tài sản, vật tư trên 4 tỷ đồng...
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 37.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 73%. Vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu được các doanh nghiệp quan tâm, đầu tư nhưng chưa nhiều, chưa đi vào chiều sâu cũng như chưa có biện pháp cụ thể đánh giá để có kế hoạch quản lý, phòng tránh rủi ro. Các doanh nghiệp còn hạn chế trong nhận diện tác động và đề ra phương thức giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy ra … Nhiều chuyên gia khẳng định tuy bị ảnh hưởng trực tiếp do biến đổi khí hậu nhưng các nhóm cộng đồng doanh nghiệp trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tâm lý thờ ơ, trông chờ vào Nhà nước và khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu lại không cao. Ông Nguyễn Diễn - Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng nhấn mạnh, cần tuyên truyền để doanh nghiệp biết việc xây dựng phương án ứng phó thiên tai không chỉ vì lợi ích của doanh nghiệp mà còn tuân thủ theo Luật Phòng chống thiên tai, các doanh nghiệp cần coi trọng việc mua bảo hiểm rủi ro thiên tai hàng năm…
Trước sức ép của rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, nhiều chuyên gia cho rằng, người dân và doanh nghiệp trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần phải có bước chuẩn bị trong ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu, nhất là thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với rủi ro. Bên cạnh đó, cần xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu khả thi nhất để doanh nghiệp tham gia; cần nâng cao trách nhiệm cộng đồng và doanh nghiệp trong phòng chống rủi ro biến đổi khí hậu và đặc biệt cần có một chương trình truyền thông toàn diện về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cho doanh nghiệp trong vùng.
Ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết, từ các tham luận, ý kiến trao đổi của các nhà quản lý, các doanh nghiệp, nhà khoa học và từ thực tiễn của mỗi địa phương đóng góp tại diễn đàn lần này, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ sẽ tổng hợp, xem xét và có ý kiến đề xuất, kiến nghị với Đảng và Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách phù hợp với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân./.