Thị trường bánh Trung thu đang trở nên khá nhộn nhịp khi Tết Trung thu đang cận kề.
Bên cạnh bánh Trung thu của các hãng bánh kẹo lớn bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, trên thị trường vẫn xuất hiện những loại bánh không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Đáng báo động, những ngày gần đây, cơ quan chức năng đã liên tục phát hiện nhiều tấn bánh Trung thu và nhân bánh nhập lậu, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đầu tháng 9 vừa qua, đội Quản lý thị trường số 4 đã phối hợp với phòng 6 - C49 (Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an) tiến hành kiểm tra một cơ sở sản xuất bánh Trung thu tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội. Tại đây, đoàn đã thu giữ 1 tấn nhân bánh Trung thu Trung Quốc không hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, tại Hà Nội có gần 200 cơ sở sản xuất bánh Trung thu, trong đó có rất nhiều cơ sở sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, hoạt động có tính chất thời vụ. Vì sản xuất thời vụ cho nên cơ sở vật chất của các cơ sở này không bảo đảm các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhân viên trực tiếp làm bánh không được khám sức khỏe theo quy định, không đeo khẩu trang, găng tay khi làm bánh. Thậm chí có cơ sở làm bánh ngay sát nhà vệ sinh công cộng, nguyên liệu làm bánh được phơi ngoài đường quốc lộ, nhân bánh bị ruồi muỗi bâu đen, khay đựng bánh cáu bẩn, những người công nhân tay không bốc bánh… Đây cũng là sự cảnh báo mỗi người cũng nên biết cách để tự bảo vệ mình, không nên tham rẻ mà mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng.
Rất nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao thực trạng nhiều cơ sở làm bánh Trung thu vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đã diễn ra trong nhiều năm, có những cơ sở hoạt động không giấy phép, nhưng đến nay vẫn hoạt động, tiếp tục tung ra thị trường số lượng không nhỏ bánh Trung thu không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm? Có lẽ, việc xử lý vi phạm chưa nghiêm và thiếu kiên quyết của cơ quan chức năng, cùng với lợi nhuận lớn thu được từ việc sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu kém chất lượng, đã khiến nhiều người bất chấp các quy định an toàn thực phẩm, tiếp tục cho ra lò những chiếc bánh không bảo đảm chất lượng.
Thực tế cho thấy, sức tiêu thụ bánh Trung thu mỗi mùa rằm tháng Tám thường rất lớn nên nhiều cơ sở sản xuất bánh kẹo cho đây là cơ hội để “làm một vụ ăn cả năm”. Tâm lý tranh thủ “làm dối, làm bẩn” để “ăn thật”, thu lợi thật nhiều, càng có đất phát triển trong bối cảnh các sai phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm chỉ bị xử phạt chỉ bị xử lý chiếu lệ, không đủ sức răn đe. Khi mà làm sai cũng chỉ bị phạt vài triệu đồng, chẳng thấm gì so với mối lợi cực lớn mỗi mùa Trung thu, khi mà chưa một cơ sở làm bánh Trung thu nào bị đóng cửa vì vi phạm quy định về ATVSTP, thì việc những nhà sản xuất thiếu lương tâm không ngơi tay làm bánh bẩn là điều dễ hiểu. Có những cơ sở, bình thường thì đóng cửa, nhưng gần đến Trung thu lại hoạt động sôi nổi, làm ngày làm đêm. Bởi vậy vấn đề kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn.
Nếu các nhà sản xuất không thức tỉnh, lấy lại uy tín cho sản phẩm bánh Trung thu, nếu cơ quan chức năng không mạnh tay xử lý vi phạm theo Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, thì nét văn hóa ẩm thực truyền thống dịp Tết Trung thu có nguy cơ thành… thảm họa.