Theo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bắt đầu từ năm nay, mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên sẽ tăng từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở, tức là tăng gần 150.000 đồng/năm. Trong những ngày đầu năm học mới, nhiều trường học đã đồng loạt thu tiền bảo hiểm y tế đối với học sinh trong 12 tháng, cá biệt có trường thu 15 tháng (do thay đổi hình thức mua thẻ theo năm tài chính thay vì theo năm học như trước đây) với số tiền là 543.700 đồng/học sinh.
Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội, Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Ngũ Duy Anh đã làm rõ những thắc mắc xoay quanh vấn đề này.
* Tránh thu bảo hiểm tập trung vào đầu năm học
Phóng viên: Thưa Vụ trưởng, ông nghĩ thế nào khi các đại lý bảo hiểm đều được tập huấn để khi thu có thể giải thích, hỗ trợ cho khách hàng, trong khi các giáo viên không hề có chuyên môn về việc này và chỉ đơn thuần làm công việc "thu, nộp" bảo hiểm y tế cho học sinh ?
Vụ trưởng Ngũ Duy Anh: Theo quy định hiện hành, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm tập huấn, hướng dẫn cho các đơn vị thu bảo hiểm y tế, trong đó có các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, ở một số địa phương, việc phối hợp giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và ngành giáo dục còn thiếu chặt chẽ, việc tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên, nhân viên y tế trường học chưa được triển khai thường xuyên và chưa hiệu quả.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các địa phương phối hợp với sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở đào tạo tổ chức tập huấn, hướng dẫn về nghiệp vụ thu bảo hiểm y tế cho đội ngũ giáo viên, nhân viên y tế, nhân viên kế toán các trường học, để công tác bảo hiểm y tế thực hiện theo đúng các quy định và đảm bảo chất lượng.
Phóng viên: Nhiều giáo viên cho rằng công việc thu bảo hiểm này không phải việc của giáo viên và đang bị ép làm phần việc không phải của mình ? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào ?
Vụ trưởng Ngũ Duy Anh: Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế, việc tổ chức thu và trích nộp bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên theo quy định pháp luật do các cơ sở giáo dục thực hiện. Trên thực tế, các cơ sở giáo dục, với số lượng học sinh đông, công việc thu, nộp bảo hiểm y tế của học sinh chiếm rất nhiều thời gian của giáo viên chủ nhiệm, nhân viên y tế, kế toán, làm tăng áp lực công việc của giáo viên. Hàng năm, sở giáo dục và đào tạo và ngành Bảo hiểm xã hội địa phương cần ban hành văn bản liên ngành hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện việc thu bảo hiểm y tế vào các thời điểm thích hợp, tránh thu tập trung vào đầu năm học; các cơ sở giáo dục cần có kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ thu bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên hợp lý để tránh tình trạng quá tải cho giáo viên.
* Đẩy mạnh chăm sóc sức khoẻ ban đầu trong trường học
Phóng viên: Thưa Vụ trưởng, hiện nay, chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các trường còn nhiều bất cập, tỷ lệ trẻ mắc các bệnh học đường như cận thị, cong vẹo cột sống ngày càng tăng... Vậy cùng với việc thực hiện quy định bắt buộc đóng bảo hiểm y tế, cần triển khai những công việc gì để việc chăm sóc sức khỏe học sinh, sinh viên tốt hơn, thực chất hơn ?
Vụ trưởng Ngũ Duy Anh: Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các trường học là hết sức quan trọng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Y tế ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về công tác y tế trường học. Theo đó, mỗi trường học đều phải có nhân viên y tế và phòng y tế để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên; phối hợp với các cơ sở y tế địa phương triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, tuyên truyền giáo dục về vệ sinh cá nhân, chăm sóc sức khỏe...cho học sinh, sinh viên.
Tuy nhiên, hiện nay, các cơ sở giáo dục vẫn còn gặp một số khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị của phòng y tế, về đội ngũ nhân viên y tế trường học (thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng), công tác chỉ đạo của các cơ sở giáo dục đối với công tác này chưa đồng đều, hiệu quả chưa cao..., làm ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu trong các nhà trường.
Vì vậy, cùng với việc thực hiện quy định bắt buộc đóng bảo hiểm y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn củng cố, kiện toàn hệ thống y tế trường học, đặc biệt là nâng cao năng lực của đội ngũ nhân viên y tế trường học, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men...của phòng y tế trường học; sử dụng có hiệu quả và đúng mục đích nguồn kinh phí được trích từ quỹ bảo hiểm y tế cho cơ cơ sở giáo dục (5% tổng thu quỹ bảo hiểm y tế tính trên tổng số trẻ em dưới 6 tuổi đối với cơ sở giáo dục mầm non và 7% tổng thu quỹ bảo hiểm y tế tính trên tổng số học sinh, sinh viên đối với cơ sở giáo dục khác) để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu đối với học sinh, sinh viên.
Phóng viên: Hiện nay, mức thu bảo hiểm y tế đối với người chưa làm ra tiền như học sinh, sinh viên là 4,5% có phải hơi cao ? Có nên điều chỉnh lại mức thu này ?
Vụ trưởng Ngũ Duy Anh: Theo quy định tại điểm 1, Điều 2 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, thì mức đóng bảo hiểm đối với người lao động là 4,5% tiền lương tháng, các đối tượng còn lại, bao gồm học sinh, sinh viên có mức đóng là 4,5% mức lương cơ sở.
Như vậy, mức đóng của học sinh, sinh viên không cao hơn mức đóng của người đi làm. Mặt khác, với mức đóng này, học sinh, sinh viên được nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30%.
Phóng viên: Bộ Y tế vừa thành lập Tổ biên tập sửa đổi, bổ sung một số điểm trong Thông tư 41 về Hướng dẫn thực hiện Luật Bảo hiểm y tế. Tổ biên tập với sự tham gia của Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế mà không có sự tham gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong khi đây là vấn đề liên quan mật thiết đến ngành. Vậy ý kiến của Vụ trưởng về việc này như thế nào ?
Vụ trưởng Ngũ Duy Anh: Vừa qua, Bộ Y tế đã mời Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia cuộc họp để bàn về việc tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế và Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi một số nội dung của Thông tư liên tịch số 41. Tôi tin rằng Thông tư số 41 sẽ được sửa đổi bổ sung cho phù hợp.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông./.