Được sử dụng điện lưới Quốc gia là chuyện “thường ngày” ở nhiều địa phương khác trong tỉnh nhưng lại hết sức xa vời với nhiều hộ dân ở xã Vũ Chấn (Võ Nhai). Hiện nay, nhiều hộ dân trong xã vẫn phải dùng đèn dầu thắp sáng hoặc phải tự đầu tư máy thuỷ điện mini để có điện thắp sáng. Với những hộ đã được dùng điện lưới thì bà con vẫn phải chịu cảnh “ăn cơm đèn”, đi ngủ điện.
Xóm Cao Sơn với gần 50 hộ đồng bào dân tộc Dao sinh sống là xóm duy nhất của xã Vũ Chấn chưa có điện. Còn các xóm như Khe Cái, Khe Rạc, Khe Nọi, Khe Cạn, số hộ chưa được sử dụng điện lưới Quốc gia của mỗi xóm chiếm khoảng 30 đến 70%. Cuộc sống thiếu điện đã khiến người dân ở các xóm này gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và sinh hoạt. Để có điện, bà con phải đầu tư máy thuỷ điện mi ni. Tuy nhiên, loại máy này chỉ có thể phục vụ được nhu cầu thắp sáng chứ chưa thể phục vụ sản xuất của các hộ dân. Muốn sao, vò chè; xay xát thóc; nghiền gạo, ngô… bà con ở những khu vực chưa có điện phải mang chè tươi, thóc ra tận trung tâm xã, việc đi, lại vô cùng vất vả. Vào thời điểm hạn hán, nhiều hộ dân dùng máy phát điện để bơm nước tưới chè, cây màu… khiến cho chi phí đầu tư (xăng, dầu) của bà con tốn kém gấp đôi, ba lần so với sử dụng điện. Đồng chí Nông Văn Tuyển, Bí thư Đảng bộ xã nói: Đây là những xóm có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, nhất là phát triển cây chè, chăn nuôi… Do chưa có điện nên bà con không dám đầu tư các loại máy móc, thiết bị để phục vụ cho sản xuất nên đời sống của người dân ở những khu vực này còn rất khó khăn.
Những hộ chưa có điện gặp nhiều khó khăn là vậy, với nhiều hộ đã được sử dụng điện lưới Quốc gia (tập trung ở các xóm Na Mấy, Đồng Đình, Na Rang, Na Đồng, Na Cà), tình hình cũng không khá hơn là mấy. Điện đã về xã hơn chục năm nay nhưng chất lượng nguồn điện ở đây không ổn định. Bà Ma Thị Duyên, xóm Na Rạc, là người đã đứng ra vận động một nhóm hộ kéo điện từ trạm biến áp về nhà dân từ năm 2002 chia sẻ: Điện ở đây phập phù lắm nên chủ yếu chỉ phục vụ thắp sáng. Để tiết kiệm thời gian, vợ chồng tôi đã mua nồi cơm điện về nấu. Điện lúc mạnh, lúc yếu, nhiều lần nấu, cơm chẳng chín được, tôi đành phải bỏ nồi cơm điện. Nhiều nhà có tivi còn chẳng thể mở được vì điện yếu. Điện quá yếu, chập chờn, nhất là vào lúc ao điểm (khoảng 17 đến 19 giờ hằng ngày) cũng khiến cho các thiết bị sử dụng điện như máy bơm nước, quạt, nồi cơm điện… rất dễ bị hư hỏng.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, ở Vũ Chấn, điện lưới Quốc gia đã về đến trung tâm xã. Tuy nhiên muốn có điện, các hộ ở xa trung tâm phải tự kéo điện về nhà. Trong khi đó, khoảng cách đường dây từ trạm biến áp đến nhà dân quá xa (từ 1 đến 5km). Theo tính toán của các hộ dân, muốn kéo được điện về nhà, hộ ở gần trạm biến áp hơn (khoảng 1km) phải đóng ít nhất 2 triệu đồng/hộ nếu nhóm hộ tham gia đóng góp từ 10 gia đình trở lên. Với những hộ ở xa (khoảng 4-5km như ở xóm Khe Rạc, Khe Nọi, mỗi gia đình phải đóng góp từ 6 đến 7 triệu đồng). Cách đây vài tháng, 2 nhóm hộ ở Khe Rạc (1 nhóm có 18 hộ, một nhóm có 8 hộ) đã phải bỏ ra khoảng 7 triệu đồng/hộ để kéo điện về nhà.
Điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, những tuyến đường điện do dân đầu tư, cột điện đều được làm bằng tre, gỗ nên rất nguy hiểm trong mùa mưa bão. Vào khoảng tháng 8 năm ngoái, do mưa to, gió lớn, cột điện của gia đình anh Hoàng Văn Rồng ở xóm Na Mấy bị đổ, đứt dây điện làm chết một con trâu của anh Hoàng Văn Thuấn. Sau đó anh Rồng đã phải bồi thường cho anh Thuấn trên 20 triệu đồng. Ông Nông Văn Tuyển nói: Mỗi khi mùa mưa bão đến, chính quyền địa phương rất lo lắng. Chất lượng hệ thống dây điện do bà con tự đầu tư rất kém nên nhanh xuống cấp. Trong khi đó, có những nơi, hệ thống đường điện đã được đầu tư hàng chục năm đang cần thay thế. Cột điện bằng gỗ, tre cũng nhanh bị hư hỏng. Do đó, khi mưa to, gió lớn cột điện dễ bị gẫy đổ, dây bị đứt có thể gây thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng cho người dân.
Hệ thống đường dây kém như vậy nên tổn thất điện năng ở những khu vực này rất lớn. Chỉ phục vụ thắp sáng nhưng người dân phải chi trả số tiền điện hàng tháng khá cao, trung bình mỗi hộ phải trả trên 100 nghìn đồng, cao gấp đôi so với nhưng khu vực có tổn thấp điện năng ở mức thấp.
Theo nhận định của chính quyền địa phương, dân cư phân bố không tập trung là nguyên nhân dẫn đến việc đầu tư đường điện cho các hộ dân ở Vũ Chấn còn gặp nhiều khó khăn. Được biết, chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị với các cấp, ngành chức năng và ngành Điện của tỉnh đã tiến hành khảo sát, thiết kế nhưng đến nay, hệ thống điện ở Vũ Chân vẫn chưa được nâng cấp, đầu tư. Do đó, mong muốn của bà con nơi đây là Nhà nước nhanh chóng đầu tư nguồn lực để các xóm xa trung tâm của xã Vũ Chấn sớm được sử dụng điện lưới Quốc gia. Khi có điện, đời sống của các hộ dân nơi đây chắc chắn sẽ có những đổi thay tích cực.
Xã Vũ Chấn có gần 680 hộ dân, được phân bố tại 10 xóm. Hiện nay, chỉ có 69% số hộ dân trong xã được dùng điện lưới Quốc gia, tuy nhiên chỉ có khoảng 30% số hộ được sử dụng nguồn điện ổn định.. Nhiều năm nay, bà con đã rất mong mỏi được sử dụng nguồn điện lưới Quốc gia ổn định.