Niềm tin vào cuộc sống

16:15, 30/10/2015

Trong cuộc sống hằng ngày, cái xấu và cái ác vẫn đang tìm mọi cách len lỏi, gây tác hại và làm cho không ít người hoang mang, lo sợ, thậm chí là sa sút niềm tin. Thời gian gần đây, khi chuyên mục Việc tử tế lên sóng VTV1 đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của khán giả, mang lại hiệu ứng tích cực trong xã hội. Theo dõi chuyên mục này, chúng ta có thể gặp nhiều con người bình dị với những việc làm thầm lặng nhưng đã và đang góp phần giúp cuộc sống của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn.

 Hơn chục năm qua, cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã được phát động trong mọi tầng lớp nhân dân. Nhiều tấm gương bình dị mà cao quý, những nét đẹp đời thường như những bông hoa đầy hương sắc nở rộ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác đã dần thấm sâu và trở thành việc làm thường xuyên của mỗi con dân đất Việt.

 

Trên địa bàn tỉnh, nhiều tấm gương tiêu biểu đã được nhân rộng thông qua các kênh thông tin tuyên truyền. Hằng ngày người dân quanh chợ khu Nam, phường Hương Sơn (T.P Thái Nguyên) quen với cảnh khi có tiếng còi hú báo hiệu tàu của Xí nghiệp Vận tải đường sắt (Công ty Gang thép Thái Nguyên) đi qua là chị Nguyễn Thị Tình, ở tổ 22, phường Phú Xá lại chạy vội ra cầm chiếc ô đứng cách đường ray khoảng 4m báo hiệu cho người tham gia giao thông biết tàu sắp qua để không tùy tiện sang đường. Chúng ta có thể bắt gặp “kỹ sư” của nông dân như ông Trần Quang Vinh, ở xóm Tân Thái, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) đã không ngừng mày mò, sáng chế ra nhiều loại máy nông cụ độc đáo giúp cho người nông dân giải phóng sức lao động; hay ông Trần Đức Nguyên, 71 tuổi, dân tộc Sán Chay ở xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh (Phú Lương) tình nguyện làm một việc hết sức ý nghĩa: truyền dạy chữ viết và ngôn ngữ dân tộc Sán Chay cho các cháu nhỏ trong xóm. Thiếu tá Ma Đình Hải (hiện đang công tác tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh) sẵn sàng nhảy xuống dòng nước cứu 2 người đi đường trước “lưỡi hái của tử thần” khi họ không may bị rơi xuống dòng nước đang chảy mạnh ở Hồ Núi Cốc (đúng ngày Hồ xả lũ)…

 

Trước đây, chúng ta thường có thói quen quan tâm nhiều đến những vụ việc nổi cộm, "hot" của xã hội, đại loại như cướp, giết, hiếp... Và việc lan tỏa những thông tin đó qua tuyên truyền miệng hay mạng xã hội thường rất nhanh. Nhưng gần đây, với những clip hoặc tin, bài về câu chuyện hay việc làm tử tế thì chỉ vài giờ sau khi đăng tải, lập tức các clip, tin, bài đó thu hút được số lượng lớn người xem và cũng nhanh chóng lan tỏa trên mạng xã hội. Nhiều độc giả đã bình luận sôi nổi với các ý kiến rất xúc động. Nhiều hình ảnh xúc động như những bức chân dung về lòng nhân ái trong xã hội được hiện hữu như tiếp thêm niềm tin yêu cuộc sống cho tất cả mọi người, khiến chúng ta không khỏi chạnh lòng. Họ chỉ nghĩ đã làm được một công việc có ích, không đón đợi một sự trả giá hay ban ơn nào. Điều đó chứng tỏ trong xã hội, người tốt vẫn rất nhiều. Cái tốt nằm trong ý thức của mỗi con người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Rõ ràng sự trung thực, lòng tốt vẫn hiện diện ở khắp mọi nơi.

 

Không nghĩ tới việc được tôn vinh, ngợi ca, những con người bình dị ấy thường xuất hiện trong chuyên mục “Việc tử tế” thuộc mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề đã âm thầm làm những công việc mà họ thấy là cần thiết. Rất nhiều việc làm nhân ái, nghĩa tình như vậy đã và đang hiện hữu trên khắp các địa phương trong cả nước. Chuyên mục “Việc tử tế” trên VTV1 cùng những chuyên mục khác như "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Người tốt việc tốt", "Những bông hoa đẹp"... trên nhiều tờ báo mới chỉ phản ánh được phần nào, nhưng cũng đủ cho chúng ta thấy ấm lòng trước tình đời, tình người.

 

Vậy mà xung quanh chúng ta vẫn còn một số ít người luôn sống trong trạng thái hoài nghi, thậm chí thiếu thiện chí, trước những điều tốt đẹp đang hiện diện trong cuộc sống hằng ngày; thích phán xét, thậm chí là chê bôi hoặc nghi ngờ lòng tốt của người khác. Họ thường trực tâm lý cảnh giác, đề phòng, nơm nớp lo sợ như thể những điều xấu xa đang bao vây, có thể tiến công mình bất cứ lúc nào. Nếu cuộc sống chỉ có những tiêu cực và cái ác hoành hành thì an ninh, trật tự xã hội sẽ ra sao?  

 

Không phải vô cớ khi có người khẳng định rằng: Nếu mất lòng tin là mất đi tất cả. Là một công dân tốt trong xã hội, mỗi người thay vì thờ ơ hoặc khoanh tay phán xét, chỉ trích… thì cần mạnh dạn trực diện đấu tranh với cái xấu, cái ác. Và điều quan trọng hơn là cần tham gia góp phần hoàn thiện, phát triển xã hội bằng chính thái độ nghiêm túc, những việc làm cụ thể, có tính nhân văn, giúp ích cho cộng đồng. Đó chính là những hành động thiết thực góp sức ngăn chặn, đẩy lùi cái xấu, cái ác.

 

Sự quan tâm của người dân tới những chuyện đời chân thực, nhân ái, cảm động là bằng chứng cho thấy cái đẹp, cái thiện vẫn luôn là đích hướng tới của xã hội con người. Dẫu đâu đó còn tiêu cực, giả dối, xấu xa, nhưng con người vẫn chỉ có thể trưởng thành bằng sự tử tế và lòng nhân ái. Có thể đây đó trong cuộc sống, những thói tật xấu và cái ác vẫn còn tồn tại, nhưng không vì thế mà chúng ta mất đi lòng tin vào những điều tốt đẹp. Người tốt vẫn luôn tồn tại trong cuộc đời này, và họ sẵn sàng làm những công việc mà lương tâm họ mách bảo, không mưu cầu lợi ích cho bản thân. Mỗi chúng ta cần có niềm tin vào cuộc sống, vào những điều tốt đẹp trong xã hội, tích cực thi đua học tập, rèn luyện để cống hiến và trưởng thành.

 

Hệ thống các kênh thông tin, truyền thông, trong đó báo chí có vai trò hết sức quan trọng trong việc nhân lên những tấm gương người tốt, việc tốt. Sự xuất hiện quá nhiều tin bài về hành vi tiêu cực, hay mô tả tội ác một cách chi tiết, tỉ mỉ ở một số tờ báo vô hình dung lại gây hoang mang chứ không tác động tích cực đến cuộc sống. Bởi vậy, công tác thông tin, tuyên truyền cần tích cực hơn nữa trong việc tôn vinh những việc làm tử tế, chuyển tải những tấm gương người tốt, việc tốt để nhân rộng trong xã hội, thiết thực "Lấy cái đẹp dẹp cái xấu" - khâu đột phá được Trung ương lựa chọn trong công tác tuyên truyền, giáo dục những năm qua.