Sáng 29/10, tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm: “Viễn cảnh Mê Công: Thay đổi và kỳ vọng” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức với mục tiêu chia sẻ những phân tích, diễn giải liên quan đến tiến trình phát triển sông Mê Công và kịch bản tương lai. Buổi tọa đàm đã thu hút đông đảo các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, các lưu vực sông…
Mặc dù được đánh giá là con sông có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và có mức độ đa dạng sinh học cao, lưu vực sông Mê Công vẫn được coi là khu vực có nền kinh tế kém phát triển và tỷ lệ đói nghèo cao. Tất cả các nước trong lưu vực sông Mê Công đều tìm cách đẩy mạnh phát triển kinh tế, kể cả việc tìm cách khai thác ngày càng nhiều lợi thế về tài nguyên nước, các tài nguyên liên quan đến lưu vực Mê Công và coi đó là biện pháp cần thiết để vượt qua nghèo đói. Việc khai thác ngày càng mạnh mẽ các tài nguyên trong lưu vực sông Mê Công nói chung và tiềm năng thủy điện đặc biệt trên dòng chính ở cả phần thượng lưu và hạ lưu vực là thách thức ngày càng tăng đối với hợp tác Mê Công. Các quốc gia phần thượng lưu vực đang phát triển các bậc thang thủy điện mà không hề có sự hợp tác, thỏa thuận hoặc trao đổi với các quốc gia hạ lưu vực cùng chia sẻ nguồn nước. Hiện nay, các quốc gia hạ lưu vực cũng bắt đầu tích cực nghiên cứu phát triển tiềm năng thủy điện trên dòng chính và chuyển nước ra ngoài lưu vực.
Tiến sỹ Đào Trọng Tứ, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững Tài nguyên nước và Thích ứng với Biến đổi khí hậu (Hội Tưới tiêu Việt Nam) cho rằng, việc tích cực đấu tranh, tăng cường cơ chế hợp tác Mê Công để thực hiện Hiệp định Mê Công 1995 là một biện pháp vô cùng quan trọng để giúp bảo vệ quyền lợi của Việt Nam là quốc gia nằm ở cuối nguồn. Bên cạnh đó, việc lồng ghép hợp tác Mê Công vào các hợp tác khu vực (ASEAN, GMS…), các diễn đàn, chương trình hợp tác song phương là một biện pháp cần được thực hiện nhất quán và liên tục.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hồng Toàn, Cố vấn quốc gia trong xây dựng Chiến lược phát triển lưu vực cho biết, xu thế phát triển tài nguyên nước là tất yếu và phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay. Tuy vậy trên thế giới, nhiều lưu vực sông quốc tế sử dụng công cụ chia sẻ lợi ích và chi phí để thúc đẩy và duy trì hợp tác. Các quốc gia lưu vực sông Mê Công nên xem xét áp dụng cụ thể hướng giải pháp này. Cùng với đó, Việt Nam nên xem xét rõ hơn về vị trí các tiểu lưu vực sông của mình để có các bước đi phù hợp trong duy trì và thúc đẩy hợp tác Mê Công. Việc lồng ghép hợp tác Mê Công với quản lý và phát triển tài nguyên nước quốc gia và với sáng kiến hợp tác khác là rất cần thiết.
Các đại biểu tham gia Tọa đàm cũng cùng nhau thảo luận, chia sẻ quan điểm về một số nội dung như: Đập thủy điện Mê Công; Tổng quan chiến lược phát triển lưu vực Mê Công; Kiến giải mới về tương lai thủy điện Mê Công; Động thái phát triển mới trên sông Mê Công và tác động lên hợp tác khu vực; Công ước Liên hợp quốc về nguồn nước và tiềm năng giải quyết các vấn đề hợp tác phát triển dòng sông quốc tế…/.