Báo động tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Đồng Hỷ

10:00, 17/11/2015

Tính đến hết tháng 9-2015, tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ là nam/100 trẻ nữ) của huyện Đồng Hỷ là 130,1, tăng vọt 34,1% với cùng kỳ năm 2014, cao hơn con số 118 trẻ nam/100 trẻ nữ của tỉnh. Nếu chiều hướng này tiếp tục tái diễn, có thể tác động đến cấu trúc dân số ở địa phương này nói riêng và toàn tỉnh nói chung, dẫn đến nhiều hệ lụy trong xã hội.

Trong 9 tháng năm 2015, số trẻ được sinh ra ở huyện Đồng Hỷ giảm 63 trẻ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mức độ chênh lệch giới tính khi sinh lại tăng đột biến. Ở hầu hết các xã, thị trấn trong huyện đều xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Trong số đó, các xã, thị trấn có tỷ số cao là: Chùa Hang, Sông Cầu, Trại Cau, Minh Lập, Văn Lăng...  Bà Triệu Phương Hạnh, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (KHHGĐ) huyện Đồng Hỷ thông tin: Những năm qua, mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh ở huyện không ổn định. Ví dụ như tỷ số giới tính khi sinh cao vào các năm 2012, 2013, giảm vào năm 2014 và tiếp tục tăng trong năm 2015. Và theo thống kê sơ bộ của Trung tâm, số trẻ em nam được sinh ra chủ yếu là con thứ nhất và thứ hai 2 trong gia đình. Mặc dù huyện đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về cân bằng giới tính khi sinh; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở y tế công lập và tư nhân trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh… nhưng sự tác động đến tư duy người dân còn thấp.

 

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, nguyên nhân của hiện trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là do phong tục tập quán, tâm lý phải có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Thêm vào đó, chế độ an sinh xã hội chưa đảm bảo, nhất là đối với những người sống ở khu vực nông thôn nên họ mong muốn có con trai để phụng dưỡng, chăm sóc lúc tuổi già. Vấn đề bình đẳng trong cơ hội học tập, việc làm và tiếp cận các dịch vụ xã hội của nữ giới vẫn còn hạn chế khiến nhiều người mong muốn sinh con trai hơn con gái. Từ những lý do trên đã dẫn đến tình trạng người dân can thiệp ngày càng nhiều vào việc lựa chọn giới tính khi sinh hoặc lạm dụng tiến bộ của khoa học công nghệ để lựa chọn giới tính ngay từ trước lúc mang thai...

 

Là xã có tỷ số giới tính khi sinh trong 9 tháng năm 2015 cao nhất trong huyện, nhưng tất cả 71 trẻ trong thời điểm trên ở xã Minh Lập không có trường hợp nào là con thứ 3 trở lên. Theo chị Chu Thị Hằng, cán bộ Dân số - KHHGĐ, Trạm Y tế xã Minh Lập cho biết: Trên địa bàn xã không có bất kỳ một cơ sở siêu âm hay cơ sở nạo, phá thai nào nào để người dân lựa chọn giới tính trước sinh. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu người dân lựa chọn giới tính trước khi mang thai, khi sinh hoặc tiến hành nạo phá thai ở nơi khác, chúng tôi cũng không thể nắm được chính xác. Cùng chung quan điểm đó, chị Ma Thị Hiên, cán bộ Dân số - KHHGĐ, Trạm Y tế thị trấn Chùa Hang cho rằng: Nếu bản thân người dân không tự nguyện cung cấp thông tin thì việc họ có lựa chọn giới tính khi sinh hay không chúng tôi khó có thể nắm được. Và với cách tuyên truyền chủ yếu là truyền thông miệng như hiện nay, rất khó để thuyết phục người dân về vấn đề cân bằng giới.

 

Theo các chuyên gia, nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh kéo dài có thể dẫn đến nhiều hệ luỵ nghiêm trọng. Bởi thế tình trạng mất cân bằng giới tính đang là vấn đề cần phải quan tâm giải quyết của các cấp, ngành của huyện Đồng Hỷ. Trong đó, cần chú trọng đến một số hoạt động như: tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân để giảm mất cân bằng giới tính; vận động, thuyết phục người dân không lựa chọn giới tính trước sinh; quan tâm đến chính sách phát triển kinh tế xã hội, nâng cao mức sống người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; quan tâm chăm lo đến đời sống người cao tuổi để giảm mức độ phải thuộc vào con cái; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật… Từ đó, giúp người dân nâng cao nhận thức, thực hiện tốt chính sách dân số - KHHGĐ; hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cũng như tình trạng sinh con thứ ba để nâng cao chất lượng cuộc sống.