Xóm 4, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ), không chỉ sản xuất chè ngon mà còn được biết đến là xóm 12 năm đạt danh hiệu Làng văn hóa với những thành tích: 15 năm liền không có người sinh con thứ ba trở lên, trên 95% số hộ đạt gia đình văn hóa, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,9% và có phong trào văn hóa văn nghệ sôi nổi...
Đến với xóm 4, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống no ấm, thanh bình và không khí thoáng mát trong lành trên những đồi chè xanh ngút mắt, xen với những ngôi nhà xây mái ngói, nhà cao tầng. Trên các nương chè, từng đoàn các chị, các cô vừa hái chè vừa râm ran chuyện trò. Ông Trần Văn Minh, Bí thư Chi bộ xóm cho biết: Việc giúp đỡ nhau phát triển kinh tế theo kiểu đổi công khi đến vụ gặt lúa, hái chè được duy trì thường xuyên trong xóm. Qua đó mà tình làng, nghĩa xóm càng thêm bền chặt. Bà con nơi đây xem việc giúp đỡ hàng xóm như là một “tiêu chí” để bầu chọn gia đình văn hóa. Đây cũng là điểm thuận lợi góp phần tạo nên thành công trong xây dựng đời sống văn hóa xủa xóm có 103 hộ với 360 nhân khẩu này.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tiền thân của xóm là đội 4 của Nông trường chè Sông Cầu, đã ra đời và phát triển từ những năm 60 của thế kỷ trước. Thời điểm đó, người dân trong xóm thường trồng chè trung du để bán cho nông trường chế biến xuất khẩu. Nhưng từ năm 1998 trở lại đây, Nông trường hoạt động kém hiệu quả, giá thu mua nguyên liệu thấp khiến cho cuộc sống của người trồng chè gặp nhiều khó khăn. Khi đó, thu nhập bình quân ở xóm chỉ đạt khoảng 4,5 triệu đồng/người/năm; xóm chưa có đường bê tông, đường trục nhỏ, hôm nào mưa thì lầy lội, rất khó đi.
Nhớ lại thời điểm đó, ông Trần Văn Minh cho biết: Để giải quyết được vấn đề xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, Chi bộ và Ban vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" của xóm đã chú trọng khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đoàn kết giúp nhau vươn lên phát triển kinh tế. Xác định cây chè là cây trồng mũi nhọn, nhiều người dân trong xóm tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng và chế biến chè; tập trung sản xuất chè búp chất lượng cao, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Ngoài cây chè trung du sẵn có của địa phương, nhiều người dân mạnh dạn đưa cây chè cành về trồng thử và đã thu được hiệu quả cao. Dần dần, người dân trong xóm còn tập trung làm chè đặc sản chất lượng cao với các giống chè như: Nhật, Bát Tiên, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, Hùng Đỉnh Bạch, LDP1…
Hiện nay, diện tích trồng chè của xóm đạt 40ha, sản lượng chè búp tươi trung bình đạt 220 tấn/năm. Trong xóm có nhiều gia đình phát triển kinh tế giỏi, tiêu biểu, có 10 hộ kinh doanh buôn bán chè búp, cho thu nhập cao. Như gia đình chị Nguyễn Thúy Hoa là một ví dụ: Mỗi năm gia đình chị thu mua khoảng 300 tấn chè tươi, cho thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng. Hay như mô hình làm vườn ươm giống chè cành của anh Nguyễn Văn Đạt, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng chục vạn hom giống chất lượng cao, thu nhập 200 triệu đồng… Cùng với đó, người dân cũng chú trọng phát triển kinh tế từ trồng rừng, với diện tích rừng sản xuất đạt 25ha, mỗi năm khai thác được 100m3 gỗ các loại. Chăn nuôi cũng được người dân chú trọng, hiện xóm có các cơ sở chăn nuôi gà quy mô hàng nghìn con, mỗi năm ước bán gần 5 tấn sản phẩm. Từ các nguồn thu này, người dân trong xóm đã có cuộc sống ổn định. Số hộ giàu và khá trong xóm tăng lên đáng kể, đến nay đã đạt 75% tổng số hộ trong xóm, thu nhập bình quân đạt 30 triệu đồng/người/năm.
Kinh tế phát triển đã tạo thuận lợi để cán bộ xóm vận động nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa. Đến nay, xóm 4 đã xây dựng được nhà văn hóa, sân khấu biểu diễn văn nghệ và sân tập thể thao ngoài trời. 100% đường làng ngõ xóm được bê tông hóa giúp bà con đi lại dễ dàng thuận tiện hơn. Từ 3 năm trở lại đây, xóm 4 đã thành lập được Câu lạc bộ Văn hóa văn nghệ và thể dục thể thao. Chị Nguyễn Thị Huệ, Đội trưởng Đội văn nghệ của xóm cho biết: Đội văn nghệ của chúng tôi có 42 thành viên thường xuyên giao lưu, biểu diễn trong các ngày lễ lớn. Tình yêu ca múa, lòng nhiệt tình của các thành viên đã đưa phong trào phát triển, thu hút được mọi lứa tuổi cùng tham gia. Từ đầu năm tới nay, chúng tôi đã tổ chức được 8 đêm giao lưu văn nghệ và được sự cổ vũ nhiệt tình của bà con trong xóm và các xóm lân cận.
Bên cạnh đó, tình hình an ninh trật tự trong xóm luôn được giữ vững, xóm không có tệ nạn xã hội, không có đối tượng hình sự hay nghiện hút. Năm 2015, trên 95% số hộ trong xóm đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Bên cạnh đó, 15 năm liên tục, xóm không có người sinh con thứ ba trở lên; 100% trẻ em đều được đi học đúng độ tuổi; mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đều được thực hiện nghiêm chỉnh…