Từ cuối tháng 7-2015, Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình chính thức đưa kỹ thuật chạy thận nhân tạo vào hoạt động; tạo điều kiện thuận lợi cho những bệnh nhân bị suy thận trên địa bàn huyện được khám, chữa bệnh ngay tại địa phương, giúp giảm bớt chi phí điều trị cho người bệnh. Đây là bệnh viện tuyến huyện đầu tiên của tỉnh đưa kỹ thuật chạy thận nhân tạo vào điều trị.
Phải chạy thận nhân tạo từ đầu năm 2014, trước đây, cứ 3 ngày/tuần, bà Đào Thị Đăng ở xóm Vàng, xã Tân Đức (Phú Bình) phải tự mình đi xe buýt hơn 1 giờ để đến Bệnh viên Đa khoa Trung ương Thái Nguyên chạy thận. Để thuận tiện cho việc điều trị, bà còn phải thuê một phòng trọ nhỏ ở gần Bệnh viện khiến chi phí đi lại, ăn ở rất tốn kém. Tuy nhiên, từ khi Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình đưa 2 máy chạy thận nhân tạo vào hoạt động, bà Đăng đã được chuyển về điều trị tại đây. Nhờ vậy, định kỳ 3 lần/tuần, bà Đăng được người cháu chở đến Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình để điều trị và đón về vào cuối buổi. Bà bảo: Điều trị ở đây giúp tôi giảm được chi phí không nhỏ trong việc đi lại, ăn ở, sinh hoạt và cả thời gian. Tôi rất mừng vì được điều trị ngay tại địa phương.
Nằm điều trị bên cạnh bà Đăng, chị Nguyễn Thị Bằng, ở xóm Viên, xã Tân Đức (Phú Bình) chia sẻ: Từ khi chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên về điều trị tại huyện, tôi nhận được nhiều sự động viên của gia đình, làng xóm hơn. Thêm vào đó, cơ sở vật chất khang trang, không gian yên tĩnh và sự quan tâm tận tình của các bác sĩ cũng giúp chúng tôi vơi bớt mệt mỏi trong những đợt điều trị.
Bác sĩ Hoàng Văn Đường, Trưởng Khoa Nội - Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình, người trực tiếp phụ trách hoạt động chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân cho biết: Đối với các bệnh nhân bị bệnh thận mãn tính giai đoạn cuối, để duy trì sự sống thì song song với điều trị nội khoa cần kết hợp 1 trong 3 phương pháp điều trị là chạy thận, lọc màng bụng và ghép thận. Tuy nhiên, chạy thận nhân tạo vẫn là lựa chọn phổ biến nhất hiện nay. Đây là quá trình lọc máu ngoài thận chu kỳ mà bệnh nhân phải gắn bó lâu dài, nhằm thanh lọc những chất cặn bã và lượng nước dư thừa trong cơ thể. Trung bình, mỗi bệnh nhân phải thực hiện chạy thận từ 2-3 lần/tuần, mỗi lần chạy từ 3-4 tiếng. Với tần suất điều trị tương đối lớn như vậy, việc có thể điều trị ngay tại địa phương đã đem đến nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh. Không những vậy, máy chạy thận nhân tạo còn có thể đáp ứng kịp thời cho nhu cầu cấp cứu đối với những bệnh nhân bị ngộ độc bởi hoá chất, chất độc.
Hiện nay, với 2 máy chạy thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình đang điều trị cho 4 bệnh nhân với tần suất 3 lần/tuần/người. Được biết, 2 máy chạy thận nhân tạo có trị giá 1,8 tỷ đồng được đầu tư từ nguồn quỹ kết dư Bảo hiểm y tế của Bệnh viện. Cùng với đó, phòng chạy thận cũng được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp, tạo điều kiện để bệnh nhân yên tâm điều trị. Để triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình đã cử một kíp cán bộ gồm 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng và 1 kỹ thuật viên đi học tập, thực hành kỹ thuật tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên trong thời gian 3 tháng. Thêm vào đó, trong thời gian đầu hoạt động, Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên cũng đã cử cán bộ về tận huyện để giám sát, giúp đỡ, hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho kíp cán bộ vận hành máy chạy thận nhân tạo.
Bác sĩ Chuyên khoa I, Tạ Văn Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình cho hay: Tuy không phải là kỹ thuật vượt tuyến nhưng việc đưa 2 máy chạy thận nhân tạo vào hoạt động là quyết tâm rất lớn của cán bộ, bác sĩ Bệnh viện. Có thể nói, đây là bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng thành tựu của y học hiện đại vào công tác điều trị cho bệnh nhân, qua đó, từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân trên địa bàn huyện. Đặc biệt, kỹ thuật chạy thận nhân tạo được triển khai tại địa phương đã mang đến niềm hy vọng cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân ở khu vực miền núi, cách xa các bệnh viện lớn đang phải điều trị bệnh suy thận mãn tính với chu kỳ kéo dài theo quy định. Với việc triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo công tác chuyên môn của Bệnh viện đã được nâng cao thêm 1 bước, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, góp phần giảm tải cho y tế tuyến trên. Thời gian tới, Bệnh viện đã có kế hoạch trang bị thêm một số máy chạy thận nhân tạo và cử thêm cán bộ đi học tập kiến thức, kinh nghiệm và thực hành kỹ thuật điều trị cho bệnh nhân bị suy thận mãn tính, hướng tới đáp ứng đủ nhu cầu của những người bệnh trên địa bàn huyện.