Giải pháp bền vững cho điều trị HIV/AIDS

08:19, 04/11/2015

Hiện nay, 100% thuốc kháng vi rút (ARV) để điều trị cho bệnh nhân HIV ở tỉnh ta do Quỹ toàn cầu tài trợ. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nguồn lực này sẽ bị cắt giảm. Trước thực trạng đó, bảo hiểm y tế (BHYT) được xác định sẽ là nguồn đảm bảo cho bệnh nhân HIV/AIDS  tiếp cận thuốc ARV một cách bền vững, giúp người bị nhiễm HIV giảm bớt chi phí trong điều trị.

Theo thống kê của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Thái Nguyên có 5.896 người nhiễm HIV/AIDS còn sống, trong đó, 3.274 người đang được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV). Ngoài tác dụng giảm tỉ lệ mắc bệnh, giảm tử vong và cải thiện chất lượng cuộc sống của người nhiễm HIV, điều trị bằng thuốc ARV còn là một biện pháp dự phòng hiệu quả, giúp giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con, giảm lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục.

 

Đã dùng thuốc ARV hơn 4 năm nay, anh Đ.V.T ở xã Yên Lãng (Đại Từ) cho biết: Trước đây, khi chưa dùng thuốc ARV, tôi thường xuyên mắc nhiều loại bệnh khác nhau, sức khoẻ yếu, không có khả năng lao động. Tuy nhiên, sau khi dùng thuốc, sức khoẻ của tôi đã ổn định hơn, có thể lao động và sinh hoạt bình thường.

 

Hiện nay, nguồn thuốc ARV ở tỉnh ta đang được dự án Quỹ toàn cầu tài trợ hoàn toàn. Tuy nhiên, nguồn viện trợ này sẽ bị cắt giảm dần trong năm 2016 và có khả năng đến hết năm 2017, sẽ bị cắt hoàn toàn. Trong khi đó, theo tính toán, một bệnh nhân HIV sẽ phải trả khoảng hơn 4 triệu đồng cho các chi phí điều trị bằng thuốc, xét nghiệm mỗi năm, đối với những người điều trị theo phác đồ bậc 1, phải điều trị sang phác đồ bậc 2 thì chi phí điều trị có thể tăng lên gấp 7-8 lần.

 

Trước thông tin có thể ngừng cấp thuốc ARV miễn phí trong thời gian tới, nhiều bệnh nhân đã bày tỏ lo ngại. Chị H.T.V ở xã Bá Xuyên (T.P Sông Công) bộc bạch: Dù không thuộc hộ nghèo nhưng hoàn cảnh của gia đình tôi cũng tương đối khó khăn. Vì thế, tôi khó có thể tự chi trả các chi phí điều trị. Còn đối với 2 vợ chồng anh N.M.D và chị T.T.H ở xã Bản Ngoại (Đại Từ), không được điều trị HIV miễn phí đồng nghĩa với việc bỏ thuốc, dừng điều trị vì không đủ điều kiện kinh tế.

 

Theo ông Trương Bình Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS: Nếu người bệnh không được điều trị ARV hoặc điều trị không liên tục sẽ dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng: người nhiễm HIV sẽ nhiễm các bệnh nhiễm trùng cơ hội (chuyển sang AIDS) và dẫn đến tử vong; tỷ lệ HIV kháng thuốc sẽ tăng cao, gây khó khăn và tốn kém trong điều trị; số lượng HIV trong máu người nhiễm sẽ tăng cao, làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV cho người khác, dẫn đến dịch HIV/AIDS có nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

 

Cũng theo ông Minh, việc thu phí dịch vụ điều trị ARV đối với bệnh nhân HIV/AIDS không dễ vì hầu hết họ là những người có hoàn cảnh khó khăn, không có thu nhập ổn định. Bởi thế, giải pháp được cho là lâu dài và bền vững cho việc thanh toán điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS là thông qua BHYT. Hiện nay, ở nước ta, thuốc ARV, các xét nghiệm liên quan đã được đưa vào danh mục chi trả của BHYT, nếu không có thẻ Bảo hiểm y tế, thực sự sẽ là một gánh nặng về chi phí điều trị cho bệnh nhân.

 

Tuy nhiên, trên thực tế, theo kết quả điều tra của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh vào năm 2013, tỷ lệ bệnh nhân HIV/AIDS có BHYT là 62,4%, trong số đó, đa phần thuộc nhóm đối tượng chính sách được cấp thẻ BHYT miễn phí (57,2%) và một số ít người có khả năng tự mua BHYT. Còn lại là nhóm người không thuộc đối tượng chính sách và không có khả năng mua BHYT. Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân lo ngại rằng việc mua BHYT sẽ có thể làm lộ thông tin cá nhân, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Tuy nhiên, theo ông Trương Bình Minh, cũng giống như các đối tượng khác, khi mua thẻ BHYT, bệnh nhân HIV/AIDS không cần phải kê khai thông tin bị nhiễm HIV và họ hoàn toàn có thể đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế được BHYT chi trả. Ngoài ra, tại tất cả các cơ sở y tế mọi thông tin cá nhân của người bệnh đều được bảo mật.

 

Được biết, để thuận tiện cho việc chi trả BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS, hiện nay, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh đang triển khai thực hiện Công văn số 1240/BYT-AIDS ngày 26-02-2015 của Bộ Y tế về việc kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS. Theo đó, sẽ chuyển phòng khám ngoại trú của Trung tâm Y tế tuyến huyện 1 chức năng (dự phòng) sang Bệnh viện Đa khoa tuyến huyện tương ứng. Cùng với đó, các cán bộ làm nhiệm vụ khám, cấp phát thuốc cho bệnh nhân HIV/AIDS cũng đã thực hiện phổ biến cho bệnh nhân về chính sách BHYT để người bệnh tiếp cận.

 

Có thể khẳng định, nếu không có thẻ BHYT, việc điều trị HIV thực sự sẽ là một gánh nặng về chi phí điều trị cho bệnh nhân. Vì vậy, để giúp bệnh nhân hiểu được vai trò quan trọng của BHYT, mạnh dạn đăng ký và tham gia BHYT, cần tích cực tuyên truyền tại các phòng tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, các phòng khám điều trị ngoại trú, qua tài liệu hoặc các buổi truyền thông trực tiếp… và qua mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng. Đồng thời, cần tiến hành rà soát số lượng người nhiễm HIV/AIDS chưa được cấp thẻ BHYT để đề xuất chính sách hỗ trợ kịp thời, bảo đảm cho việc điều trị.